.

Việc làm cho người sau cai nghiện

Những cái lắc đầu, những ánh mắt nghi ngại, những câu hỏi dò xét… dành cho những người sau cai nghiện đã đóng lại cánh cửa việc làm trên hành trình trở về nẻo thiện của người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

“Mình đi xin việc đến đâu cũng gặp khó khăn vì không có nghề. Khi biết mình từng nghiện ma túy, họ liền cho nghỉ việc”, anh N.T.H (36 tuổi, ở quận Thanh Khê) thổ lộ. Đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu” được 3 năm, anh H. quyết tâm làm lại cuộc đời nhưng anh cho biết, đi xin việc khó quá. Nhiều cơ sở nhận anh để đào tạo thành nghề nhưng nhìn cái “mác” trước đây từng nghiện ngập thì nơi nào cũng lắc đầu.

Bác sĩ Nguyễn Phú Đoan Trinh, Trưởng cơ sở điều trị nghiện bằng methadone số 2, thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho biết, chị giới thiệu một số người đã được điều trị nghiện bằng methadone và hiện sức khỏe ổn định học nghề nấu ăn, nhưng học thì được mà đến khi xin việc thì không nơi nào nhận với lý do em nào cũng xăm hình trên người. Có người tâm sự với chị rằng, họ được địa phương hỗ trợ một chiếc xe để bán nước mía, nhưng không thể kinh doanh được vì những người sống xung quanh “ngại” khi biết người bán trước kia từng nghiện. “Sự kỳ thị của một số người là rào cản không nhỏ khiến người nghiện gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm và hòa nhập cộng đồng”, bác sĩ Trinh nói.

Tại buổi gặp mặt người sau cai do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng tổ chức vào đầu tháng 11 này, những mong mỏi về việc làm lại được đề xuất. Những người sau cai hầu hết đang tìm việc làm hoặc đã có việc làm nhưng hoàn cảnh đời sống, kinh tế gia đình khó khăn. Họ đều muốn có việc làm ổn định để cuộc sống tốt hơn. “Chúng tôi rất cần học nghề và hỗ trợ việc làm để có thể tránh xa ma túy. Nếu không có việc làm, rảnh rỗi lại bị bạn bè rủ rê thì rất dễ nghiện lại”, anh N.Đ.Q (20 tuổi, ở quận Sơn Trà) cho biết.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, cán bộ chuyên trách ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), thành phố cần có thêm chính sách hỗ trợ thông qua các cơ sở đào tạo nghề, bằng hình thức giảm một phần học phí cho người sau cai có hoàn cảnh khó khăn để họ có cơ hội tiếp cận và đăng ký học nghề. Một số doanh nghiệp cho rằng, nhận người nghiện vào làm việc có nhiều khó khăn riêng. “Tạo việc làm phù hợp với người nghiện không phải là điều dễ dàng, bởi hầu hết trong số họ sức khỏe yếu, dễ bị bệnh. Đồng thời, nếu nhận họ thì doanh nghiệp phải đào tạo từ đầu bởi ít người có nghề sẵn. Bởi vậy, chúng tôi cũng cần được hỗ trợ nhiều hơn về chính sách để có thể giúp người nghiện làm việc, tránh tái nghiện”, lãnh đạo một doanh nghiệp ở quận Hải Châu nói.

Trong khi đó, nhiều địa phương đã “tự thân vận động” giúp người nghiện vay vốn làm ăn như: các phường Hòa Cường Bắc, Bình Thuận và Phước Ninh (quận Hải Châu) đã hỗ trợ cho 5 người sau cai nghiện vay vốn với tổng số tiền 40 triệu đồng. Riêng phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) còn giới thiệu việc làm cho 1 người sau cai nghiện với thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Để giải quyết nhu cầu việc làm cho người sau cai nghiện, trong tháng 10 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã trình UBND thành phố Đề án hỗ trợ cơ sở sản xuất - kinh doanh tạo việc làm cho người đang hoặc sau điều trị cai nghiện ma túy. “Nếu đề án này được triển khai sẽ khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh cùng chung tay tạo việc làm cho người nghiện, giúp họ có việc làm để ổn định cuộc sống, phòng chống tái nghiện”, ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng cho biết.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.