.

Hành động để bảo vệ ngư dân

.

Những ngày qua, việc ngư dân Trương Đình Bảy (45 tuổi, thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị bắn chết khi hành nghề hợp pháp trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam đã khiến ngư dân cả nước hết sức bất bình.

Trước tình hình đó, cơ quan chấp pháp Việt Nam cần phải hành động ngay để bảo vệ ngư dân, để họ góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tàu của ngư dân miền Trung từ Đà Nẵng ra khơi khai thác hải sản. 						       ảnh: NGỌC PHÚ
Tàu của ngư dân miền Trung từ Đà Nẵng ra khơi khai thác hải sản. ảnh: NGỌC PHÚ

Bất bình!

Cùng với ngư dân cả nước, ngư dân Đà Nẵng và miền Trung hết sức bức xúc trước hành động của tàu nước ngoài bắn chết ngư dân Trương Đình Bảy.

Những ngày này, có mặt tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, nhiều  ngư dân tỏ rõ sự thương tiếc cho một đồng nghiệp của mình bị bắn trên biển, vừa thể hiện sự bất bình trước hành động của những kẻ bất nhân.

Ngư dân Võ Lộc (trú Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết: “Vừa về đất liền, nghe thông tin ngư dân Bảy bị bắn chết ở Trường Sa khiến chúng tôi vô cùng bức xúc. Hành động bắn ngư dân là vô nhân đạo, bởi ngư trường nơi tàu anh Bảy đang đánh bắt là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Anh Lộc cũng cho hay, ngư dân Quảng Ngãi thường đánh bắt hải sản ở vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Những năm qua, họ đã đối mặt với biết bao rủi ro, sự xua đuổi của tàu Trung Quốc cũng như các nước lân cận nhưng hầu hết các ngư dân luôn kiên cường bám biển.

Trong khi đó, chị Kim Anh - vợ của ngư dân Nguyễn Sơn (trú Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) lo âu: “Chồng làm nghề biển hơn mười năm nay, vợ con ở nhà lúc nào cũng lo lắng”.

Ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) có tàu thường đánh bắt tại vùng biển Trường Sa nói: Anh em ai cũng bức xúc lắm. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải bảo vệ ngư dân, để ngư dân không lẻ loi trên biển. Sự hiện diện thường xuyên của lực lượng chấp pháp, ngư dân của mình mới có thể vững tin để đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Lực lượng chấp pháp cần sát cánh với ngư dân

Ông Trần Văn Lĩnh, Quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng kịch liệt phản đối hành động dã man khi tàu nước ngoài bắn ngư dân Quảng Ngãi. Ông cho rằng, hiện Việt Nam có khoảng 2 triệu ngư dân lao động trên biển – là những tai mắt, tiền tiêu bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Họ cần phải có sự che chở, bảo vệ từ các cơ quan hữu quan. “Trong điều kiện vùng biển, đảo của đất nước đang bị các thế lực nước ngoài nhòm ngó, sự tăng cường có mặt của lực lượng chấp pháp sẽ giúp cho người dân an tâm đánh bắt. Mỗi khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng phải có mặt kịp thời để can thiệp, động viên, không để cho ngư dân đơn độc”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

Đại tá Lê Tiến Hưng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, trước hành động xua đuổi tàu bè Việt Nam của Trung Quốc thời gian qua cũng như hành động tàu nước ngoài bắn chết ngư dân Quảng Ngãi, Bộ đội Biên phòng đã luôn động viên bà con ngư dân không nên hoang mang và phải bình tĩnh, tiếp tục bám biển để làm kinh tế, kết hợp bảo vệ chủ quyền.

“Chúng tôi luôn nhắc nhở ngư dân mình phải thường xuyên liên lạc với cơ quan chức năng khi hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Đồng thời, Bộ đội Biên phòng thường xuyên theo dõi, nắm tình hình ngư dân qua hệ thống vô tuyến, bộ đàm để tuyên truyền, vận động”, Đại tá Hưng nói.

Ông Hưng cũng đề nghị các cơ quan chấp pháp phải hiện diện thường xuyên trên biển, làm chỗ dựa cho ngư dân; các ngành, đoàn thể cũng phải động viên ngư dân. “Ngư dân Đà Nẵng từ trước đến nay thực hiện nghiêm túc, nắm chắc các vùng biển, đánh bắt đúng quy định nên chưa có sự cố gì xảy ra trên biển”, Đại tá Hưng khẳng định.

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.