Chính trị - Xã hội
Hạn chế đốt, rải vàng mã dịp Tết
Gần đến Tết Nguyên đán, tình trạng đốt vàng mã diễn ra ở nhiều khu dân cư gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như mỹ quan đô thị. Đà Nẵng đang có nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm hạn chế việc đốt, rải vàng mã.
Công an Đà Nẵng và cơ sở mai táng ký cam kết vận động người dân không rải vàng mã trên đường đưa tang. |
“Ông ơi, tui đã mang đủ xe hơi, điện thoại để đốt cho ông đây rồi. Ông ở dưới suối vàng đừng lo nhé”, chị L.T.M (50 tuổi, ở quận Hải Châu) lầm rầm khấn rồi đốt luôn xe hơi, điện thoại hàng mã kèm thêm một cọc tiền âm phủ để đốt cho ông chồng quá cố vừa qua đời.
Mặc cho hàng xóm nhăn mũi khó chịu vì khói của giấy, gạo rang… bay tứ tung nhưng chị M. vẫn tỉnh bơ bởi “không gửi xuống cho ổng thì ở dưới đó ông ấy lấy cái gì dùng” (!). Hơn nữa, “thầy” bảo phải gửi những đồ đó xuống thì cả nhà mới được bình an và các con chị mới ăn nên làm ra. Chi phí cho một lần đốt như vậy cũng “ngốn” của chị M. bạc triệu chứ chẳng chơi.
Đốt vàng mã là tục lệ ở nước ta trong các ngày cúng lễ, giỗ chạp. Mọi người thường đốt nhiều vàng mã, nhất là vào các dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy. Tuy nhiên, hiện nay, tục lệ này dần biến dạng, nhuốm màu mê tín, dị đoan và gây lãng phí tiền bạc.
Tiền vàng, áo, quần, nhà cửa, ô-tô, xe máy, điện thoại… bằng vàng mã trị giá từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng được các gia chủ đốt cho người thân nơi chín suối. “Việc đốt vàng mã quá nhiều gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe những người xung quanh. Quan trọng là lúc sống đối xử với nhau cho tốt chứ chết rồi đốt nhiều đồ để làm gì”, chị Thu Hân (33 tuổi, ở quận Hải Châu) nói.
Hiện nay, tại nhiều địa phương trong thành phố, chính quyền và cơ quan chức năng đang tăng cường vận động, nhắc nhở người dân hạn chế đốt vàng mã để vừa tiết kiệm, vừa làm đẹp mỹ quan đô thị.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa có văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền không rải vàng mã khi đưa tang. Theo đó, đề nghị các địa phương hướng dẫn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, không rải vàng mã khi đưa tang, đồng thời vận động nhân dân thực hiện hỏa táng khi mai táng.
Hiện nay, Đà Nẵng đã có 23 cơ sở dịch vụ tang lễ ký cam kết về trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu gia đình người có tang không được rải tiền, giấy vàng mã, tiền thật hoặc bất cứ vật gì khác trên đường đưa tang.
Đồng thời, khi dừng lại để cúng đường thì phải dọn dẹp sạch sẽ nhằm thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Cơ sở nào để xảy ra việc rải giấy tiền, vàng mã, tiền thật cũng như xả rác gây ô nhiễm tại nơi dừng cúng đường sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
“Mình đi đường mà thấy vàng mã bay tứ tung sau xe tang, đôi khi vướng cả vào mặt mình và những người đi xe máy ngay đằng sau khiến mọi người rất khó chịu. Không chỉ vậy, nhiều lúc việc giấy, gạo mịt mù bay ra từ xe tang làm vướng tầm nhìn và dễ gây tai nạn cho các xe đi sau”, chị Trương Thanh Hằng (37 tuổi, nhân viên kế toán, ở quận Hải Châu) bày tỏ.
Không chỉ riêng người đi đường bức xúc mà công nhân công ty môi trường đô thị cũng “đau đầu” sau khi xe tang đi qua. Tính trung bình mỗi ngày Đà Nẵng có từ 25-40 đám tang. Như vậy, nếu các xe tang đều rải giấy, gạo, muối ra đường thì lượng rác thải mà công nhân vệ sinh phải thu gom không hề ít.
Tại Điểm e, Điều 10, Thông tư số 04 ngày 21-1-2011 của Bộ VH-TT&DL cũng quy định: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng theo khoản 2, Điều 18, Nghị định số 75 ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng ban Nghĩa trang (thuộc Sở LĐ-TB&XH) cho biết, hiện nay, Ban nghĩa trang thành phố cũng đã cho dán logo trên xe tang với nội dung không rải vàng mã, tiền trên đường đưa tang. “Mỗi cá nhân đến với chúng tôi đều phải cam kết không rải vàng mã trên đường đưa tang. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên phần lớn bà con đều có ý thức tốt trong việc này. Năm 2015, chỉ có duy nhất 1 trường hợp bà con rải vàng mã trên đường, nhưng đã kịp thời dừng lại do được nhắc nhở”, ông Thiện nói.
Bài và ảnh: KIM NGÂN