Chính trị - Xã hội
Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước: tìm hướng đi mới
Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước hình thành cách đây hơn 400 năm có tên gọi là nghề đá Quán Khái, ban đầu là nghề phụ, phổ biến trong phạm vi gia đình. Sản phẩm sơ khai của làng nghề đá là những cái chì lưới phục vụ cho nghề đánh cá của ngư dân, hoặc đục đẽo những viên đá vuông vắn để kê chân cột.
Trải qua năm tháng, đến nay, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã vượt ra khỏi quốc gia vươn mình ra thế giới, sản phẩm của làng nghề đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có 20 doanh nghiệp, 450 cơ sở sản xuất, kinh doanh với hơn 2.500 lao động. Quy mô và tốc độ phát triển sản xuất làng nghề không ngừng gia tăng, giải quyết việc làm cho người lao động, mỗi năm làng nghề tạo ra hơn 105.000 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu hơn 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước: “Bên cạnh những thuận lợi, làng nghề cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề thị trường, mẫu mã, vốn, lao động, nguyên liệu, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh...”. Vì vậy, giải pháp nào để làng nghề tiếp tục phát triển là câu hỏi lớn không chỉ đối với từng thành viên trong làng nghề mà còn đối với các cấp chính quyền địa phương.
Mới đây, dưới sự chủ trì của lãnh đạo quận, Ban chấp hành Hội Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã làm việc với Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhằm chia sẻ những khó khăn về nguồn vốn của các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ trong việc nâng cấp nhà xưởng và phát triển quy mô sản xuất khi chuyển từ mô hình sản xuất tại hộ gia đình sang mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn tại khu làng nghề tập trung. Đồng thời đề nghị WB xây dựng một gói tín dụng phù hợp để người dân làng nghề được tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất.
Ông Lê Quang Tươi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Làng nghề cho biết: “Điều đáng quan tâm là thị trường tiêu thụ sản phẩm đá mỹ nghệ lâu nay phát triển theo hướng tự phát nên ngày càng phát sinh những mặt trái trong cạnh tranh, làm mất lòng tin của du khách và những đối tác thương mại khác... Một số cơ sở chưa quan tâm đầu tư cho việc quảng bá thương hiệu, chưa có sự hỗ trợ kết nối cung cầu để tìm đầu ra sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm mỹ nghệ của Trung Quốc cạnh tranh ngày càng khốc liệt gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, phân biệt sản phẩm của làng nghề dẫn đến nguy cơ đánh mất thương hiệu của sản phẩm làng nghề”.
Bên cạnh đó, làng nghề còn nhiều hộ sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ có nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô và lập xưởng trại mới nhưng gặp trở ngại do tài sản (nhà cửa, đất đai) không đủ điều kiện để thế chấp hoặc tín chấp vì đa số nằm trong vùng quy hoạch...; nguồn nguyên liệu của làng nghề đang phụ thuộc vào các tỉnh bạn hoặc ở nước ngoài như Ấn Độ, Pakistan nên ảnh hưởng lớn đến giá cả, đảm bảo nguồn cung luôn là bài toán rất khó cho làng nghề.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi có chủ trương của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam dẫn đến tình hình sản xuất và kinh doanh của một số cơ sở tại làng nghề bị trì trệ.
Chủ tịch Hội Làng nghề Nguyễn Việt Minh cho biết: Để giải quyết những khó khăn trên, bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sáng tác, điêu khắc, Hội sẽ tập trung vào công tác tổ chức đăng ký lại thương hiệu làng nghề, kiểu dáng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, tư vấn xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu... Nâng cao nhận thức về văn minh thương mại trong kinh doanh buôn bán, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách đến tham quan, du lịch...
Ngoài ra, Hội thường xuyên vận động hội viên tham gia các hội chợ về ngành nghề thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước; duy trì website tiếp thị quảng bá trên mạng xã hội để các hộ sản xuất, kinh doanh giới thiệu chào bán sản phẩm; kiên quyết không tiếp tay cho tình trạng buôn bán gian lận, chèo kéo khách.
Tư vấn, cung cấp thông tin cho những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhằm tạo điều kiện đưa sản phẩm đi tiêu thụ, mở rộng đầu ra cho sản phẩm đá thủ công mỹ nghệ. Điều quan trọng nhất hiện nay là giữ lửa truyền thống cho làng nghề từ những mẫu sản phẩm nghê, lân thuần Việt vào sản xuất.
Đồng thời tìm hướng phát triển sản phẩm mới, chấm dứt sự phụ thuộc lâu nay vào một mặt hàng chủ lực. Có như vậy, làng nghề mới phát triển bền vững trước biến động thị trường và phát huy tài hoa, tính sáng tạo của các nghệ nhân làng nghề...
PHƯƠNG UYÊN