Chính trị - Xã hội

Chuyện cuối tuần

Cà-phê và giới trẻ

08:23, 26/03/2016 (GMT+7)

Muốn tìm một giờ đồng hồ cho đứa con bậc tiểu học của mình được “ngồi không” xả hơi, coi bộ phụ huynh phải đắn đo khó xử, khi lịch hoạt động của bé luôn trong tình trạng kín mít - từ học ở trường cho đến học thêm, học bồi dưỡng năng khiếu; ngược lại, tìm một giờ - chỉ một giờ đồng hồ thôi - thành phố không có cảnh tràn lan các anh chị thanh niên, sinh viên “ngồi đồng” giết thời gian, lại phải nói là càng… quá khó!

Chuyện thanh niên, sinh viên suốt ngày ngồi cà-phê, rung đùi “chém gió” bị đem ra… “chém gió” khắp mọi nơi và cả được bàn luận trên những diễn đàn quan trọng. Người lo: Cứ ăn không ngồi rồi mãi như vậy dễ “vi bất thiện”; người trăn trở: Để tuổi xuân trôi qua với chuỗi ngày ngồi tào lao, không khéo tới lúc “đứng lên”, nhìn lại thân thể thấp bé nhẹ cân cũng đành hối tiếc vì hết thuốc chữa.

Thật ra, không ít người vào cà-phê để tìm môi trường mới học nhóm, trao đổi đề tài với thầy cô hay bàn bạc công việc. Tuy nhiên, bao trùm tất cả vẫn là thực trạng vào cà-phê vì… “rảnh quá, không biết làm chi hết!”

Cả 10 năm nay, câu hỏi làm sao giảm cảnh tượng thanh niên thành phố ngồi tràn ra đường chơi không, trông “nhức” con mắt vẫn cứ được xoay đi, trở lại. Đó là chuyện từ hồi cơn bão Xangsane tàn phá Đà Nẵng năm 2006, lãnh đạo đi kiểm tra thực tế, thấy thanh niên ngồi cà-phê giữa cảnh hoang tàn mà xót ruột. Mới đây, chuyện giới trẻ và cà-phê lại nóng diễn đàn “Đối thoại tháng ba” do Sở Nội vụ và Thành Đoàn tổ chức.

Chuyện đáng lẽ thanh niên phải lo; nhưng nhiều người xót quá phải xắn tay áo lên lo giùm. Đó là nâng cấp, đầu tư mới các sân chơi văn hóa-thể thao, là đường sách, hội sách, thư viện…; và để dung hòa, có người mở ra mô hình cà-phê sách với ý nghĩ không cần khuyến khích thanh niên giảm ngồi cà-phê, cứ mặc cho họ ngồi, vừa cà-phê vừa đọc sách cũng bổ ích ra phết!

Nếu ai đó trót nghĩ vậy, xin mời hãy vào thử các quán cà-phê sách. Đúng là sách ở đây nhiều hơn ở những quán… cà-phê không sách, nhưng có mấy bàn tay chạm vào chúng hoặc sẵn sàng “ngấu nghiến” chúng? Thử ngồi một ngày và đếm, chắc ta cũng sẽ như những quyển sách lặng im bám bụi kia đong đầy những nỗi đợi chờ.

Luật pháp chẳng có mụn chữ nào ghi ngồi cà-phê nhiều giờ trong một ngày là sai phạm. Ấy thì giải quyết cái việc này kiểu gì đây? Chẳng lẽ bất lực nhìn thanh niên mải miết “ngồi đồng”?

Trăn trở rồi ngồi nhớ vài kiểu quản lý thanh niên ở một số nơi và một ít lần bản thân được quản lý “tinh vi”, xin chia sẻ ra đây vài nét. Tham gia khóa học nọ, tưởng nộp tiền học thêm thì học kiểu gì kệ mình, ai dè, đầu tuần tôi bị thầy gọi lên đứng trước lớp tường trình lý do vì sao trong tuần qua chỉ tự học ở nhà có 1 giờ đồng hồ, trong khi bạn A, bạn B… lần lượt tự học 10 giờ, 8 giờ mỗi tuần.

Kể ra thì hơi đắng lòng, nhưng lại thấy cái kiểu “quản thúc” này… cũng được. Nhà trường chẳng cấm, chẳng ban bố nội quy học viên không được chơi nhiều, không được cà-phê cà pháo. Thầy lại càng chẳng bắt trò viết báo cáo thành thật kê khai làm bài ở nhà như thế nào.

Song, ngoài giờ lên lớp, mỗi học viên đã dành bao nhiêu giờ tự học, mỗi bài tập làm bao nhiêu lần, thậm chí mỗi đáp án điền tới, điền lui mấy lần đều được thầy và trường ghi nhận thông tin chi tiết tuyệt đối. Tất cả bài tập đều được đăng nhập từ hệ thống chủ của trường và thầy cô biết rõ học trò của mình có đang cặm cụi học bài hay không. Cái kiểu này thì có cho cũng chẳng ai còn thời gian để mà “giết”!

Mấy du học sinh Nhật lại chia sẻ một kinh nghiệm: Sang bên đó nếu không muốn sớm bị trục xuất thì chớ có làm thêm quá đà hòng kiếm tiền, đừng nói ngồi không cà-phê trà đá. Từ cuối 2015, đầu năm 2016, Chính phủ Nhật cấp cho mỗi công dân và mỗi người nước ngoài cư trú trên đất nước họ 1 thẻ “My number” (Mã số cá nhân) có gắn chíp để ghi nhận toàn bộ thông tin của chủ thẻ.

Nếu bạn là sinh viên, đừng có mơ làm thêm quá số giờ quy định vì cái con chíp này sẽ “tố cáo” với cơ quan sở tại biết bạn đã “vượt khung” cho phép và cũng không có chủ doanh nghiệp nào dám sử dụng thêm giờ của bạn vì chẳng ai muốn bị phạt nặng. Làm bao nhiêu giờ, học bao nhiêu giờ trong tuần, trong tháng được lên khung, lên chuẩn hết rồi, chẳng trách không cấm mà trong giờ học, giờ làm, quán xá cứ vắng như “chùa bà đanh”.

Ở một số quốc gia khác, không dùng thẻ “My number” nhưng vẫn có nhiều cách quản lý thời gian của thanh niên, khiến du học sinh Việt Nam phải nằm lòng “quy tắc”: Đừng hòng tưởng chơi mấy thì chơi, học mấy cũng được, làm chi kệ mình. Không qua mắt hệ thống quản lý được đâu!

Nghĩ lại cái chuyện cà-phê cà pháo, hình như vấn đề không phải ở chỗ cấm cản hay “giảm tải” quán xá, mà có lẽ ở cách quản lý thời gian của mỗi người và của chính quyền đối với công dân, trong đó có thanh niên của mình.

Hướng Dương

.