Chính trị - Xã hội
Chủ động hội nhập qua kênh đối ngoại nhân dân
Khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nếu người dân không chủ động hội nhập, không thay đổi trong ứng xử văn hóa (từ văn hóa xếp hàng đến văn hóa công sở, văn hóa hải quan…) thì chúng ta sẽ thua. Đó là ý kiến của ông Huỳnh Đức Trường, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng (Dafo).
Giao lưu, giới thiệu văn hóa, ẩm thực giúp xây dựng tình hữu nghị giữa các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế. Trong ảnh: Điệu múa Thái trình diễn tại đại hội tổ chức hữu nghị Việt - Thái. |
Người dân còn thờ ơ với hội nhập
Những năm qua, việc hội nhập quốc tế của Đà Nẵng đã tạo nên hình hài và từng bước đi vững chãi. Trong sự thành công này, có vai trò rất lớn của Dafo với công tác đối ngoại nhân dân, đi sâu vào lĩnh vực hòa bình, hợp tác hữu nghị.
Thông qua các hoạt động như: tổ chức các sự kiện văn hóa, ẩm thực, giáo dục, thông tin truyền thông…, Dafo giới thiệu, quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của thành phố trong mắt bạn bè quốc tế; phát triển quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước; từ đó tạo môi trường thuận lợi tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Đặc biệt, trong đó, công tác quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã góp phần đáng kể vào chính sách an sinh xã hội của thành phố.
Hiện Dafo có 11 tổ chức thành viên, trong đó có hai tổ chức hữu nghị Việt - Thái, Việt - Lào. Đây sẽ là cầu nối thuận lợi cho các hoạt động kinh tế khi AEC có hiệu lực và hướng đến hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo ông Huỳnh Đức Trường, những năm gần đây, Đà Nẵng đã có sự chủ động đón đầu AEC bằng những chính sách, chủ trương lớn như: chính sách an sinh xã hội; “Năm doanh nghiệp 2014”; “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”… Đây là những tiền đề tốt giúp đi sâu vào hội nhập. Tuy nhiên, những yếu tố trên chưa đủ để hội nhập sâu rộng, nhất là khi AEC hình thành.
“Quan sát nhiều năm nay, tôi nhận ra rằng, người dân (bao gồm doanh nghiệp, cán bộ cửa khẩu, cán bộ hành chính, người lao động…) còn thờ ơ với hội nhập. Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng, còn bị động trong tìm kiếm đối tác, hợp tác; một số cán bộ hải quan, hành chính, người dân lao động… chưa biết cách hành xử sao cho văn hóa, văn minh, từ văn hóa công sở đến văn hóa xếp hàng, văn hóa buôn bán.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chưa có những chủ động đầu tư về văn hóa, du lịch nhằm quảng bá hình ảnh. Thiết chế văn hóa chỉ dừng trong phạm vi đối nội, chưa có gì nổi trội để giới thiệu đến cộng đồng 10 quốc gia ASEAN; quy mô du lịch chưa có những điểm nổi bật, dừng chân bền vững… Nếu chúng ta không nhanh chóng khắc phục thì thua thiệt”, ông Trường chia sẻ.
Làm sao để quý nhau mà đến!
Cũng theo ông Trường, với lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hướng đến 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, thật ra 3 trụ cột này đan xen, bổ sung cho nhau. Muốn kinh tế hội nhập tốt, cần có nền chính trị ổn định, nền tảng văn hóa - xã hội tốt. Nhưng lâu nay, cán cân kinh tế - văn hóa của Đà Nẵng đang lệch. Vì thế, để hội nhập AEC thành công, thành phố phải chủ động định hướng, đặt lên bàn nghị sự các vấn đề hội nhập văn hóa - xã hội.
Trong đó, chú trọng vai trò của người dân, mỗi người dân phải trở thành sứ giả, phải hiểu văn hóa Đà Nẵng để giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Hội nhập sâu rộng thì cần phải len lỏi vào từng tổ dân phố, phường, xã.
Làm sao khi người nước ngoài về địa phương nào đó, người dân phải chủ động xã giao, giới thiệu văn hóa địa phương mình… Nhìn gần, Đà Nẵng thua Hội An về công tác quảng bá hình ảnh; nhìn xa thì thua Singapore về việc chuẩn bị ngoại ngữ, văn hóa cho tiến trình hội nhập.
Với vai trò là cầu nối tình hữu nghị giữa nhân dân các nước, trong thời gian tới, Dafo đặt ra nhiều kế hoạch. Thứ nhất, Dafo và các tổ chức thành viên sẽ có những chương trình cụ thể hơn, thiết thực hơn. Theo đó, về mặt tổ chức, tăng cường hiệu quả của các tổ chức hữu nghị với các nước và vùng lãnh thổ ở khu vực và thế giới.
Hiện tại, đối với các nước Đông Á, đã có Hội hữu nghị Việt - Lào, Việt - Thái, sắp tới sẽ hình thành Tổ chức hữu nghị Việt - Campuchia, và Tổ chức ASEAN. Thứ hai, nâng tầm đội ngũ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ.
Thứ ba, tiếp tục triển khai, đưa vào cuộc sống các chỉ thị về ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước theo tinh thần Chỉ thị 04-CT/TW ngày 6-7-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, Chỉ thị số 28/CT-TW ngày 2-12-2008 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam…
Triển khai các chỉ thị hiệu quả không chỉ trong bộ máy Dafo, mà tuyên truyền làm sao để người dân hiểu và tham gia các sự kiện. Thứ tư, đề xuất với Thành ủy về đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, thành phố phải quan tâm nhiều hơn, không thuần về vật chất, kinh phí, có chỉ đạo sâu sắc, bền vững, xứng tầm với thành phố trong hội nhập quốc tế.
Thứ năm, thành lập Trung tâm Ngoại giao nhân dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên đặt tại Đà Nẵng. Đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động ngoại giao nhân dân, tài trợ quốc tế; là nơi người dân trong nước và quốc tế chia sẻ, trao đổi, tăng cường hữu nghị.
“Tất cả các dự án thành công hay không đều qua con đường hữu nghị. Hữu nghị là đầu tàu dẫn đường, anh muốn làm kinh tế tốt mà nhẹ bên hữu nghị thì không thành công. Người ta đến với nhau vì quý nhau, sau đó mới là dự án, hợp tác, bền vững, an ninh. Nhưng tình hữu nghị được xây dựng bởi người dân; người ta chọn bạn, sẵn sàng hợp tác với bạn hay không chính do người dân quyết định. Xuyên suốt 3 trụ cột ASEAN thật ra là sự hội nhập của người dân. Vì thế, đã đến lúc cần có những quyết sách, thay đổi cách nhìn của người dân về hội nhập”, ông Trường nhấn mạnh.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