Chính trị - Xã hội

Lớp học tình thương ở khu văn hóa biển

14:24, 05/01/2016 (GMT+7)

Mặc cho thời tiết nắng ráo hay mưa lạnh, những người lao động nghèo tại Khu văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) vẫn đều đặn cắp sách đến ngôi nhà “3 trong 1” tại nhà văn hóa để học chữ.

Trung úy Doãn Hồng Quang hướng dẫn học trò nhỏ tuổi nhất lớp học tiếng Việt.
Trung úy Doãn Hồng Quang hướng dẫn học trò nhỏ tuổi nhất lớp học tiếng Việt.

Không thể để mọi người cười chê

Buổi tối mưa lạnh một ngày thứ sáu trung tuần tháng 12, Trung úy Doãn Hồng Quang, Đội trưởng Đội vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Hải Vân) và cô giáo Lê Thị Kim Hoa (giáo viên Trường tiểu học Trần Bình Trọng) có mặt tại phòng học của ngôi nhà “3 trong 1”.

Hai giáo viên Quang và Hoa bật điện, xếp bàn ghế ngay ngắn để đón học trò. “Lớp học có 12 “học sinh” chủ yếu ở độ tuổi từ 30-50, cũng có người quá 50 tuổi. Học trò thấp nhất 13 tuổi”, Trung úy Quang tiết lộ về sự đặc biệt của lớp học và cho biết đây là lớp học “tình thương”.

Hơn 30 phút sau, hai người phụ nữ mang áo mưa đến lớp. Nhìn thấy tôi, hai phụ nữ đã luống tuổi thoáng bất ngờ và có chút e ngại, nhưng rồi ngồi ngay ngắn vào bàn học. Lần lượt các học viên khác cũng bước vào lớp.

6 chiếc bàn, học sinh đã “điền” đủ chỗ trống với 12 người. Lớp học bắt đầu tiết mới: Tập chép thơ và đọc. Nắn nót từng chữ khá rõ ràng, bà Nguyễn Thu Hòa (48 tuổi) cởi mở: “Hồi xưa nhà nghèo lại đông anh em nên không được đi học. Lớn lên đi lấy chồng rồi cặm cụi với những cây củi ở trên rừng, những con cá, con tôm dưới biển. Không biết chữ, cái chi cũng không biết, ái ngại với mọi người lắm!”.

Hơn một năm nay, bà Hòa dù ngày đi làm vất vả để kiếm tiền mưu sinh, nhưng cứ mỗi tuần 3 đêm đều đặn có mặt tại lớp học. “Trừ những ngày ốm đau không đi, chứ mưa rét chi tui cũng đến lớp để học. Từ ngày đi học đến giờ, tui đã biết đọc, biết viết. Vui lắm”, bà Hòa cười bảo.

Người bạn bà Hòa là bà Ngô Thị Đua (52 tuổi), có lẽ là người lớn tuổi nhất trong lớp học tình thương này. Cũng như bà Hòa, do nghèo khổ nên từ nhỏ bà Đua không được đi học. “Không biết chữ, đi làm các giấy tờ tôi phải lăn tay để thay chữ ký. Những lúc như vậy ngại lắm. Vì vậy, khi được các anh Bộ đội Biên phòng mở lớp, vận động, tui đăng ký đi học ngay”, bà Đua vui vẻ cho biết.

Để được đọc thông, viết thạo, ngoài giờ học trên lớp, ở nhà lúc rảnh rỗi bà Đua đem sách vở ra học, ôn lại bài cũ. Giờ đây, bà Đua đã viết thông, đọc thạo. Bà vui nhất là viết và ký được tên mình. “Chừ tui không còn thấy ái ngại với mọi người xung quanh nữa. Tui viết và ký được tên mình rồi. Giờ mà đi làm giấy tờ, tui không còn phải cúi gằm mặt vì xấu hổ khi phải lăn dấu tay nữa mà có thể đàng hoàng cầm bút ký tên mình”, bà Đua khoe.

Các cô, các chú biết đọc, biết viết mình thấy hạnh phúc

Thực hiện chủ trương của UBND thành phố về nâng cao trình độ văn hóa cho người dân ở địa bàn biên giới biển, giữa năm 2014, dưới sự chỉ đạo của Bộ đội Biên phòng thành phố, Đồn Biên phòng Hải Vân phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, qua đó ghi nhận địa phương có 12 trường hợp mù chữ. Vì vậy, Đồn Biên phòng Hải Vân đã mở lớp học “tình thương” mong muốn đem con chữ đến với những người lao động nghèo.

Trung úy Doãn Hồng Quang cho biết, những ngày đầu gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết “học sinh” là những người lao động nghèo, thời gian lao động thất thường. Hơn nữa, họ ái ngại vì đã lớn tuổi mà vẫn còn đến lớp để ê-a.

Tuy nhiên, được sự giải thích tận tình, cặn kẽ của Bộ đội Biên phòng cũng như chính quyền địa phương, họ đã đến lớp học tập nghiêm túc. “Từ những ngày đầu còn lạ lẫm với những nét chữ abc, những con số khô khan nhưng khi đã biết, tôi thấy các cô, các chú rất thích thú, chăm chú học tập. Chính điều này đã truyền rất nhiều cảm hứng cho cán bộ đứng giảng”, Doãn Hồng Quang tâm sự.

Dù chỉ có 12 học viên, nhưng lớp học lúc nào cũng rộn ràng. Giữa cái lạnh của tháng 12 nhưng không khí lớp học thật ấm áp tình thầy trò. “Các cô, các chú không như các em học sinh cấp 1. Lớn tuổi, tiếp thu rất chậm, vì vậy, bọn em luôn phải nhỏ nhẹ, động viên mọi người học tập”, cô giáo Lê Thị Kim Hoa chia sẻ.

Theo cô giáo Hoa, dù mới hơn một năm giảng dạy cho các cô, chú ở đây, nhưng tình cảm “thầy - trò” rất gắn bó. “Những khi rảnh rỗi giờ giải lao, các cô, các chú tâm sự về những khó khăn trong gia đình, những chuyện đời, có những câu chuyện rất tình cảm, xúc động. Cũng có lúc kể chuyện tiếu lâm rồi cười râm ran, khiến cho lớp học lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười trong đêm”, cô giáo Hoa nói.

Sau gần một năm giảng dạy, 12 học viên đã qua được bậc 1 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các học viên đang tiếp tục học bậc 2. “Dù đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, nhưng các cô, các chú luôn miệt mài đến lớp, không bỏ lớp. Điều này khiến bọn em vui lắm”, cô giáo Hoa tâm sự.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

.