Chính trị - Xã hội

Chuyện tổ, chuyện thôn

Người làm tổ trưởng tổ dân phố lâu nhất Đà Nẵng

08:04, 13/01/2016 (GMT+7)

Việc được học lớp đối tượng Đảng trong quân ngũ đã làm thay đổi nhận thức; tạo động lực, niềm tin cũng như bản lĩnh chính trị của ông Huỳnh Xuân Công. Sau khi ra quân, ông đã tiếp nhận công việc tổ trưởng tổ dân phố (TDP) ở một khu dân cư (KDC) khá phức tạp.

Tính từ sau năm 1975 đến nay, ông Huỳnh Xuân Công (ở tổ 49 phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) là người giữ cương vị tổ trưởng TDP lâu nhất ở thành phố, với 29 năm 6 tháng.

Ông Công đang làm tổ trưởng tổ bảo vệ tại chợ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) kể từ khi nghỉ chế độ ở Công ty Cao su Đà Nẵng. Khi gặp ông, tôi rất bất ngờ, bởi tôi cứ nghĩ người làm tổ trưởng TDP lâu năm nhất Đà Nẵng như thế phải là một “ông cụ”. Song, trước mặt tôi là một người rắn rỏi, mạnh mẽ, giọng nói hào sảng, tính cách dễ gần và trẻ hơn so với tuổi của ông (53 tuổi).

Năm 1981, ông Công nhập ngũ, phục vụ ở chiến trường K. Năm 1984, ông ra quân, về địa phương sinh sống, làm công nhân tại Công ty Cao su Đà Nẵng. Nhận thấy công tác TDP trong KDC có nhiều bất cập, ông quyết định ứng cử và trúng cử ngay lần đầu. Từ năm 1985, ông được người dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng TDP.

Đến khi chia tách phường vào năm 2004, vì lý do sinh con thứ ba nên ông tự nguyện viết đơn xin nghỉ và chuyển sang làm công tác Mặt trận KDC. Nhưng chỉ 6 tháng sau, người dân bầu lại ông làm tổ trưởng TDP.

“Khi làm tổ trưởng TDP, đầu tiên là phải làm được cái gì đó cho dân, dù là điều nhỏ nhất. Vì thế, mỗi lần trong tổ có đám tang, tôi đều xin cơ quan cho nghỉ phép để có mặt lo cùng gia quyến những thứ cơ bản nhất…”, ông Công nói.

Với “phương châm” nói trên, ông Công luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tạo sức mạnh đồng thuận trong KDC. Từ sự vận động của ông, một thanh niên từ địa phương khác về sinh sống ở KDC này đã từ bỏ hút chích, tu chí làm ăn, lập gia đình, ổn định cuộc sống. Ông cũng vận động thành công số hộ gia đình có 5 ngôi mộ liệt sĩ nằm trên dự án di dời nơi khác để bàn giao mặt bằng. “Công tác dân vận phải “mưa dầm thấm lâu”, chứ cứ áp đặt từ trên xuống thì khó giải quyết vấn đề”, ông Công chia sẻ.

Ông còn nhớ, có lần tổ chức họp TDP theo kế hoạch, đã gửi giấy mời đến từng hộ, bất ngờ một người thân mất, ông phải đến chịu tang nên giao điều hành cuộc họp cho tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố. Sau đó, ông nghe người dân phản ứng đối với vị tổ trưởng kia.

Thế là ông họp khẩn và quyết định “sa thải” người kia khỏi tổ an ninh. Tính đến nay, ông đã thay 3 người như vậy. “Ngày trước, chính quyền cấp trên ít có sự quan tâm, sâu sát cơ sở. Sau này, đặc biệt là từ thời kỳ chia tách tỉnh, cấp trên đã có những quan tâm đáng kể.

Bây giờ, không chỉ cán bộ lãnh đạo cấp phường trực tiếp quản lý khu vực, mà cảnh sát khu vực, Mặt trận đều tham gia điều hành, chỉ đạo, bám sát mọi hoạt động ở KDC nên nhiệm vụ của tổ trưởng TDP nhẹ nhàng hơn nhiều. Bên cạnh đó, hiện ở tổ của tôi đã có giáo viên, bộ đội về hưu đến sinh sống nên mình cũng “dựa hơi”, nhờ họ góp ý bởi tiếng nói người trí thức cũng có trọng lượng nhất định”, ông Công cho biết.

Cái duyên đến với “nghề” tổ trưởng TDP với ông Công bắt nguồn từ việc ông từng được học lớp đối tượng Đảng từ trong quân ngũ. “Chính lớp học đó đã bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo tính trung thực cũng như bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, nên khi ra quân, về địa phương, thấy những người điều hành TDP còn hạn chế, dù mới chỉ 22 tuổi nhưng tôi mạnh dạn ứng cử để mong góp phần xây dựng TDP ngày càng tốt hơn. Thế là cái “duyên” bắt nguồn từ đó”, ông Công nói.

TRỌNG HUY

.