Chính trị - Xã hội
Hạnh phúc nhân đôi
8 cặp vợ chồng đều là công nhân lao động hoặc một trong hai người là công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, đã đăng ký kết hôn nhưng chưa có điều kiện tổ chức đám cưới đã được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng tổ chức đám cưới tập thể ngày 27-12, tại Nhà Văn hóa công nhân lao động.
Ông Shinichi Iwama tặng quà cho cặp đôi công nhân của Công ty TNHH Daiwa Việt Nam. |
Đây là lần đầu tiên, LĐLĐ tổ chức đám cưới tập thể cho những cặp vợ chồng là công nhân lao động, đoàn viên Công đoàn trên địa bàn và là hoạt động hưởng ứng “Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015”.
Các cặp đôi tổ chức đám cưới lần này được phục vụ miễn phí xe hoa (xe xích lô), nhẫn cưới, bánh cưới, hoa cưới, trang điểm, phục vụ đám cưới, quay phim, chụp ảnh và phòng ngủ đêm tân hôn tại khách san 3 sao và nhiều quà cưới có giá trị khác.
Mỗi cặp đôi được mời 50 - 100 khách, trong đó mỗi bàn tiệc các cặp đôi chỉ phải chịu chi phí 1 triệu đồng/bàn/10 người (gồm suất ăn và nước uống). Đây là chi phí duy nhất mà các cặp đôi phải bỏ tiền ra để lo đám cưới của mình. Kinh phí để tổ chức cho đám cưới tập thể này được trích từ nguồn kinh phí của công đoàn và sự tài trợ của các nhà hảo tâm.
Tại trụ sở LĐLĐ thành phố, số 48 đường Pasteur, đoàn xe (mỗi cặp đôi 4 xe gồm: xe chở cô dâu chú rể, xe chở mâm quả và 2 xe chở bố, mẹ 2 bên) đi qua các phố chính đến nơi tổ chức. Điểm dừng duy nhất là Quảng trường 2-9 để các cặp đôi vào đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của thành phố.
Mọi nghi thức của lễ thành hôn được diễn ra bình thường theo phong tục Việt Nam như mọi đám cưới khác đang được tổ chức ở các nhà hàng khác trên địa bàn. Cũng lễ cắt bánh cưới, rót rượu vang đỏ vào tháp rượu, trao nhẫn (quà cưới của LĐLĐ) và cuối cùng là nụ hôn tình yêu của các cặp được diễn ra đồng loạt trên sân khấu trước sự mừng vui của người thân, bạn bè.
Cô dâu Mai Thị Kim Anh và chú rể Lê Mãi (công nhân Công ty TNHH Keyhinge Toys Việt Nam, quê tỉnh Quảng Trị) rất cảm động nói: “Chúng em chưa có điều kiện tổ chức đám cưới, vì gia đình ở xa, hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhờ có LĐLĐ đứng ra tổ chức đám cưới cho, chúng em rất vui, cảm động. Nhờ có đám cưới, chúng em tự tin sống cuộc sống gia đình hạnh phúc”.
Ông Lê Trương Dinh, cha của chú rể Lê Mãi, cũng rất xúc động, trả lời câu hỏi của chúng tôi bằng việc nhắc đi nhắc lại hai từ “Cảm ơn”. Hai bạn Khánh và Thu, bạn của cặp tân hôn Thiều Thị Hằng Nga, công nhân Công ty TNHH Valley View và chú rể Đậu Đức Tám, công nhân Công ty Long Giang, rất hồ hởi tham gia đám cưới. Thu cho rằng, đi một đám cưới được ngắm tới 8 cô dâu rất thích và sẽ dự định tổ chức đám cưới theo hình thức đám cưới tập thể, vào những lần sau.
Một trong những cặp đôi tổ chức đám cưới. Ảnh: ĐỨC THỊNH |
Ông Trương Duy Huyến, Giám đốc Nhà Văn hóa công nhân lao động thành phố, cho biết lần đầu tiên tổ chức đám cưới cho 8 cặp một lúc, nhà văn hóa phải chuẩn bị rất kỹ từ khâu trang trí, âm thanh ánh sáng và sắp xếp bàn ghế sao cho giống như những đám cưới khác, nhưng phải bảo đảm để cho mỗi đám có một không gian riêng. Bạn bè của cặp nào có thể nhận ngay ra cặp đó, nhưng tất cả, khi nhìn tổng thể là một đám cưới với công thức “8 trong 1 và 1 bao hàm 8”.
Đại diện cho các doanh nghiệp có công nhân được tổ chức đám cưới này, ông Shinichi Iwama, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, tặng quà cho cặp tân hôn là công nhân của công ty và chúc phúc cho các cặp đôi. Ông nói: “Tôi rất vui khi được tham gia một đám cưới đặc biệt này. Tôi mong rằng LĐLĐ thành phố sẽ tổ chức nhiều hơn nữa những đám cưới như vậy cho công nhân”.
Bà Đặng Thị Kim Liên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, phấn khởi về sự thành công của lần đầu tiên tổ chức đám cưới tập thể cho công nhân lao động. Thành công lớn nhất của đám cưới tập thể lần này là sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp, các Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự hưởng ứng của các cặp đôi đăng ký tham gia.
“LĐLĐ mong rằng hoạt động này sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, ngành, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... để những đám cưới tập thể cho công nhân lao động được diễn ra thường xuyên hơn, góp phần giảm bớt khó khăn cho công nhân”, bà Liên nói.
Nhìn các cặp đôi rạng ngời hạnh phúc trong ngày trọng đại của cuộc đời, niềm vui của họ được nhân lên, những người tổ chức và tham gia đám cưới đều cảm thấy ấm lòng. Nhìn họ lên xe hoa, cho dù là xe xích lô, dìu nhau về phòng tân hôn mà LĐLĐ thành phố tài trợ, trong lòng tôi dâng lên một niềm vui, một niềm hạnh phúc khó tả.
Đức Thịnh