Chính trị - Xã hội
Chuyển biến tích cực, nhưng thiếu bền vững
Tại Hội nghị tổng kết một năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 13-1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí đánh giá cao những kết quả tích cực mà các sở, ngành, địa phương đạt được trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Tuy nhiên, ông Võ Công Trí cho rằng, kết quả đó thiếu bền vững và yêu cầu thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2016.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tham dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng.
Vào cuộc quyết liệt
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, đơn vị thường trực “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” cho rằng, năm 2015, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các ngành, địa phương đã chủ động tổ chức thực hiện đạt trên 85% khối lượng công việc, góp phần mang lại diện mạo mới cho thành phố.
Các tuyến đường chính hầu như “sạch” quảng cáo; nhiều mảng xanh được tạo lập; vỉa hè được kẻ vạch để phân chia khu vực kinh doanh, khu vực để xe máy theo quy định; dây cáp, dây điện được bó gọn... Bên cạnh công tác chỉnh trang đô thị, các sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện quyết liệt công tác xử phạt để lập lại trật tự, mỹ quan đô thị với 9.676 trường hợp xử phạt vi phạm về trật tự vỉa hè, trật tự xây dựng, tăng 2 lần số vụ so với năm 2014.
Hiện tượng thùng rác nhếch nhác, các điểm tập kết rác ở các tuyến đường chính và đường du lịch trên địa bàn thành phố; các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tại lô đất trống cũng bước đầu cải thiện.
Về trật tự an toàn giao thông, lực lượng công an thành phố cùng các quận, huyện tăng cường tuần tra đêm; tuần tra phòng chống trộm, cướp, giết người. Liên tục mở các đợt cao điểm, kiểm tra, xử lý các khách sạn, bar, karaoke, massage có dấu hiệu vi phạm; đấu tranh với các chuyên án về cờ bạc, ma túy. Tổng số vụ xử phạt hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn thành phố tăng 24% số vụ và tăng 2 lần số tiền xử phạt so với năm 2014.
Các tham luận tại hội nghị cũng cho thấy, thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” đã có nhiều mô hình, cách làm hay xuất hiện. Cụ thể, mô hình “Cổng trường bình yên”, “Camera hành trình trên mũ bảo hiểm của cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường”, “Bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí”, “Đội ngũ cộng tác viên phát hiện quảng cáo rao vặt”, “Sử dụng giỏ đi chợ”... được người dân ủng hộ và tham gia.
Chưa có chế tài mạnh
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đánh giá cao những kết quả tích cực cả về phương diện nhận thức lẫn hành động trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”; đồng thời cho rằng đây là tiền đề có ý nghĩa hết sức quan trọng để thực hiện Chỉ thị 43 trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, cũng theo ông Võ Công Trí, mặc dù số lượng công việc nhiều nhưng do thực hiện khá dàn trải, nhiều hoạt động mang tính phong trào nên các kết quả thiếu bền vững. Chẳng hạn: công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng, không thường xuyên, ít tác động đến người dân lao động trong các khu dân cư; chưa có phương án hiệu quả xử lý quảng cáo, rao vặt; chưa giải quyết được nạn chèo kéo khách ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, đỉnh đèo Hải Vân; so với mật độ dân cư thì tỷ lệ tội phạm khá cao; tình trạng xe dù, bến cóc còn khá phổ biến; công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác chưa hiệu quả; tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng...
“Xảy ra tình trạng này do xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, chưa có chế tài mạnh đủ sức răn đe. Để xây dựng thành phố an bình, đáng sống thì không thể mất an toàn khi đi trên đường phố, không thể có con đường nhếch nhác bởi rác, nước bẩn, quảng cáo rao vặt, lấn chiếm vỉa hè...”, Phó Bí thư Thường trực nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy trong năm 2016 có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân; chú trọng xây dựng nền tảng văn hóa gia đình, văn hóa giao thông, văn hóa việc cưới, việc tang, lễ hội...
Mặt trận phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các ngành, giới, đoàn thể về văn hóa, văn minh đô thị. Các sở, ngành liên quan tập trung rà soát những vấn đề tồn tại như: tổng rà soát vỉa hè, cây xanh, vườn dạo, đậu đỗ xe; tham mưu, đề xuất xử lý tình trạng kinh doanh du lịch bất hợp pháp, bảo kê, đòi nợ thuê, buôn bán hàng lậu...
Đề nghị UBND thành phố rà soát các văn bản, ban hành các văn bản, chế tài mới để xử lý dứt điểm tồn tại. Ngoài ra, yêu cầu các cấp Đảng ủy, chính quyền đưa kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện văn hóa, văn minh đô thị.
Ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết, sẽ tập trung xây dựng kế hoạch trình UBND thành phố, trong đó chú trọng việc triển khai có điểm nhấn cho mỗi nhiệm vụ. Chẳng hạn, về tuyên truyền, đi sâu vào 2 đối tượng: thứ nhất là cộng đồng dân cư, đặc biệt lưu ý thành phần nhập cư; thứ hai là học sinh, sinh viên, nhằm tạo sự lan tỏa toàn diện trong cộng đồng về chủ trương của thành phố.
“Chúng tôi kỳ vọng năm 2016, mỗi người dân sinh sống tại Đà Nẵng thấy được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện văn hóa, văn minh đô thị, chứ không còn nghĩ đó là chủ trương, trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền”, ông Chiến nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016”, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch riêng, gửi về Sở VH-TT&DL, Văn phòng UBND thành phố trước ngày 20-1. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương thành lập tổ liên ngành 43 riêng cho từng đơn vị để kịp thời xử lý nhanh, hiệu quả các vấn đề liên quan đến văn hóa, văn minh đô thị. UBND thành phố cũng quyết định trao tặng Bằng khen cho 68 tập thể, 50 cá nhân có thành tích xuất sắc. |
NGỌC HÀ