Chính trị - Xã hội

70 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM (6-1-1946 - 6-1-2016)

Ký ức về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

14:03, 25/12/2015 (GMT+7)

Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6-1-1946) thật sự là cuộc vận động chính trị rộng lớn, có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân, không phân biệt nam nữ, thành phần dân tộc, tôn giáo, hễ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử Quốc hội. 70 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của mỗi người con xứ Quảng vẫn còn vẹn nguyên không khí sôi nổi của sự kiện trọng đại này.

Ngày 8-9-1945, Chính phủ lâm thời công bố Sắc lệnh tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Nhân dân ta sau một thời gian dài bị đế quốc và phong kiến thống trị đã tự tham gia xây dựng Nhà nước của mình. Đây thực sự là cuộc vận động chính trị rộng lớn.

Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng đã chỉ đạo ngành Thông tin - tuyên truyền đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân và tổ chức chu đáo để cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất. Từ đó, nhiều cuộc họp, diễn thuyết, nói chuyện, những cuộc mít-tinh, thảo luận... diễn ra khắp nơi, liên tục bằng nhiều hình thức sáng tạo và sinh động. Không khí cách mạng sôi nổi của quần chúng được thể hiện rõ trong những ngày chuẩn bị bầu cử.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên này, Quảng Nam có 14 ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu gồm: Phạm Bằng, Phan Bôi, Phan Diêu, Lê Văn Hiến, Lê Dung, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Sạ, Trần Tống, Phan Thao, Lâm Quang Thự, Trần Đình Tri, Trần Viện, Lê Thị Xuyến.

Ngày 2-3-1946, Quốc hội khóa I họp kỳ thứ nhất tại thủ đô Hà Nội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đề nghị và được Quốc hội phê chuẩn bổ sung thêm ông Đinh Tựu, dân tộc Co ở châu Trà My (nay thuộc huyện Bắc Trà My) làm đại biểu Quốc hội thứ 15 của tỉnh.

Ngoài ra, ở thành phố Đà Nẵng, đồng chí Lê Dung, ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh thành phố giới thiệu cũng trúng cử đại biểu Quốc hội với số phiếu khá cao.

Trong hồi ký của mình, Lâm Quang Thự-một trong những người trúng cử vào Quốc hội khóa I, ghi lại khá rõ ràng: Tại Hòa Vang, huyện triệu tập cuộc họp cán bộ, những người trí thức để nghiên cứu, thảo luận bản dự thảo Hiến pháp, sắc lệnh, nghị định, quy định thể lệ tuyển cử Quốc dân đại hội và phân công về các xã tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân và tổ chức cuộc tuyển cử.

Qua việc nghiên cứu, học tập này, cán bộ và nhân dân thấy rõ được chính quyền do cách mạng đem lại là của nhân dân, nên các tầng lớp nhân dân trong huyện đều phấn khởi, nô nức tham gia việc chuẩn bị tổng tuyển cử. Đặc biệt, là phát động trong nhân dân học thuộc bài vè cổ động cho các ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu như sau:

Tổng tuyển cử đã tới rồi
Vì quyền, vì lợi mấy lời xin ghi:
Trung Bộ có anh Trần Đình Tri
Anh Lê Văn Hiến vậy thì đồng song
Phan Bôi một dạ một lòng
Anh Huỳnh Ngọc Huệ cũng dòng đấu tranh
Cứu tế có chị Phan Thanh (bà Lê Thị Xuyến, vợ ông Phan Thanh)
Anh Nguyễn Thế Kỷ cùng anh Phạm Bằng
Trần Tống tuổi trẻ sức hăng
Phan Thao, Võ Sạ từng quen ta nhiều
Quế Sơn đồng chí Phan Diêu
Cùng Nguyễn Xuân Nhĩ đủ điều kinh luân
Trần Viện gian khổ đã từng
Anh Lâm Quang Thự lẫy lừng tiếng tăm
Đồng bào thận trọng lá thăm!

Trong hồi ký của mình, ông Lâm Quang Thự ghi tiếp: Theo nhận xét của Ban bầu cử tỉnh, các biên bản bầu cử cùng các phiếu bầu của Hòa Vang được niêm phong và nộp cho tỉnh sớm nhất và đều hợp lệ, không phải sửa chữa và bầu lại như một số nơi khác trong tỉnh.

