Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng - 76 ngày đêm sục sôi tranh đấu

13:20, 19/03/2016 (GMT+7)

Cách nay đúng nửa thế kỷ, khi đế quốc Mỹ đang trong năm đầu triển khai “chiến lược chiến tranh cục bộ” thì tại Đà Nẵng-đô thị lớn thứ hai ở miền Nam và cũng là căn cứ liên hợp quân sự khổng lồ của Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa đã nổ ra cuộc nổi dậy làm chủ của nhân dân thành phố.

So với các cuộc đấu tranh đô thị của nhân dân miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thì đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn nhất (huy động gần 1 triệu lượt quần chúng xuống đường), thu hút lực lượng đông đảo nhất (công nhân, thanh niên, học sinh, trí thức, tiểu thương, cùng với công chức, cảnh sát, binh lính ly khai trong nội thành và hàng vạn nông dân từ ngoại thành kéo vào), có thời gian kéo dài nhất (suốt 76 ngày đêm), thể hiện tính quyết liệt nhất (tổng đình công, tổng bãi thị, cả vũ trang chiến đấu) và có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất đối với phong trào đấu tranh đô thị bấy giờ.

Nghiệp đoàn xe lam Đà Nẵng tham gia đấu tranh làm chủ thành phố trong sự kiện 76 ngày đêm. (Nguồn: tuoitre.vn)
Nghiệp đoàn xe lam Đà Nẵng tham gia đấu tranh làm chủ thành phố trong sự kiện 76 ngày đêm. (Nguồn: tuoitre.vn)

Cuộc nổi dậy này vốn khởi đầu từ binh biến do mâu thuẫn giữa các phe phái chính trị và trong nội bộ chính quyền Sài Gòn. Ngày 10-3-1966, Nguyễn Chánh Thi được gọi về họp tại Sài Gòn, rồi bị bắt, cách chức và gạt ra khỏi Ủy ban lãnh đạo quốc gia ngay sau cuộc họp vì “bị Chính phủ coi như không phục tùng uy quyền trung ương”.

Ngày hôm sau, 11-3, những sĩ quan ủng hộ Nguyễn Chánh Thi tại Quân đoàn 1 đóng ở Đà Nẵng liền đứng ra thành lập “Ủy ban quân dân vùng I chiến thuật” đấu tranh đòi Thiệu-Kỳ phục chức cho Thi.

Nhận được tin binh biến, Thành ủy Đà Nẵng liền chủ trương “chớp lấy thời cơ để khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ địch, phát động quần chúng đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở đô thị đưa lên thành cao trào, đẩy địch vào tổng khủng hoảng chính trị, làm cho địch tê liệt và tan rã để giành thắng lợi đến mức cao nhất cho cách mạng”.

Kết quả là cơ sở cách mạng của Thành ủy đã được cài vào và chi phối Ủy ban quân dân vùng I chiến thuật, từ đề xuất đổi tên thành “Ủy ban quân dân tranh đấu vùng I chiến thuật”, đến “Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng vùng I chiến thuật” để nắm quyền lãnh đạo, đồng thời ra lời kêu gọi quần chúng nhân dân toàn thành phố đứng lên tranh đấu.

Nhiều cuộc đình công, bãi thị, bãi khóa liên tiếp diễn ra. Chỉ riêng các cuộc đấu tranh ngày 15, 20 và 28-3 đã thu hút hơn 10 vạn người, có đến 700 xích-lô, xe lam và gần 1.500 ô-tô vận tải tuần hành trên đường phố. Bắt đầu từ ngày 30-3-1966, cả thành phố tiến đến tổng đình công, tổng bãi khóa, tổng bãi thị.

Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng cử các lực lượng xung kích tổ chức tuần hành quanh thành phố, hô vang các khẩu hiệu tranh đấu kịch liệt như “Đả đảo Thiệu - Kỳ - Có”, “Đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam”, “Thỏa hiệp là tự sát”.

