.

Đình làng "kêu cứu"

.

Đình Thần Nông (làng Phong Lệ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), nơi GS, TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khi đến tham quan đã nhận định: “Đây là ngôi đình kỳ lạ, có một không hai tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, ngôi đình hàng trăm năm tuổi này đang “kêu cứu” bởi một dãy phòng học sừng sững án ngữ trước mặt. Để vào được đình, du khách phải đi nhờ cổng của Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh.

Dãy phòng học án ngữ trước mặt ngôi đình.
Dãy phòng học án ngữ trước mặt ngôi đình.

Một chiều đầu tháng 1, chúng tôi đến đình Thần Nông và ngỏ ý muốn vào tham quan để được “diện kiến” ngôi đình có một không hai trong cả nước nhưng ông Ngô Văn Nghĩa, Trưởng Hội đồng chư phái tộc làng Phong Lệ lắc đầu nói nhỏ: “Chờ đến giờ học sinh ra về rồi mới vào được”.

Đến giờ tan học, cổng mở, ông Nghĩa đưa chúng tôi “băng” qua trường để đi... ra đằng sau mới đến đình. Ngôi đình với lối kiến trúc cổ khá đẹp nằm lọt thỏm dưới một dãy phòng học cao khuất tầm nhìn.

Ông Nghĩa cho biết, từ năm 1995, khi Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh được xây dựng, tọa lạc ngay trước cửa đình đến nay, ngôi đình bỗng nhiên nằm trong khuôn viên trường với hàng rào kín cổng cao tường bao quanh. Người dân hoặc du khách muốn đi vào tham quan ngôi đình này đều phải… đi nhờ qua cổng của trường. Dân làng từng 2 lần đập một phần tường rào của trường khi tổ chức lễ hội tại ngôi đình này.

Đình Thần Nông được xây dựng vào thập niên 30 của thế kỷ XX. Ngôi đình gắn liền với lễ hát mục đồng (trẻ chăn trâu) nên ở đây còn lưu truyền câu ca: “Nhất Phong Lệ mục đồng, nhì Giáng Đông hát vật”. Ngôi đình mang ý nghĩa về đời sống nông nghiệp, là nơi tế lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, lúa màu tươi tốt, tăng năng suất chống đói nghèo nên có tên là đình Thần Nông - lấy tên một vị thần trong truyền thuyết khuyến khích nông nghiệp.

Trong đình vừa thờ tiền hiền, hậu hiền, vừa thờ Thần Nông lẫn mục đồng. Cấu trúc của đình có 3 bộ phận gắn liền nhau, từ ngoài vào trong là nhà Tiền Đường, có gác chiêng, trống, hai bên nhà chính có 5 gian... và trong cùng là tẩm.

Mái đình lợp ngói âm dương. Trên nóc nhà chính tẩm và các góc đuôi mái đều có đắp tượng Long, Ly, Quy, Phượng, biểu tượng sừng trâu và nhiều họa tiết hoa văn rực rỡ sắc màu. Cột kèo, xà nhà được chạm trổ tinh vi, trên tường có đắp phù hiệu và trong đình còn có các câu liễn đối của các bậc tiền bối ban tặng, được tạc vào gỗ quý vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), được biết, địa phương đã nắm thông tin về tình trạng đình Thần Nông nhưng việc xử lý không hề dễ dàng. Theo ông Bình, việc đập phòng học là không thể vì kết cấu của các phòng học như vậy, nếu đập ra thì hỏng cả khối nhà.

Tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết, nếu làm một con đường riêng đi vào đình thì được. “Chúng tôi sẽ làm việc riêng với nhà trường để có thể tạo một đường riêng vào đình, không phải đi qua trường. Chúng tôi cũng đã trao đổi với người dân trong thôn về vấn đề này. Thực ra mỗi năm người dân mới đến đây một lần vào dịp rước thần mục đồng nên việc có đường riêng vào đình chưa cần thiết lắm. Khách du lịch cũng ít vào đó mà chủ yếu vào đền thờ tiền hiền hay những địa chỉ khác”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Tất Hiền (63 tuổi), Bí thư chi bộ thôn Phong Nam: “Một ngôi đình như thế mà có phòng học án ngữ trước đình thì về mặt tâm linh là không được. Bởi vậy, người dân nơi đây mong muốn cắt bớt 2 phòng học để không ảnh hưởng đến ngôi đình mà thật ra cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu trường”.

Lý giải nguyên nhân khách du lịch ít đến thăm đình, ông Hiền khẳng định do sự không thuận tiện nên khách không muốn đến, chứ không phải họ đơn thuần không muốn đến như ông Bình nói. Ông Hiền cho rằng, ngôi đình này có nhiều ý nghĩa tư tưởng rất sâu sắc bởi nó giữ được không gian và lề thói sinh hoạt cộng đồng đặc trưng vốn có, đánh thức khát vọng Việt trong hành trình trở về với nguồn cội văn hóa Việt.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.