Chính trị - Xã hội

Cần mạnh tay dẹp "xe dù", "bến cóc"

07:35, 30/03/2016 (GMT+7)

Mặc dù ngành chức năng đã nỗ lực xóa các điểm “xe dù, bến cóc” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, song, thời gian qua, vẫn tồn tại tình trạng này, khiến dư luận bức xúc.

Xe đón khách tại đường Điện Biên Phủ.  (ảnh chụp lúc 11 giờ 15 ngày 29-3).                                         Ảnh: NGỌC PHÚ
Xe đón khách tại đường Điện Biên Phủ. (ảnh chụp lúc 11 giờ 15 ngày 29-3). Ảnh: NGỌC PHÚ

Hoạt động trá hình

Trước bức xúc của dư luận về tình hình “xe dù, bến cóc”, chúng tôi đã đi thực tế tại một số điểm thường xuyên xuất hiện các loại xe này, qua đó thấy sự bức xúc của dư luận là chính xác. Sáng 29-3, trên đường Điện Biên Phủ, xe giường nằm của hãng xe Đ.N dừng trước văn phòng công ty của nhà xe.

Một vài hành khách vội vàng bước lên xe khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp. Một người dân cho biết, hãng xe Đ.N thường xuyên dừng đón khách tại đường Điện Biên Phủ mỗi sáng, nghe nói đây là “bến cóc” mà các cơ quan chức năng đã quyết định “xóa” từ lâu, song vẫn tồn tại. Cạnh xe Đ.N không xa, xe giường nằm của nhà xe P.X.T cũng dừng bên đường, một vài va ly của hành khách được tập kết cạnh cửa xe.

Tại một số tuyến đường khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ghi nhận của chúng tôi là một số xe khách hiệu Ford Transit có biển kiểm soát Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn hoạt động đón, trả khách. Tại âu thuyền Thọ Quang, vào buổi sáng hằng ngày đều có xe Quảng Ngãi đến bắt khách.

Qua quan sát, chúng tôi thấy, khách của các xe này là ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi lần tàu cập âu thuyền Thọ Quang bán cá, họ lại tranh thủ về quê. “Mỗi lần tàu ghé âu thuyền Thọ Quang bán cá, ngư dân chúng tôi được về thăm gia đình vài ba ngày rồi ra đi biển tiếp. Nếu bắt xe ôm đến bến xe Đà Nẵng thì mất mấy chục nghìn. Do đó, xe Quảng Ngãi hay đến âu thuyền để đón chúng tôi”, ngư dân Nguyễn Văn S. (trú huyện Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết.

Sáng 29-3, chúng tôi đến khu vực sân bay Đà Nẵng, có rất nhiều ô-tô biển kiểm soát Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi vào ra sân bay. Dĩ nhiên đây không phải là xe khách từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng vào mà là những xe tự phát, đưa đón khách từ các khu nghỉ mát, khách sạn và du khách từ một số tỉnh khác đến.

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân, tại một số bệnh viện, xe khách hiệu Ford Transit của các tỉnh vẫn thường lui tới chở bệnh nhân. “Xe đến đón và trả khách rất nhanh, vì họ sợ công an xử lý”, một bác xe ôm tại khu vực đường Nguyễn Văn Linh cho biết.

Cần xử lý nghiêm

Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cho rằng, đến thời điểm này, thành phố rất ít “xe dù” và “bến cóc”. Tuy nhiên, ngoài các xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì một số phương tiện lợi dụng để hoạt động trá hình, vi phạm dừng, đón khách, trả khách không đúng nơi quy định. Cụ thể, có 5 điểm thường diễn ra tình trạng này là nhà xe Châu Trinh (đường Hoàng Văn Thái), Công ty Đình Nhân và Công ty Phát Xuân Tùng (đường Điện Biên Phủ), tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, sân bay Đà Nẵng và các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng liên ngành gồm Thanh tra giao thông, Công an thành phố và Công an các quận, huyện đã lập biên bản, xử lý hành chính hơn 500 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 450 triệu đồng, các lỗi chủ yếu là đón, trả khách không đúng quy định, hợp đồng vận chuyển khách khống.

Để hạn chế tình trạng này, Đại tá Phan Thanh Sương, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự Công an thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông... tổ chức tuần tra, xử lý các địa điểm thường xảy ra tình trạng hoạt động xe khách trá hình, nhất là tại âu thuyền Thọ Quang, sân bay Đà Nẵng, các bệnh viện... 

“Chúng tôi luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ xử lý nghiêm khắc các hành vi hoạt động dừng, đỗ, đón khách, gom khách không đúng nơi quy định để răn đe”, Đại tá Sương nói. Bên cạnh đó, theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải, cần phải đầu tư lắp đặt hệ thống camera tại một số tuyến đường thường có xe khách vi phạm để xử phạt nguội.

Theo chúng tôi, phía ngành chức năng phải có chế tài mạnh với các hãng xe tự ý gom khách cũng như hình thành “bến cóc”. Nếu xử phạt nhiều lần vẫn tái phạm sẽ đề xuất cơ quan cấp phép rút giấy phép kinh doanh. Có như vậy, không còn tình trạng “bến cóc” và  trật tự an toàn giao thông mới được đảm bảo...

NGỌC PHÚ

.