Chính trị - Xã hội
B1 - Hồng Phước, dấu xưa lưu lại
“Hồng Phước có lúc người lớn tuổi nơi này gọi là Hường Phước, nghĩa là phước lớn. Không biết Hồng Phước khai thiên lập địa từ lúc nào; song, khi về đây, tôi cảm nhận một điều là người dân đã đem “phước lớn” cho cách mạng, đã biến nơi đây thành một căn cứ lõm để lãnh đạo thành phố, quận về hoạt động”.
Đoàn làm phim tư liệu của DRT phỏng vấn các nhân chứng tại khu đất từng là căn cứ B1 - Hồng Phước. Ảnh: V.T.L |
Phát biểu của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) hôm ông về thăm lại “chiến trường xưa”, thêm một khẳng định chân lý ngàn đời trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam: Lòng dân - vũ khí làm nên chiến thắng.
Chiến công của lòng dân
Hồng Phước ngày đó là một thôn thuộc xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), nơi ngoài những trảng cát mênh mông còn có các bàu, các hóc với ruộng lúa, bãi sình, cây mọc thành rừng, nhất là cây nham (một loại cây có gai nhọn) và cây lưỡi long. Do địa thế hiểm trở nên lính Mỹ và lính chế độ ngụy không dám đến, còn cán bộ hoạt động cách mạng dựa vào đó để xây dựng căn cứ với mật danh B1 nhằm huy động, tập hợp lượng lực để đánh địch.
Tướng Tuấn kể, tháng 8-1973, ông về B1- Hồng Phước với tư cách là mũi trưởng biệt động quận Nhì, ở một trong 4 hầm bí mật trong khuôn viên nhà bà Phạm Thị Dĩ để chuẩn bị công tác tham gia huấn luyện, xây dựng lực lượng biệt động của quận. Từ đó, ông gắn bó với làng quê nhỏ bé này.
Xóm nhỏ Hồng Phước cách trung tâm Đà Nẵng chưa đầy 10 cây số đường chim bay, cả 64 hộ dân trong xóm đều là cơ sở cách mạng. Bà con đã đào 46 hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích; đưa đón hàng trăm cán bộ, chiến sĩ về hoạt động; vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, hàng trăm tấn lương thực, hàng hóa và nhiều công văn, tài liệu cách mạng.
Sau khi mô tả Hồng Phước lúc đó là vùng đất ban ngày là địch, ban đêm là ta, nằm sát nách thành phố mấy chục năm trường, cả một hệ thống dày đặc thám báo mật vụ, tình báo gián điệp mà hoạt động cách mạng không hề bị lộ, Tướng Tuấn trầm ngâm: “Đó là nhờ lòng dân.
Xét cho cùng nếu được lòng dân thì mới dẫn đến thành quả cách mạng. Có thể người dân Hồng Phước đã không làm nên những chiến công gì ghê gớm lắm trong thời gian đó, nhưng nếu không có họ thì không có bất cứ chiến công nào của chúng tôi. Chiến công của lực lượng biệt động, quân Giải phóng, nếu không có dân thì không có gì cả. Thành tích đó, chiến công đó trước hết thuộc về nhân dân”.
Thật vậy, tấm lòng của cán bộ, nhân dân Hồng Phước đã góp phần tạo nên những chiến công vang dội, làm tiền đề cho ngày 29-3-1975 lịch sử.
Những người con kiên trinh
Hồng Phước đã sản sinh những người con kiên trinh, một lòng một dạ với cách mạng. Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên Bí thư Chi bộ xã Hòa Khánh - chi bộ Đảng đầu tiên tại xã này, với bản tính khôn khéo, bình tĩnh, dũng cảm, đã cùng các giao liên đưa thư từ, vũ khí vào nội thành Đà Nẵng gần như an toàn tuyệt đối, suốt những năm 1973-1974 đến ngày 29-3-1975 chưa xảy ra một trường hợp nào bị địch phát hiện.
Gần nhà bà Liên là nhà bà Phạm Thị Dĩ, cả hai bà đêm đêm dùng ngọn đèn dầu treo trước nhà để ra ám hiệu cho cán bộ, bộ đội. Đèn sáng là an toàn, đèn tắt là nguy hiểm. Mỗi khi đèn sáng, cán bộ, bộ đội yên tâm về Hồng Phước tổ chức hội họp bàn chuyện làm cách mạng. Ngược lại, đèn tắt, không một ai lai vãng bởi có nguy cơ rơi vào mai phục, bố ráp của địch.
Bà Phạm Thị Miên có nhiều hầm bí mật nhất trong khuôn viên vườn nhà mình - 7 cái. Theo trí nhớ của các ông Phan Văn Tải, Bùi Đức Cửu và Lê Bá Lai, trong đó có một hầm 2 tầng ngụy trang rất độc đáo mà 3 ông này thường ở.
