Chính trị - Xã hội
Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội: Còn nhiều trăn trở
Từ ngày 1-1-2016, người lao động tại Đà Nẵng cũng như trên cả nước phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo cơ chế mới được quy định trong Luật BHXH 2014. Bên cạnh niềm vui vì mức đóng tăng đồng nghĩa với quyền lợi tăng thuộc về người lao động thì vẫn còn nhiều nỗi lo…
Nhiều lao động lo lắng liệu họ có được hưởng lợi khi mức đóng BHXH tăng lên. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Băn khoăn...
Theo quy định của Luật BHXH 2014, từ ngày 1-1-2016 đến hết năm 2017, mức đóng BHXH sẽ dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ ngày 1-1-2018, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hằng tháng.
Khi được hỏi về quy định mới tăng mức đóng, chị Nguyễn Thị Lợi (26 tuổi, quê Quảng Nam), làm việc tại một công ty may (thuộc Khu công nghiệp Hòa Khánh) đã 3 năm, cho biết: “Tăng tiền và thời gian đóng BHXH nhưng liệu chúng tôi có được hưởng lợi thực sự hay không? Lương của tôi hiện chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Nếu tăng tiền đóng nữa thì thật sự đời sống rất khó khăn. Hơn nữa, có quy định phải có giám sát bởi nếu doanh nghiệp giảm tiền lương và phụ cấp của chúng tôi để tránh đóng BHXH thì chúng tôi sẽ không được hưởng lợi nhiều. Ngoài ra, giả sử tiền lương hưu tăng thì liệu có bù đắp được chi phí sinh hoạt hằng ngày khi giá cả tăng cao hay không?”.
Bên cạnh đó, một mối lo nữa là do chị Lợi làm trong doanh nghiệp tư nhân, nếu doanh nghiệp nợ BHXH hoặc vì lý do nào đó không thể tiếp tục đóng thì người lao động như chị coi như bị mất trắng.
“Chúng tôi chỉ làm việc một thời gian và khi đã kiếm được một khoản tiền thì về quê sinh sống, nên không quan tâm đến lương hưu khi về già. Trong khi đó, thủ tục để được nhận chế độ thực sự là mất nhiều thời gian và công sức, trong khi chúng tôi không rõ về cách làm và các loại giấy tờ nên người lao động không mặn mà”, chị Lợi nói.
Tuy nhiên, những người có mức lương cao và công việc ổn định lại vui mừng với quy định này. Anh Nguyễn Thanh Cường (45 tuổi, Trưởng phòng marketing một công ty trên địa bàn quận Hải Châu) cho biết: “Tôi làm nghề này đã 10 năm với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Nếu tính thêm phụ cấp thì tổng thu nhập khoảng 13,5 triệu đồng/tháng.
Trích đóng quỹ BHXH, với mức đóng cao nên lương hưu mà tôi được hưởng sẽ khá cao. Như vậy, rõ ràng có lợi cho người lao động”. Tuy nhiên, anh Cường còn băn khoăn về việc đóng bảo hiểm mà chưa biết mình được bảo hộ thế nào, mức lương sau này ra sao, liệu có được tính theo chỉ số lạm phát không.
Người lao động lo lắng khi nghỉ hưu, mức lương hưu không theo kịp đà tăng giá. |
Coi chừng doanh nghiệp “lách” luật!
BHXH thành phố Đà Nẵng cho biết, đến nay, có hơn 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn nợ BHXH với số tiền hơn 160 tỷ đồng. Tháng 11-2015, BHXH thành phố đã phải lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các đơn vị: Thanh tra Liên đoàn Lao động, Cục Thuế thành phố, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, Phòng PA81 - Công an thành phố Đà Nẵng để thanh kiểm tra những đơn vị còn nợ đọng BHXH.
Bởi vậy, trong khi nhiều doanh nghiệp còn nợ BHXH thì việc tăng mức đóng khiến dư luận không khỏi lo ngại.
Ông T.H, giám đốc một doanh nghiệp tại quận Liên Chiểu cho biết: “Kinh tế ngày càng khó khăn, chúng tôi phải cạnh tranh khốc liệt không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn với doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế, một số doanh nghiệp còn nợ BHXH trong khi mức đóng thấp. Bây giờ tăng mức đóng lên thêm nữa thì chi phí sẽ tăng và các khoản phụ cấp dành cho người lao động có nguy cơ bị cắt bớt”.
Ông H. dẫn chứng, doanh nghiệp lãi 10 đồng, chi 8 đồng để trả lương và các khoản chi phí khác và 2 đồng để tái sản xuất. Bây giờ tăng thêm chi phí đóng BHXH nữa thì doanh nghiệp phải cắt giảm lao động để đủ chi phí và có lãi.
Theo ông Ngô Văn Sang, Phó Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH thuộc Sở LĐ-TB&XH, quy định mới rõ ràng mang lại lợi ích cho người lao động. Tuy nhiên, ông Sang cho rằng, cũng cần cân nhắc các quy định, bởi nếu không quản lý chặt thì doanh nghiệp sẽ “lách”, không khai đúng các khoản phụ cấp tại đơn vị và cuối cùng thiệt thòi thuộc về người lao động.
Bài và ảnh: KIM NGÂN