Chính trị - Xã hội
Những giá trị lịch sử (Tiếp theo và hết)
Mốc đầu tiên trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam
Dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân và phong kiến, người dân Việt Nam chịu cảnh nô lệ, áp bức và tước đoạt mọi quyền tự do, dân chủ. Cách mạng Tháng Tám đã thổi một luồng gió mới vào mọi mặt của đời sống xã hội, đem lại quyền làm chủ cho mỗi công dân. Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 8-9-1945 đã ghi rõ: “Nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu...”. Sắc lệnh về Tổng tuyển cử cũng quy định một cách triệt để nội dung, nguyên tắc, yêu cầu tự do bầu cử, ứng cử của công dân, nhất là nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Cuộc Tổng tuyển cử thể hiện quyền dân chủ của người dân thông qua quy định quyền ứng cử và đề cử của công dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.
“Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, Chính phủ đó thực sự là Chính phủ của toàn dân” (14).
Tinh thần dân chủ trước hết là trong việc ứng cử, không có khoảng trống cho các ngoại lệ. Điều đó thể hiện được tin Hồ Chủ tịch ứng cử ở Thủ đô, 118 vị đại biểu các tầng lớp ở ngoại thành Hoàng Diệu (tức là Hà Nội) đã gửi thư đề nghị cụ Hồ Chí Minh “không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử này và suy tôn cụ là Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cảm tạ và khẳng định: “… Tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa” (15).
Về quyền bầu cử, lần đầu tiên, những công dân không phân biệt trai, gái, dân tộc và tôn giáo, đảng phái hoặc không đảng phái từ 18 tuổi trở lên được đi bỏ phiếu bầu ra những người ưu tú đại diện cho “chính thể” của đất nước Việt Nam. Đó là quyền lợi mà những người dân thuộc địa trước đây chưa bao giờ được hưởng. Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ nhất, phổ thông bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín thể hiện quyền tự do bình đẳng của nhân dân. Mọi người được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thông qua Tổng tuyển cử, toàn dân tự do lựa chọn những người có đức, có tài để xây dựng nước nhà.
Trong điều kiện lúc bấy giờ, việc tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử thực sự dân chủ, nhiều người tỏ ra băn khăn, lo lắng về trình độ nhân dân, sợ Tổng tuyển cử không đạt kết quả, nhưng với niềm tin tưởng tuyệt đối vào lòng yêu nước của nhân dân, Hồ Chí Minh khẳng định, nhân dân ta sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình, Tổng tuyển cử nhất định sẽ thành công, vì “Tổng tuyển cử là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ đoàn kết” (16).
Việc thực hiện nguyên tắc bầu cử bình đẳng, không phân biệt nam nữ được quy định trong các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã nâng địa vị người phụ nữ Việt Nam lên ngang hàng với nam giới và sánh vai cùng phụ nữ các nước có nền pháp lý dân chủ, văn minh, tiến bộ đương thời, thể hiện tinh thần dân chủ, có ý nghĩa và giá trị tiến bộ, nhân văn sâu sắc.
Nguyên tắc bầu cử bình đẳng, không phân biệt được áp dụng trong Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 chính là nền tảng xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân sau này.
Việc nhân dân ta từ Nam chí Bắc theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nô nức đi bỏ phiếu thể hiện là công dân của một nước độc lập có chủ quyền, bầu Quốc hội là người đại diện cho mình.
Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 6-1-1946, trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng thực sự “là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình” (17). Đây là “cuộc cách mạng thứ hai” sau Cách mạng Tháng Tám để lập ra Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam, bởi Cách mạng Tháng Tám khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân mới chỉ là chính quyền lâm thời ở thời điểm đó.
Tiếp sau Tổng tuyển cử, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946. Hiến pháp năm 1946 thể hiện là một hiến pháp dân chủ tiến bộ khi quy định rõ các quyền cơ bản nhất của con người như: Quyền tự do, dân chủ, bình đẳng (về chính trị, kinh tế, văn hóa), bình đẳng giữa các dân tộc, quốc dân…
Như vậy, chỉ trong vòng một năm, từ khi Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội, Quốc hội cử ra cơ quan hành pháp, thành lập các cơ quan tư pháp và thông qua Hiến pháp đầu tiên, đánh dấu quá trình lập hiến và lập pháp ở nước ta hoàn thành. Đây chính là nền tảng xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; là mô hình để xây dựng thể chế chính trị hiện đại - một Nhà nước Việt Nam dân chủ, là nền tảng mở đầu cho một thể chế dân chủ nước ta sau này.