Các căn cứ quân sự Mỹ bị tấn công, xe Mỹ trên đường phố bị đốt. Từ ngoại ô, hàng vạn quần chúng kéo vào thành phố biểu tình hỗ trợ cho cuộc nổi dậy của nhân dân Đà Nẵng. Sau khi làm chủ được hoàn toàn thành phố, tuy không lập chính quyền nhưng đã bố trí, tổ chức lực lượng thanh niên, học sinh lập lại trật tự, tổ chức tuần tra canh gác bảo vệ thành quả nhân dân vừa mới giành được.

Ngày 3-4, Nguyễn Cao Kỳ lấy cớ “Coi như Đà Nẵng đã bị Cộng sản xâm chiếm” để đưa 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến từ Sài Gòn ra đàn áp. Trước tình hình này, Thành ủy Đà Nẵng chủ trương đẩy mạnh đấu tranh chính trị, vũ trang và công tác binh vận trong quân đội Sài Gòn ly khai và tan rã.

Nguyễn Hữu Có, Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa vừa bay đến Đà Nẵng đã bị bắt giữ. Các đợt tấn công của quân Thiệu-Kỳ bị quân ly khai và quần chúng nhân dân chặn lại, không vượt khỏi phạm vi sân bay Đà Nẵng. Lực lượng đặc công, pháo binh cách mạng từ bên ngoài đánh vào, phá hủy nhiều máy bay địch, đồng thời tiến hành tập kích, phục kích quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa ở vùng ven thành phố.

Cuối cùng, Thiệu-Kỳ buộc phải đưa lực lượng đi đàn áp quay về lại Sài Gòn. Trong những ngày xảy ra chiến sự, Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng phát đi trên đài phát thanh thành phố lệnh cho tất cả tàu thuyền của quân đội Mỹ nếu di chuyển sẽ bị nã súng, đến mức quân Mỹ lo sợ phải rút hết ra khỏi thành phố.

Sau thất bại của đợt đàn áp lần thứ nhất, ngày 15-5, Thiệu-Kỳ mở chiến dịch đàn áp lần thứ hai với 3.000 thủy quân lục chiến. Các cuộc chiến đấu chống lại quân Thiệu-Kỳ tiếp tục diễn ra. Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương kích cho quân ly khai và quân Thiệu-Kỳ đánh nhau để làm suy yếu lực lượng của quân lực Việt Nam Cộng hòa, đồng thời chủ trương đưa người bí mật cài vào Ban Chỉ huy tác chiến của quân ly khai để hướng lái theo hướng có lợi cho cuộc nổi dậy của nhân dân thành phố. Tuy nhiên, Thiệu-Kỳ huy động lực lượng quân đàn áp quá lớn, cùng với máy bay, xe M.113 và quân Mỹ hỗ trợ nên cuối cùng đã chiếm được thành phố.

Cuộc nổi dậy của nhân dân Đà Nẵng kết thúc sau 76 ngày đêm làm chủ thành phố, đã gây nên một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng đối với chính quyền Việt Nam Cộng hòa và là một thử thách đối với chính sách xâm lược của Mỹ, làm suy giảm từ 50-70% cố gắng chiến tranh của Mỹ ở vùng I chiến thuật, khiến cho giới cầm quyền Nhà Trắng chỉ trong 11 ngày (9 đến 20-4-1966) đã phải triệu tập đến 5 phiên họp để xét duyệt lại các chủ trương, kế hoạch mà phía Mỹ còn có thể áp dụng được ở miền Nam Việt Nam.

Cuộc nổi dậy đã lôi cuốn được hàng vạn sĩ quan, binh lính và làm tan rã một bộ phận lớn quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nó đã tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ cho cao trào đấu tranh đô thị rộng lớn tại 4 thành phố, 29 thị xã ở miền Nam; cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu, như Liên khu ủy 5 bấy giờ đã nhận định: “Đây là một sự kiện lớn, làm sáng tỏ đường lối, phương hướng, phương châm của Đảng ta ở miền Nam, làm sáng tỏ ta hoàn toàn có khả năng thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương trong tình hình chiến tranh cục bộ”, và như đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng bấy giờ cũng nhận định: “Bài học về cuộc nổi dậy của đồng bào Đà Nẵng rất phong phú”.

PGS, TS. Ngô Văn Minh

.