Chính trị - Xã hội

Tết của phận tha hương

08:07, 01/02/2016 (GMT+7)

Trong lúc dòng người đang hối hả đổ ra các bến xe, ga tàu… để về đoàn tụ bên gia đình, có những thân phận tha hương chọn ở lại nơi đất khách cho qua mùa Tết.

Ngày ngày với chiếc xe lăn và xấp vé số, bà Nguyễn Thị Lợi luôn tìm cách đi ngang qua Ga Đà Nẵng, mong được nghe tiếng còi tàu cho đỡ nhớ quê.
Ngày ngày với chiếc xe lăn và xấp vé số, bà Nguyễn Thị Lợi luôn tìm cách đi ngang qua Ga Đà Nẵng, mong được nghe tiếng còi tàu cho đỡ nhớ quê.

Lựa chọn xót lòng

Bà Nguyễn Thị Lợi (55 tuổi, quê ở Vĩnh Linh, Quảng Trị) không chồng, không con, tài sản chỉ có những di chứng nặng nề trên thể xác mà chiến tranh để lại. 18 tuổi, bà bắt đầu lưu lạc từ Bắc vào Nam, buôn bán đủ thứ lặt vặt để nuôi thân. Năm 2009, bà Lợi vào Đà Nẵng bán vé số dạo cho đến nay.

Từ năm đầu tiên rời quê đi kiếm sống, bà Lợi chưa một lần đón Tết ở quê hương. Bà từng có cha, mẹ, có cả 9 anh chị em. Nhưng rồi bom đạn của chiến tranh và sự khắc nghiệt của cuộc sống mưu sinh thời bình đã không để lại điều gì cho người đàn bà tật nguyền này nương tựa.

Ngồi trên chiếc xe lăn với lỉnh kỉnh nào túi vé số, chai nước, mũ, khăn mặt…, bà nói với đôi mắt đỏ hoe đã mờ khô: “Có một đợt tôi ở trọ gần Ga Đà Nẵng, nửa đêm nghe tiếng còi tàu hú mà tỉnh dậy, nhớ quê đến bật khóc. Cho đến tận bây giờ, ngày nào đi bán vé số, tôi cũng cố gắng đi ngang qua ga để được nghe tiếng còi tàu. Ở quê dù không còn ai nhưng tiếng còi tàu làm tôi nhớ những ngày còn nhỏ, có mẹ, có cha, có anh, có chị…”.

Cùng thân phận bán vé số, nhưng khác với bà Lợi, quê hương Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) của chị Trần T.L.T (40 tuổi) chỉ cách Đà Nẵng gần 60km. Tuy vậy, 5 năm xa 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn ra thành phố mưu sinh, chị chưa một lần về quê ăn Tết.

Chị kể, ở quê, hai vợ chồng cày cuốc, làm lụng mãi mà tiền bạc vẫn thiếu trước hụt sau, con cái ốm đau, nheo nhóc. Phẫn chí, chồng chị sinh thói gây gổ, vũ phu với vợ con rồi bỏ nhà đi biệt. Mọi gánh nặng gia đình, kể cả việc nuôi 2 đứa con nhỏ và cha mẹ già đổ hết lên đôi vai người đàn bà mới vừa qua tuổi 30.

Chị T. bảo, phận làm mẹ, Tết muốn về với con lắm chứ. Nhưng tiền xăng xe cũng đã tốn hết trăm mấy, hai trăm nghìn đồng. Trong khi nếu ở lại Đà Nẵng 3 ngày Tết, chị có thể bán được nhiều hơn ngày thường, gom góp lại để gửi về cho con thêm bộ áo quần, quyển sách… Chị bảo, lo nhất là con buồn, con nhớ mẹ. “Chỉ có 3 mẹ con tự nuôi sống nhau, vậy mà chị là mẹ lại không lo được gì cho con cả…”, chị trầm ngâm.

Hạnh phúc giản dị

Phận người tha hương ngày Tết ắt buồn nhiều hơn vui. Vậy mà ẩn khuất giữa đời thường vẫn có những niềm hạnh phúc giản dị. Gia đình nhỏ của vợ chồng chị Bùi Thị Duyên (SN 1990) và anh Cao Đình Hiệp (SN 1980), ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, là một ví dụ.

