Chính trị - Xã hội
Một số điểm mới trong luật Bảo hiểm xã hội
Phỏng vấn ông Lê Anh Nhân, Phó Giám đốc BHXH thành phố Đà Nẵng
ông Lê Anh Nhân |
* Thưa ông, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2014, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Xin ông cho biết chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện có những điểm gì mới?
- Chính sách BHXH tự nguyện có một số nội dung mới như: Không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, nghĩa là người lao động đã đủ tuổi (nam 60, nữ 55) nhưng chưa đủ thời gian 20 năm đóng BHXH thì được đóng BHXH cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng để phù hợp với khả năng của người tham gia. Theo đó, mức thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Đa dạng phương thức đóng.
Người lao động có thể đóng hằng tháng, ba tháng một lần, sáu tháng một lần, 12 tháng một lần, một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn (Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về nội dung này). Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
Về mức lương hưu hằng tháng: Từ ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2% (không phân biệt nam và nữ); mức tối đa bằng 75%.
* Xin ông vui lòng cho biết những nội dung mới trong chế độ thai sản ?
- Luật BHXH năm 2014 có một số quy định mới về chế độ thai sản như sau. Quy định lao động nam đang đóng BHXH được nghỉ việc khi vợ sinh con. Cụ thể, được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày khi vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
Nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày. Lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên, khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ chỉ cần đóng BHXH từ đủ 3 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (thay vì 6 tháng); bổ sung chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
* Theo Điều 61 Luật BHXH năm 2014 về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 hoặc chưa hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Ông cho biết trường hợp đối với người đã đủ tuổi nghỉ hưu mà còn thiếu 5 năm đóng BHXH thì có được đóng tiếp không? Nếu người lao động có yêu cầu đóng gộp trước 1 lần thời gian còn thiếu để nhận lương hưu khi nghỉ việc có được không?
- Trường hợp người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 hoặc chưa hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Sau khi nghỉ việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, người lao động được quyền tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 73 Luật BHXH năm 2014. Đối với trường hợp người lao động có yêu cầu đóng gộp trước 1 lần thời gian còn thiếu để nhận lương hưu khi nghỉ việc thì cần chờ quy định của Chính phủ theo quy định tại Khoản 3 Điều 87 Luật BHXH năm 2014.
Thành Điệp thực hiện