Chính trị - Xã hội

"Quốc hội vẫn còn nặng nợ với cử tri"

11:28, 29/03/2016 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội diễn ra ngày 28-3, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đã tham gia phát biểu ý kiến.

Báo Đà Nẵng trích giới thiệu bài phát biểu này.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sắp kết thúc nhưng ấn tượng tốt đẹp sẽ còn đọng mãi trong lòng cử tri cả nước. Năm năm chưa phải là dài nhưng phần nào giúp chúng ta có cơ sở đánh giá khách quan là hoạt động của Quốc hội luôn không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân.

Đó là hình ảnh một Quốc hội vì dân, mỗi đại biểu Quốc hội luôn trong tâm thế cháy lên nhiệt huyết góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, đưa đất nước hướng đến phồn vinh.

Đó là chất lượng hoạt động Quốc hội không ngừng nâng lên qua mỗi kỳ họp. Tại diễn đàn Quốc hội, không khí tranh luận sôi nổi, thẳng thắn; các quyết định ngày càng chuẩn xác và mang tính khả thi, góp phần quan trọng ổn định đất nước, để lại âm hưởng khó quên trong lòng nhân dân.

Hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban không ngừng cải tiến, đổi mới, các báo cáo chuyên đề, báo cáo thẩm tra ngày càng chất lượng, sát thực tế hơn.

Đặc biệt, sự điều hành của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội ở mỗi phiên họp toàn thể đều để lại dấu ấn về sự chuẩn mực, nhạy bén, sắc sảo trong xử lý từng vấn đề, góp phần quyết định sự thành công của kỳ họp.

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã làm công việc vô cùng quan trọng là sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đạo luật cơ bản nhất của nhà nước, mở rộng quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Tôi cho rằng, đó là sự tiến bộ vượt bậc trong công tác lập pháp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cùng với Hiến pháp, Quốc hội đã xây dựng 100 luật, bộ luật và 112 nghị quyết…; tổ chức hàng loạt cuộc giám sát chuyên đề trên nhiều lĩnh vực nhạy cảm, nóng bỏng của cuộc sống để tìm ra hướng giải quyết, được cử tri hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.

Các phiên chất vấn, giải trình ngày một cải tiến, sát yêu cầu của cử tri, thật sự nâng cao vai trò, trách nhiệm của người trả lời chất vấn; người chất vấn luôn đặt những câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, mang tính xây dựng rất sâu sắc, chất lượng. Các phiên chất vấn, giải trình thu hút sự quan tâm của cử tri và truyền thông.

Kết quả trên, trước hết là nhờ Quốc hội tự đổi mới và biết lắng nghe tiếng nói từ nhân dân. Bên cạnh đó, từng vị đại biểu Quốc hội thấy được trách nhiệm của mình trước nhân dân, gắn bó với nhân dân, cùng mang những suy tư, trăn trở của nhân dân vào nghị trường, tạo nên tầm vóc mới cho Quốc hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn lại, nhiệm kỳ qua còn nhiều vấn đề đáng lẽ chúng ta phải làm tốt hơn, theo tôi có 3 nội dung cần đặc biệt quan tâm:

1. Về tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội: Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng chưa thực hiện hết thực quyền mà pháp luật quy định, hoạt động của Quốc hội vẫn còn hạn chế, chưa thật sự cải tiến, đổi mới mạnh mẽ.

Mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan còn lúng túng, không chặt chẽ. Công tác giám sát chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo chưa đạt hiệu quả, chưa đến nơi, đến chốn.

Đặc biệt, công tác làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội nhưng thiếu tập trung, còn chắp vá. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa khoa học. Một số dự án luật thiếu tính ổn định, chưa đi vào thực tế, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong quá trình xây dựng luật, hay Quốc hội thông qua rồi dư luận không chấp nhận, phải sửa lại.

Vấn đề bức xúc là không có ai chịu trách nhiệm! Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cần có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Làm một luật đã khó, tốn kém tiền bạc của nhân dân nhưng luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi, thì làm luật để làm gì?

2. Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn: Đây là cách làm mới, để người giữ trọng trách phải không ngừng tự hoàn thiện mình nhưng việc này nhân dân chưa đồng thuận, thiếu kỳ vọng.

Bởi vì, quy trình quá rối rắm. Việc quy định 3 mức: Tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp là cách làm chưa triệt để, còn lập lờ thì làm sao có cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ?

Tôi đề nghị chỉ nên quy định hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm thì mới tạo bước ngoặc đột phá nhằm nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm. Từ đó, quyền lực của Quốc hội được nâng lên, nhân dân càng tin tưởng.

3. Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách: Tôi hoàn toàn ủng hộ. Quốc hội phải hướng tới chuyên nghiệp nên cần có số đại biểu chất lượng, tâm huyết, đức độ, tận tâm với công việc, vì sự phát triển của Quốc hội Việt Nam.

Tôi cho rằng, mặc dù hiện nay đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước và nhân dân đã tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho đại biểu Quốc hội hoạt động. Tuy nhiên, không ít đại biểu chưa thực hiện tốt những điều mà cử tri mong đợi, chưa làm tròn bổn phận của mình vì năng lực còn hạn chế.

Làm đại biểu Quốc hội nhưng hoạt động chưa năng nổ, nghiên cứu không sâu các vấn đề nổi cộm, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân, không có tính phản biện, thiếu bản lĩnh, sợ va chạm…, thì làm sao xứng đáng đại diện cho cử tri.

Do đó, tôi đề nghị Quốc hội khóa mới nên nghiên cứu, quy định và chọn lựa đại biểu Quốc hội chuyên trách “vừa hồng, vừa chuyên”, xứng tâm, xứng tầm với trọng trách được giao. Có như thế, Quốc hội khóa XIV mới thật sự đổi mới mạnh mẽ và tạo niềm tin cử tri gửi gắm cho mình.

Nhìn lại một nhiệm kỳ đã qua quá nhanh. Những gì chúng ta đã làm và chưa làm được không thể trải lòng hết với thời gian chỉ 7 phút ngắn ngủi. Theo tôi, Quốc hội của nhiệm kỳ này vẫn còn nặng nợ với cử tri, trong đó có vai trò của từng đại biểu. Sự đánh giá của cử tri đôi lúc nghiệt ngã nhưng rất công bằng và độ lượng.

Tôi tin rằng trong nhiệm kỳ đến, số đại biểu tái cử và số đại biểu mới chất lượng được nâng lên, bản lĩnh trí tuệ tốt hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Mỗi đại biểu Quốc hội sẽ tự mình vươn lên để cùng với Quốc hội có những quyết sách đúng và hợp lòng dân, vì một Quốc hội của dân, do dân, vì dân.

Khắc phục tư tưởng xuân thu nhị kỳ, đi họp nhưng không thể hiện chính kiến, gây lãng phí thời gian, công sức của nhân dân và cơ hội của người khác. Nếu làm tốt những vấn đề này, nhân dân càng tin, gắn bó với Quốc hội và chính đó là những bài học kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa sâu sắc, vững bền.

 

.