Chính trị - Xã hội
Sinh ra từ vùng đất thép
Làng đã đổi thay. Vùng căn cứ K20, Đa Mặn (quận Ngũ Hành Sơn) giờ đã khoác lên mình diện mạo mới khang trang. Thế nhưng, những giá trị truyền thống vẫn được nuôi dưỡng trong lòng những thế hệ kế tiếp.
Trung tá Trần Việt Hòa (trái) đang trao đổi với đồng nghiệp về một vụ việc vừa xảy ra trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. |
K20 là tên gọi do Quận ủy quận III (Đà Nẵng) đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ. Khu căn cứ cách mạng này nằm trên địa bàn khu dân cư Đa Mặn 5, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Nơi đây được xem là khu căn cứ bí mật giữa lòng địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đây còn là vùng đệm để bộ đội, cán bộ và du kích làm bàn đạp tấn công các căn cứ của Mỹ - ngụy, lập nhiều chiến công hiển hách. Ngày đó, hàng trăm hầm bí mật được đào ngay dưới bước chân hành quân và lùng soát rầm rập của địch. Nhiều người con trung kiên của mảnh đất này đã ngã xuống để lại những dấu son trong lịch sử hào hùng của dân tộc...
Thắp nén hương cho cha là liệt sĩ Trần Viết Giỏi, hy sinh năm 1968 khi đang hoạt động tại căn cứ K20, anh Trần Việt Hòa (48 tuổi) ngậm ngùi nhớ lại: “Ngày đó, địch lùng ráp ghê lắm. Do có kẻ chỉ điểm nên cha tôi và hai đồng chí nữa đang bàn công việc ở hầm bí mật thì bị lộ. Cha tôi hy sinh, còn mẹ tôi bị chúng bắt giam ở trại giam Hội An, mang theo tôi mới 5 tháng tuổi”.
Trong tù, chúng dùng đủ ngón đòn tra tấn nhưng mẹ anh, bà Nguyễn Thị Hà (cũng là cơ sở cách mạng - PV) kiên quyết không khai. Có lần, khi bà đang bồng con, chúng đánh bà ngã khiến cậu bé Hòa rớt xuống nền nhà, tưởng đã khó giữ được tính mạng… Không khai thác được gì nên hơn một năm sau, chúng trả tự do cho bà Hà và con trai. Về nhà, bà lại tiếp tục đào hầm nuôi giấu cán bộ cho đến ngày giải phóng.
“Cha và mẹ tôi luôn là tấm gương để chúng tôi noi theo. Khí chất anh dũng, không khuất phục trước cái ác, sự bạo ngược và bất công đã thấm vào huyết quản của mỗi chúng tôi”, anh Hòa thổ lộ. Hành trang của anh khi quyết định học ngành Công an ngày đó chỉ có tấm lòng kiên trung của người con cộng sản và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ.
Nhận nhiệm vụ Đội phó Cảnh sát hình sự, rồi Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Ngũ Hành Sơn, dù ở cương vị nào anh cũng tự nhủ phải giữ được phẩm chất trong sạch. Có lần, anh cùng đồng đội bắt một đối tượng trộm dây xích trên tàu.
Ngay sau đó, gia đình đối tượng này mang quà và món tiền khá lớn đến đưa cho vợ anh nhưng anh bảo vợ kiên quyết không nhận và mang nộp tại đơn vị. Ít ai biết rằng, khi đó, ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh đã xuống cấp nghiêm trọng mà chưa có tiền sửa, món nợ vay để trang trải chi phí chữa bệnh cho các con anh vẫn còn nguyên...
Nhiều lần tham gia các chuyên án và đưa nhiều đối tượng ra trước vành móng ngựa, có lúc đồng bọn của chúng tìm để trả thù nhưng anh Hòa vẫn không chùn bước. “Ngày trước, cha anh mình chiến đấu dưới làn đạn quân thù, nhiều lúc ranh giới giữa cái chết và sự sống chỉ trong gang tấc mà còn chưa thối lui thì tại sao mình có thể do dự”, anh Hòa thổ lộ. Dưới sự lãnh đạo của Trung tá Trần Văn Hòa, nhiều năm liền, Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Ngũ Hành Sơn được vinh dự nhận danh hiệu Đơn vị quyết thắng.
Với anh Huỳnh Kim Toàn (52 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Toàn Liên Hoàn, tuổi thơ của các chị em trong gia đình anh đều gắn với hầm bí mật, với các hoạt động nuôi giấu cán bộ. Ngày đó, cha anh mang danh ấp trưởng nhưng ngay chính căn nhà của ông lại là nơi các cán bộ đầu não cách mạng thường xuyên lui tới, ẩn nấp.
Có lần, khi 3 đồng chí lãnh đạo phong trào đang bàn việc trong nhà Toàn thì địch đi lùng sục bất ngờ nên phải ẩn nấp tại vựa lúa ở trần nhà. Không nao núng, Toàn cùng chị gái là Huỳnh Thị Thơ liền gây mất tập trung và đuổi địch đi bằng cách đánh cho các em khóc.
Thấy toàn trẻ con ở nhà, địch không nghi ngờ và bỏ đi. “Cả làng ngày đó đều theo cách mạng nên nhiều nhà có hầm bí mật. Đàn bà, trẻ con và người già đều trở thành “tai, mắt” của cách mạng”, anh Toàn nhớ lại.
Không chỉ thế, người dân trong vùng cũng tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị trực diện với quân địch, chống việc dồn dân, lập ấp, bắt bớ của chúng. Hòa bình lập lại, gia đình anh Toàn lại phải đối mặt với cái khó, cái nghèo.
Ngày đó, không có tiền ôn thi, anh Toàn mua sách vở về tự ôn. Năm đầu tiên rớt đại học, anh quyết tâm tìm việc làm để có tiền ăn và mua thêm sách tự ôn lại. Tốt nghiệp khoa Cơ khí của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, anh Toàn vào thành phố Hồ Chí Minh xin làm cho một công ty tư nhân.
Bất bình trước những hoạt động kinh doanh trái phép nhằm kiếm lợi nhuận của đơn vị này, anh bỏ việc về Đà Nẵng làm lại từ đầu. “Cha mình đã dặn phải sống trung thực, trong sạch, nói không với cái xấu, cái bất chính. Đó cũng chính là khí tiết của người cộng sản. Đến giờ mình và các anh chị em vẫn luôn nhớ lời dạy của cha”, anh Toàn tâm sự. Bây giờ, anh là giám đốc một công ty chuyên về cơ khí, tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Những câu chuyện chiến đấu, quá khứ hào hùng tại vùng căn cứ K20 bây giờ lại được tiếp nối trong câu chuyện của thế hệ sau như anh Hòa, anh Toàn và lớp lớp cháu con...
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