Chị Duyên và anh Hiệp quê ở miền núi phía Bắc. Cả hai đều bị khuyết tật chức năng vận động từ nhỏ. Gặp nhau rồi yêu nhau, nhưng vì cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, hôn nhân bị gia đình phản đối nên khi con trai đầu mới được 18 tháng tuổi, anh chị vào Đà Nẵng sinh sống bằng việc bán buôn lặt vặt. Đầu năm nay, anh chị đón mẹ vợ vào để chữa căn bệnh ung thư cho bà.

Từ ngày vào Đà Nẵng mưu sinh, anh chị chưa một lần về quê ăn Tết. Đối với đôi vợ chồng nghèo này, mua được cái vé xe ra Bắc ngày Tết có phần quá sức. Anh Hiệp kể, 3 ngày Tết, anh chị đưa cậu con trai của mình đi chơi Công viên 29-3 “không biết bao nhiêu lần”.

“Chỗ nào cũng phải mua vé, chỉ mỗi công viên là miễn phí. Thằng bé lại thích chỗ đó lắm.” Anh Hiệp tâm sự, bạn bè rủ đi bán trong những ngày tết, nhưng anh chị nhất quyết để dành thời gian này cho con để bù đắp lại những buổi tối trong năm con phải theo cha mẹ rong ruổi mưu sinh trên khắp nẻo đường.

Trong khi đó, 2 cụ bà bán vé số Trần Thị Anh và Nguyễn Thị Quế sẽ cùng đón Tết trong căn phòng trọ trên đường Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà. Tháng 10-2015, Báo Đà Nẵng đăng bài viết về 2 bà cụ bán vé số, cụ bà Trần Thị Anh bị xe đụng gãy chân hồi giữa năm ngoái, từ đó đến nay nằm liệt một chỗ.

Cụ được người “đồng nghiệp” là cụ Nguyễn Thị Quế đưa về cưu mang, chăm sóc, đơn giản chỉ vì “nhìn thấy bả nằm như vậy, mình không đem về răng được”. Bảy tháng ròng rã, cụ Quế vừa đi bán vé số, vừa nấu cơm, bón thuốc, tắm rửa, giặt giũ cho cụ Anh.

Quê ở xã Quế Lộc (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), chồng chết năm 29 tuổi, cụ Anh lưu lạc ra Đà Nẵng mưu sinh. Bom đạn rồi bệnh tật, ở quê nhà không còn một ai. Gần 50 năm nay, chưa một lần nào cụ Anh về nhà đón Tết.

Với ánh mắt đã đục nhòa vì thời gian, cụ bảo: “Tết năm nào cũng phải đi làm, không giúp việc cho người ta thì đi bán vé số. Không làm thì buồn lắm, chịu không nổi đâu”. Cụ Quế còn nhà cửa, con cháu ở Quảng Nam. Cụ bảo, dù cả năm đi bán vé số ngoài Đà Nẵng, nhưng cứ đến 29 Tết, cụ lại về quê làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, rồi ở với con cháu đến hết mồng 2 Tết mới ra lại.

“Nhưng mà năm nay tui không về, chớ bả (cụ Anh - PV) như ri làm răng mà về được”, cụ Quế nói. Cụ Anh đang nằm cạnh đó, nghe vậy thì “dỗi”: “Bà ưng về thì về đi, kệ tui”. Cụ Quế bèn kêu lên rằng: “Ờ tui về thì bà nằm đó… cởi truồng, ăn bốc hỉ”.

Vậy là giao thừa năm nay, cả xóm trọ chỉ còn hai bà già rụng răng không ruột không rà chơ vơ ở với nhau. Cụ Quế bảo, vì chủ nhà trọ theo đạo Tin lành nên hai bà không được cúng giao thừa. “Rứa thôi chắc đêm giao thừa lấy vé số về bán cho vui con hỉ”, cụ Quế cười rổn rảng. Cụ Anh nghe vậy cũng móm mém cười theo.

Bài và ảnh: KHANG NINH

.