Chính trị - Xã hội
Giám sát để cán bộ trong sạch, gần dân hơn
Giám sát nhằm giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và tổ chức nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên (CBCCĐV) thuộc diện mình quản lý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với nhân dân.
Giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tiêu cực, quan liêu, xa dân, góp phần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và làm trong sạch đội ngũ CBCCĐV. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hải (ảnh) nói về mục đích dự án “Giám sát CBCCĐV sinh hoạt ở khu dân cư” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2 năm 2016 vừa được triển khai.
Chỉ khi báo chí nêu, Mặt trận xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang mới biết có sai sót trong công tác quản lý Nhà nước dẫn đến vụ việc xây dựng nghĩa trang trái phép. Trong ảnh: Cưỡng chế tháo dỡ nghĩa trang xây trái phép ở Hòa Ninh. Ảnh: Trọng Huy |
* Thưa ông, cơ sở nào để triển khai dự án giám sát CBCCĐV sinh hoạt ở khu dân cư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2 năm 2016 ?
- Dự án giám sát CBCCĐV ở khu dân cư của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố là việc triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội” và Quy định việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Giám sát nhằm giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và tổ chức nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên (CBCCĐV) thuộc diện mình quản lý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, quan hệ với nhân dân.
Giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tiêu cực, quan liêu, xa dân, góp phần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí làm trong sạch đội ngũ CBCCĐV. Thông qua giám sát để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
* Ban Quản lý dự án đã đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1 của Dự án này như thế nào, thưa ông ?
- Dự án này có sự hỗ trợ của UBND thành phố, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã triển khai từ tháng 5-2015 đến cuối năm 2015. Ở giai đoạn này là tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình CBCCĐV sinh hoạt ở khu dân cư.
Để thực hiện việc này, Đảng đoàn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã phối hợp với các quận, huyện ủy tiến hành khảo sát một nửa trong tổng số 1.242 Bí thư chi bộ và 1.242 Ban công tác Mặt trận (CTMT) ở khu dân cư toàn thành phố bằng phương pháp phát phiếu khảo sát. Trên cơ sở 1.242 phiếu khảo sát đã đúc kết thành 17 báo cáo chuyên đề đánh giá thực trạng tình hình CBCCĐV.
Đánh giá chung là CBCCĐV sinh hoạt ở khu dân cư chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật, hoàn thành nghĩa vụ công dân, có gắn bó với địa phương. Tuy nhiên, so với yêu cầu mới thì còn hạn chế. Đó là ở chừng mực nào đó, một số CBCCĐV chưa thực sự gắn bó với nhân dân ở nơi cư trú, không trực tiếp sinh hoạt với tổ dân phố mà chỉ cử vợ, con đi họp, có trường hợp còn chậm thực hiện nghĩa vụ công dân.
Vai trò tiên phong gương mẫu của CBCCĐV ở khu dân cư, nhất là thực hiện “4 quản” (quản lý cư trú, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa văn minh đô thị, giúp nhau thoát nghèo) theo tinh thần Chỉ thị 21-CT/TU cũng như việc thực hiện các Chỉ thị 11, 24, 25, 29, 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy còn hạn chế, còn những trường hợp chưa nhiệt tình tham gia.
* Như vậy mục tiêu của giai đoạn 2 này là triển khai giám sát nhằm khắc phục những hạn chế ông vừa nói ?
- Đúng thế ! Mà ai giám sát? Là chi bộ Đảng, Ban CTMT, các đoàn thể, tổ trưởng dân phố ở khu dân cư và nhân dân. Đến cuối năm nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ tổng kết, đánh giá xem những hạn chế này có được khắc phục không, tình hình chuyển biến như thế nào, có tiến bộ hơn không.
* Trong số 19 nội dung giám sát CBCCĐV có nội dung “Phát hiện, kiến nghị xử lý hành vi không trung thực kê khai nhà đất và tài sản, có bất minh về nhà đất và tài sản khác”. Tính khả thi của nội dung này như thế nào thưa ông ?
- Tôi thấy nội dung này rất khó nhưng vẫn phải đưa vào nội dung giám sát cho toàn diện. Không đưa thì không được. Mình cứ đưa vào để nhân dân giám sát để cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng có thể về hỏi nhân dân về trường hợp nào đó.
Theo quan điểm của tôi là không cầu toàn nhân dân giám sát được hết tất cả các nội dung nhưng nếu họ phát hiện được thì cũng thêm một kênh thông tin cho Đảng, cho cơ quan chức năng có thêm thông tin về cán bộ chứ dân làm sao kiểm tra nhà của cán bộ được. Nói báo chí phát hiện nhiều tiêu cực hơn các cơ quan chuyên trách chống tiêu cực, tham nhũng nhưng thông tin cũng bắt đầu từ dân ra, báo chí mới vào cuộc.
* Nếu nhân dân phát hiện được tiêu cực, sai phạm liên quan đến CBCCĐV nhưng chỉ muốn phản ánh đến cấp thành phố, Mặt trận thành phố có tiếp nhận, xử lý?
- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố có Phòng Tiếp công dân và thực hiện tiếp công dân đúng theo quy định của Luật Tiếp công dân và Thông tri số 02/TTr-MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Nếu thông tin đó có liên quan đến tiêu cực của CBCCĐV, chúng tôi đảm bảo giữ bí mật người cung cấp theo đúng quy định pháp luật. Năm ngoái (2015 - PV), Mặt trận thành phố đã tiếp nhận hơn 180 đơn. Cách xử lý của Mặt trận là phân loại, chuyển, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý đơn thư của công dân và theo dõi, giám sát kết quả xử lý.
Nếu người dân thấy không tiện phản ánh, gửi đơn ở cơ sở thì có thể đến cơ quan thường trực của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, Mặt trận thành phố chủ yếu chỉ tiếp đơn khiếu nại liên quan đến tranh chấp đất đai, hiếm trường hợp nhân dân tố cáo tham nhũng, tiêu cực nhưng Mặt trận vẫn khuyến khích nhân dân.
* Mặt trận làm thế nào để người dân tin và phản ánh thông tin tiêu cực có liên quan đến CBCCĐV đến Mặt trận, thưa ông?
- Về nguyên tắc chung phải đảm bảo bí mật cho người cung cấp thông tin tố cáo tiêu cực. Không riêng gì Mặt trận mà các cơ quan công quyền khác, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm liên quan đến CBCCĐV đều phải thực hiện quy định này. Thứ hai là Mặt trận phải kiến nghị và cùng với người tố cáo đấu tranh có hiệu quả, dân mới tin. Muốn làm được điều đó, tại các diễn đàn, Mặt trận phải có tiếng nói mạnh mẽ.
Ví dụ như tại kỳ họp thứ 17 của HĐND thành phố (khóa VIII) mới đây, Mặt trận thành phố đã kiến nghị mạnh mẽ yêu cầu thành phố tập trung giải quyết những vấn đề sai phạm trong quản lý đất đai về quy hoạch, quản lý đất rừng…; đặc biệt nêu tên và yêu cầu xử lý sớm một cán bộ lợi dụng chức quyền để làm trái quy định về bố trí đất tái định cư.
Vừa rồi, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã ký Quy chế phối hợp công tác với Ban Nội chính Thành ủy là cơ quan tham mưu trực tiếp của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Trong đó có nội dung phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiếp nhận, xử lý thông tin và giám sát kết quả xử lý thông tin của người dân.
Còn một vấn đề quan trọng nữa là bản thân đội ngũ cán bộ Mặt trận phải trong sáng, có bản lĩnh, có kỹ năng vận động, tập hợp tạo nên phong trào trong nhân dân đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng. Như vậy dân mới tin vào Mặt trận.
* Cảm ơn ông!
Trưởng Ban Thanh tra nhân dân phường Phước Mỹ Văn Minh Tân: Khó phát hiện cán bộ kê khai tài sản không trung thực Giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân nên không khả thi khi đưa vào nội dung giám sát để phát hiện CBCCĐV không trung thực trong kê khai tài sản. Ai cho Mặt trận và Ban Thanh tra nhân dân biết cán bộ này kê khai với tổ chức là tài sản mình như thế nào để mà phát hiện ra rằng cán bộ đó trung thực hay không. Chỉ khi đến kỳ bầu cử đại biểu cơ quan dân cử đang diễn ra, chúng tôi (Mặt trận-PV) mới có thể tiếp cận thông tin kê khai tài sản của những người ứng cử, trong đó có cán bộ nhưng không phải là tất cả CBCCĐV. Ông Mai Tấn Sỹ, tổ 53, phường An Hải Đông: Có nội dung như là đánh đố dân Tôi đã nghe đọc các nội dung Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân và nhân dân ở khu dân cư giám sát CBCCĐV. Tôi thấy người dân có thể giám sát được thái độ, lối sống của CBCCĐV đương chức ở khu dân cư như: Có đi họp tổ dân phố thường xuyên không, có giao tiếp rộng rãi với bà con trong tổ không, hoặc có đóng đầy đủ nghĩa vụ công dân không… Còn cán bộ đó có bao nhiêu nhà, đất và tài sản khác thì làm sao biết cụ thể được. Người dân có thể cảm nhận được cán bộ đó có mức sống xa hoa hơn so với chức vụ và mức lương của họ nhưng không có bằng chứng cụ thể để chứng minh. Như vậy nội dung giám sát tính trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ có vẻ như là đánh đố dân. Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã Hòa Ninh Trần Mậu Sáu: Phụ cấp thấp, cán bộ khó toàn tâm Do địa bàn rộng nên cán bộ Mặt trận khu dân cư (thôn Mỹ Sơn-PV) không phát hiện được việc sai sót trong quản lý đất rừng để xảy ra xây dựng nghĩa trang trái phép. Phụ cấp mỗi tháng có 500.000 đồng làm sao đầu tư toàn tâm cho công tác đó được. Họ còn phải lo cuộc sống của họ nữa. Chỉ khi báo chí nêu chúng tôi mới biết. Mới đây, Huyện ủy có điều chuyển Bí thư Đảng ủy xã về huyện là do công tác cán bộ chứ không phải do liên quan đến việc báo chí nêu về vụ chuyển nhượng đất rừng làm nghĩa trang trái phép. HOÀNG ANH ghi |
SƠN TRUNG thực hiện