Bà Hà Thị Mau có hai người con là Lê Thị Bích và Lê Thị Thia nổi tiếng gan dạ, kiên trung, không chịu hé răng một lời để giữ bí mật cho cán bộ, đến nỗi cảnh sát chế độ cũ lúc bấy giờ gọi hai chị em là “Trưng Trắc, Trưng Nhị của Hồng Phước”.
Trung tá Hồ Phúc Ngôn (tên thật là Trần Văn Lượng), từ tháng 5-1947 đã thoát ly gia đình, quê hương tham gia chống Pháp. Trong thời chống Mỹ, ngay trên mảnh đất quê nhà, ông đã chỉ huy và tham gia hàng chục trận đánh vang dội khiến địch phải run sợ. Hơn nửa thế kỷ cầm súng, tháng 8-2014, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Ông Phan Văn Tải, nguyên Quận ủy viên, Quận đội phó quận Nhì và ông Bùi Đức Cửu ngày đó như cặp bài trùng, được anh em gọi đùa là “chuyên gia đào hầm”. Nhờ bà Lê Thị Tính, Bí thư quận Nhì bấy giờ, bày cách đào hầm bí mật vùng đất cát, hai ông đã chủ công đào hầm cho cơ sở bí mật, góp phần bảo vệ an toàn cho cán bộ ở B1...
Nhiều, rất nhiều người con của Hồng Phước đã dấn thân vào sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Trong suốt 15 năm chiến đấu chống Mỹ, căn cứ B1 - Hồng Phước có 23 người anh dũng hy sinh được công nhận liệt sĩ, 129 đối tượng chính sách các loại, hàng chục người bị địch bắt tù đày, tra tấn...
Chứng tích của “tấm lòng nhân dân”
Sau năm 1975, trong số cán bộ từng hoạt động tại B1 có người được tuyên dương Anh hùng LLVTND gồm: Nguyễn Thanh Dừa (Năm Dừa), Đặng Đình Vân, Lê Thị Tính và Hồ Phúc Ngôn. Riêng các gia đình cơ sở mật tại đây đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 4 danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 100 huân chương, huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ... Những con số “biết nói” này đã minh chứng chân lý “Lòng dân - vũ khí làm nên chiến thắng” một thời ở Hồng Phước.
Đà Nẵng đã có một K20 đi vào lịch sử chiến tranh giữ nước. Di tích căn cứ lõm B1 - Hồng Phước với nhiều lý do, nay mới được chính quyền địa phương đề xuất bảo tồn giữ lại giá trị lịch sử trong điều kiện di dời giải tỏa. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Quang Thanh, trong Công văn số 956 ngày 7-3-2016 của Sở đã xác nhận giá trị lịch sử của căn cứ lõm B1 - Hồng Phước để UBND thành phố phê duyệt hồ sơ thiết kế tái dựng lịch sử Khu B1 - Hồng Phước do UBND quận Liên Chiểu đề xuất.
Trong hồi ký Chuyện người con Hồng Phước, Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn đã dành những dòng tâm huyết để giãi bày lòng mình: “Bây giờ, tuy chiến tranh đã lùi xa nhiều thập niên nhưng trái tim tôi không thể quên được tấm lòng nhân dân đã giúp đỡ bản thân cũng như đơn vị đi đến trọn vẹn cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”.
Đài bia và Nhà truyền thống di tích lịch sử cách mạng Khu B1 - Hồng Phước là nơi lưu lại chứng tích “tấm lòng nhân dân” cho các thế hệ mai hậu...
Khu căn cứ cách mạng B1 - Hồng Phước được Ban Cán sự Đảng Khu Tây Đà Nẵng (năm 1964 gọi là Quận ủy quận Nhất, năm 1969 gọi là Quận ủy quận Nhì) chủ trương và trực tiếp chỉ đạo xây dựng từ cuối năm 1960, đầu năm 1961, trên cơ sở các gia đình cơ sở mật của ta tại Hồng Phước do Huyện ủy Hòa Vang xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được xây dựng lại sau năm 1954 và hoạt động đến ngày thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng (29-3-1975). Ngày 11-3-2016, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1302/QĐ-UBND về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đài bia và Nhà truyền thống di tích lịch sử cách mạng Khu B1 - Hồng Phước. Theo đó, toàn bộ công trình rộng 2.784m2 với tổng mức đầu tư (tối đa không quá) 4,294 tỷ đồng; trong đó khối nhà truyền thống (diện tích xây dựng 340m2) là nơi trưng bày các vật phẩm lưu niệm, nơi hội họp của Ban liên lạc B1, Ban liên lạc quận Nhì và nơi sinh hoạt cộng đồng cho khu dân cư; khối nhà bia tưởng niệm diện tích 22m2. |
VĂN THÀNH LÊ