Chính trị - Xã hội

Khởi công khu di tích lịch sử cách mạng B1–Hồng Phước: Chứng tích lòng dân

20:21, 26/03/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Sáng 26-3, lễ khởi công xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng B1-Hồng Phước diễn ra tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, trên diện tích 2.700 m2, với tổng kinh phí 4,2 tỷ đồng.

Lễ khởi công xây dựng Đài bia và Nhà truyền thống Di tích Lịch sử cách mạng B1 – Hồng Phước sáng 26-3.
Lễ khởi công xây dựng Đài bia và Nhà truyền thống di tích lịch sử cách mạng B1 – Hồng Phước sáng 26-3.

Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng nhà truyền thống làm nơi trưng bày các kỷ vật lưu niệm, nơi họp của Ban liên lạc B1, Ban liên lạc quận Nhì và nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư, đài bia tưởng niệm, tường rào cổng ngõ, vườn cây xanh, hệ thống thoát nước…

Đây là công trình nhằm tôn vinh chiến công của các thế hệ đi trước, giáo dục lịch sử, nhận thức và tư tưởng cho các thế hệ trẻ mai sau; đồng thời tạo nên một điểm nhấn cảnh quan kiến trúc đẹp và là nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân trong khu vực. Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng dịp Quốc khánh 2-9-2016.

Các chiến sĩ cách mạng từng được bà con Hồng Phước nuôi dấu năm xưa để hoạt động gặp nhau tại Lễ khởi công.
Các chiến sĩ cách mạng từng được bà con Hồng Phước nuôi giấu năm xưa gặp nhau tại lễ khởi công.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thôn Hồng Phước là vùng lõm với 64 hộ gia đình, được người dân đào 46 căn hầm bí mật nằm ngay trong nhà, ngoài vườn để nuôi giấu cán bộ, du kích.

Giữa bốn bề đồn bốt địch vây quanh, người dân Hồng Phước đã một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, hằng đêm những gia đình ở đây thắp ngọn đèn dầu nhằm mật báo, dẫn đường cho du kích về tổ chức những trận đánh vang dội ở nội thành.

Người dân cũng là những giao liên, trinh sát, xây dựng cơ sở bí mật trong nội thành, vận chuyển thư từ, vũ khí cho quân giải phóng. Nhờ tinh thần quả cảm, kiên trung của nhân dân mà những căn hầm nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ ở Hồng Phước không bị lộ.

Hồng Phước trở thành bàn đạp để quân ta tổ chức nhiều trận đánh lớn vào nội thành Đà Nẵng cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, người con của mảnh đất Hồng Phước chia sẻ cảm xúc trước thời khắc diễn ra lễ khởi công: “Việc xây dựng công trình có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử này không chỉ nhằm tôn vinh những chiến công của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tôn vinh truyền thống văn hóa, lịch sử vẻ vang của cán bộ, nhân dân Hồng Phước, mà còn góp phần quan trọng vào việc giáo dục, bồi dưỡng, phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, thanh thiếu niên hôm nay và các thế hệ mai sau”.

Tin và ảnh: Hoàng Nhung

.