Chính trị - Xã hội
Tạo chuyển biến về môi trường đô thị
Cùng với các ngành, các cấp chính quyền, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy về xây dựng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.
Hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường được tổ chức rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: Học sinh Hòa Vang tham gia tái chế rác thải. |
Nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng cho biết, trong năm 2015, sở đã chủ trì phối hợp với các quận tổ chức 4 lễ mít-tinh và ra quân cấp thành phố hưởng ứng các hoạt động bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT).
Sau các buổi lễ phát động, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia dọn VSMT ở các khu vực đất trống, nạo vét khơi thông cống rãnh, mương thoát nước, trồng cây xanh, vớt bèo… Đồng thời, các hoạt động tuyên truyền như tổ chức đi xe đạp, đi bộ diễu hành, xe cổ động tuyên truyền, ra quân xóa quảng cáo, rao vặt, treo băng-rôn, khẩu hiệu… được triển khai đồng bộ và đều khắp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Châu, Phó phòng TN&MT huyện Hòa Vang cho biết, ngoài việc cử cán bộ viết bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, huyện còn tổ chức hội thi “Rung chuông vàng”, hoạt động “Ngày hội tái chế rác thải”, thi vẽ tranh môi trường, phát hành tờ rơi về phân loại rác thải và ủ phân; tổ chức cho 100% hộ kinh doanh đá chẻ thôn Phước Hưng ký cam kết giữ gìn VSMT…
Còn ông Đinh Thanh, Trưởng phòng TN&MT quận Cẩm Lệ cho biết, quận đã tổ chức ký cam kết thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” cho hơn 28.000 hộ dân; tổ chức 9 đợt tuyên truyền cho hơn 10.290 lượt người; cấp phát hơn 9.760 tài liệu về bảo vệ môi trường; tổ chức 1 cuộc điều tra hơn 6.000 người về tình hình sử dụng tài nguyên nước ngầm.
Bên cạnh đó, quận còn tổ chức hội thi truyền thông về bảo vệ môi trường với chủ đề “Tiêu dùng xanh gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu” với sự tham gia của 300 cán bộ, công chức, hội viên các hội, đoàn thể và 100% tổ trưởng tổ dân phố của 6 phường; tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước, phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tổ chức 2 buổi tuyên truyền đề án “Thu gom rác thải theo giờ”…
“Những hoạt động trên đã tác động mạnh mẽ đến ý thức của người dân, qua đó góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường cũng như văn minh đô thị trên địa bàn”, ông Đinh Thanh nhận xét.
Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường
Song song với việc nâng cao ý thức cho người dân, ngành TN&MT thành phố Đà Nẵng đã chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn, nhất là các điểm nóng về môi trường. Bà Phan Thị Hiền, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết, năm 2015, ô nhiễm ở Âu thuyền Thọ Quang, sông Phú Lộc, bãi rác Khánh Sơn… vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Tại điểm nóng Âu thuyền Thọ Quang, sở đã chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải (TN&XLNT) vận hành thường xuyên trạm bơm; bố trí cán bộ trực kỹ thuật 24/24 giờ tại nhà điều hành của Trạm Xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp để giám sát công tác vận hành trạm và phát hiện kịp thời mùi hôi ảnh hưởng đến khu dân cư.
“Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, Tổ giám sát chỉ đạo Công ty TN&XLNT phun khử mùi; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện các biện pháp giảm thiểu mùi hôi và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, sở xin chủ trương nâng cấp, cải tạo Trạm XLNT tập trung và nạo vét bùn một số vị trí trọng yếu của âu thuyền”, bà Hiền nói. Các điểm nóng như sông Phú Lộc, bãi rác Khánh Sơn, ngành cũng đã có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời khi người dân phản ánh.
Tại các tuyến kênh hở, các hồ và các cửa xả ven biển, Công ty TN&XLNT định kỳ xử lý mùi hôi; đồng thời, xử lý ô nhiễm các cửa xả dọc sông Phú Lộc, mương Khe Cạn, mương Tư Chỉ, mương hở Cống Bà Phùng, kênh Phần Lăng, triển khai mô hình xử lý ô nhiễm bằng thực vật thủy sinh đối với 3 hồ nội thị (hồ Phần Lăng, hồ Đò Xu, hồ Công viên 29-3). Trên cơ sở đó, quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm, xác định nguồn gây tác động và đồng thời triển khai thí điểm mô hình này tại 2 kênh mương hở (Khuê Trung và Phần Lăng).
Một hoạt động quan trọng nữa là quản lý ô nhiễm tại các lô đất trống. Theo Sở TN&MT, để ngăn chặn phát sinh ô nhiễm ở các lô đất cấp phép, kể từ tháng 1-2015, sở đã chủ trì soạn và ban hành mẫu ký cam kết bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường đối với các chủ lô đất khi được cấp phép mới, chuyển nhượng trong trường hợp chưa sử dụng. Do vậy, đến cuối tháng 12-2015, đã có 7.138 chủ sử dụng đất ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường.
Cùng với đó, sở đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất chi nhánh quận, huyện định kỳ bàn giao cho Phòng TN&MT theo dõi quản lý. “Khi đã có chủ sở hữu, địa chỉ, điện thoại thì rất dễ dàng để quản lý. Khi phát sinh ô nhiễm, cơ quan chức năng liên lạc ngay với họ để giải quyết kịp thời. Đây là một sáng kiến có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các lô đất trống, qua đó hạn chế tối đa tình trạng phát sinh ô nhiễm không đảm bảo VSMT”, bà Hiền cho hay.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