Còn ông Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội thương, thì nhớ như in sự kiện các đại biểu Quốc hội Quảng Nam-Đà Nẵng về tiếp xúc cử tri tại chợ Được, huyện Thăng Bình: Thời đó, chợ Được tấp nập nhất trong vùng, là trung tâm giao lưu, trao đổi đủ các loại hàng hóa, trong đó phần nhiều là nông sản, vải vóc, muối, nhất là đá lửa- một mặt hàng thiết yếu.

Lúc này, tôi là Bí thư Chi bộ xã Tiên Đóa, Thăng Bình, được Huyện ủy cử đi nghe buổi nói chuyện, tiếp xúc này. Tôi còn nhớ, hôm đó, chợ Được như ngày hội, cũng băng-rôn, khẩu hiệu chào đón đoàn đại biểu Quốc hội từ Hà Nội về.

Nói là băng-rôn, khẩu hiệu vậy thôi, chứ thực ra đó là những chữ được kẻ, viết trên nhiều chất liệu khác nhau chứ làm gì có sẵn vải vóc như bây giờ. 1 mét vải phông màn ngày ấy có giá trị lắm, hơn nữa cả nước đang thực hành tiết kiệm, tất cả cho kiến quốc, cho kháng chiến.

Đoàn đại biểu Quốc hội gồm 4 người: anh Trần Tống, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Sạ và chị Lê Thị Xuyến. Ai cũng mặc gọn gàng, lịch thiệp, trò chuyện thân tình, trang trọng. Mở đầu buổi tiếp xúc, anh Trần Tống kể lại một cách tổng quát phiên họp Chính phủ ngày 2-3-1946.

Sau phần trình bày của anh Trần Tống, các đại biểu lần lượt phát biểu, mỗi người một nội dung, một vấn đề chung quanh hội nghị về thành lập Chính phủ kháng chiến, chuẩn bị cho đấu tranh trường kỳ của dân tộc...

Còn ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Bí thư Thị ủy Hội An (khi ấy là Ủy viên trinh sát làng An Mỹ - nay thuộc xã Cẩm Châu, thành phố Hội An), được phân công nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, nhớ lại: Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của trinh sát lúc này là tập trung bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn và tham gia công tác cổ động cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

Chúng tôi tham gia tuyên truyền những nội dung Sắc lệnh của Tổng tuyển cử, bản dự thảo Hiến pháp, thể thức bầu cử, hướng dẫn quần chúng đề phòng đối phó với những âm mưu phá hoại của các đảng phái, tổ chức phản động.

Trong thời gian vận động bầu cử, những bài vè ủng hộ cho các ứng cử viên do Việt Minh giới thiệu tại Quảng Nam được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, ai cũng thuộc lòng. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu đối gộp tên của các ứng cử viên: Hiến - Bôi - Tống - Nhĩ - Tri - Thanh - Viện/ Thự - Huệ- Diêu - Thao - Kỷ - Sạ - Bằng.

Ông Nguyễn Đức Minh tự hào kể lại: Sáng 6-1-1946, toàn thể cử tri làng An Mỹ không phân biệt nam nữ, thành phần xuất thân, nô nức tập trung về sân đình bỏ phiếu. Không khí ngập tràn niềm vui của ngày hội lớn chưa từng có, ai ai cũng tràn trề sung sướng. Tiếp theo, ngày 17-2-1946, nhân dân tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

Lần đầu tiên trong đời, đồng bào ta được tham gia bầu cử Quốc hội, được quyền tự do lựa chọn người mình tín nhiệm bầu vào chính quyền nhân dân. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nhận thức sâu sắc về quyền công dân của mình, về hạnh phúc của một người dân làm chủ khi nước nhà độc lập.

70 năm đã trôi qua, kể từ ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày 6-1-1946 đã trở thành một dấu mốc không thể nào quên trong ký ức mỗi người con xứ Quảng.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước ta đã không ngừng phát triển và trưởng thành, hoạt động ngày càng thiết thực và có hiệu quả, được cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng và đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của dân, do dân và vì dân.

                           LÊ NĂNG ĐÔNG

.