Thể hiện tinh thần đoàn kết và hòa hợp dân tộc
Trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành truyền thống đoàn kết dân tộc. Nhờ có truyền thống đoàn kết, nhân dân ta từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi đã đứng lên lật nhào ách thực dân và phong kiến giành độc lập dân tộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên chính thể dân chủ cộng hòa.
Từ đây, nhân dân ta từ người nô lệ thành người tự do, làm chủ đất nước. Với chính quyền cách mạng trong tay, nhân dân ta tự tổ chức bảo vệ nền độc lập dân tộc còn non trẻ và xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, chính quyền chỉ thực sự có sức mạnh khi tập hợp được lực lượng của dân.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rằng, chỉ có dựa vào dân mới giữ vững chính quyền cách mạng, nên Người rất chú trọng việc củng cố và tăng cường khối đoàn kết toàn dân đã có cơ sở trong quá trình Cách mạng Tháng Tám, bao gồm các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái và Việt kiều ở nước ngoài. Người đứng đầu của Nhà nước ta lúc đó đã tỏ rõ tài năng đặc biệt trong việc tập hợp lực lượng với đức độ và uy tín của mình, Người tranh thủ được cả những người thuộc tầng lớp trên, những nhân sĩ yêu nước, trong đó có cả những người không có chút cảm tình với cộng sản và cả quan lại của chế độ cũ, những người trong hoàng tộc.
Trong bối cảnh của giai đoạn lịch sử năm 1945-1946, chính quyền non trẻ dựa vào dân, chăm lo cho dân về mọi mặt, vì vậy, được dân tin tưởng, ủng hộ. Trong cuộc Tổng tuyển cử, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tin tưởng vào nhân dân. Với sự tin tưởng vào chính quyền cách mạng, trong cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên, thể hiện dân chủ, đoàn kết nên tỷ lệ cử tri đi bầu ở các địa phương đạt tỷ lệ cao.
Thắng lợi của Tổng tuyển cử khẳng định bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân và chính quyền cách mạng, động viên được ý chí của cả dân tộc quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được.
Việc tập hợp và huy động được sức mạnh của nhân dân đã giúp chính quyền non trẻ đứng vững và phát triển, góp phần vào thắng lợi của Tổng tuyển cử. Đây là bài học quý giá có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với bất kỳ giai đoạn nào trong sự phát triển của Nhà nước cách mạng.
Thành phần Quốc hội khóa I thể hiện tinh thần đoàn kết và hòa hợp dân tộc sâu sắc. Việc Đảng ta, Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh “nhường lại” 70 ghế trong Quốc hội cho Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân Ðảng) 50 ghế, Việt Cách (Việt Nam Cách mệnh Ðồng minh hội) 20 ghế không qua bầu cử không những biểu thị khôn khéo, nhìn xa trông rộng khi đó nhằm quy tụ, lôi kéo các tầng lớp xã hội tham gia vào Mặt trận Dân tộc thống nhất, giải quyết những phức tạp trong tình thế cực kỳ khó khăn, mà còn là minh chứng của nghĩa cử cao đẹp, đạo đức trong sáng, tất cả vì nước, vì dân của Đảng, Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cán bộ cách mạng.
Mặt khác, còn thể hiện chính sách đại đoàn kết trước sau như một của Đảng, của Mặt trận Dân tộc thống nhất và đó chính là dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên của thể chế dân chủ nước Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước Việt Nam có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý, đại diện cho nhân dân Việt Nam cả về đối nội và đối ngoại.
Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Trong cuộc toàn quốc đại hội đại biểu này, các đảng phái đều có đại biểu, mà các đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng, lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết thành một khối” (18).
Chính sách đại đoàn kết toàn dân được kế thừa, phát triển, góp phần đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, sóng gió đi đến thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chính sách đại đoàn kết dân tộc vẫn tiếp tục phát huy nhằm giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, gồm 15 tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.8 (1945-1947), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
4. Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư: Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998.
5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, gồm 6 tập, t.4 (1946 - 1950).
6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Lịch sử Đảng: Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (hệ cao cấp lý luận chính trị), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2008.
7. Tường Duy Kiên: Quốc hội Việt Nam với việc bảo đảm quyền con người, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006.
8. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập I, Trung tâm Từ điển Bách khoa Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1995.
9. Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946 - 1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 153.
(15) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh- Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 100.
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.153.
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 166.
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.217.
PGS, TS Trương Minh Dục