Chính trị - Xã hội
Vang mãi bản hùng ca bất diệt
Bài 1: “Thọc thẳng, địch tan rã Đà Nẵng rồi”
Đồng chí Võ Chí Công (đeo kính) đang chỉ đạo cuộc tiến giải phóng Đà Nẵng, ngày 29-3-1975 |
Lệnh tử thủ của Tổng thống Thiệu
Từ sau trận chiến thắng chiến lược Thượng Đức (7-8-1974), bằng sự quan sát thực tế chiến trường và các nguồn tin tình báo tổng hợp, nhất là tin tức từ bên trong đô thị Đà Nẵng đưa ra, Khu ủy 5 nhận thấy cơ hội giải phóng miền Nam đã đến gần.
Theo đó, cuối năm 1974, Bộ Chính trị họp mở rộng lần hai để bàn về cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Tại cuộc họp, vấn đề bàn luận sôi nổi nhất là: “Nếu tổng tiến công thì chọn địa bàn nào, chiến trường nào để mở màn? Đồng chí Năm Công (Võ Chí Công) và Hai Mạnh (Chu Huy Mân) kiên trì đề nghị Bộ Chính trị đột phá vào nam Tây Nguyên, mục tiêu cụ thể là Buôn Ma Thuột”(1).
Cần lưu ý rằng, về phía địch, từ sau sự kiện Thượng Đức, mặc dù thiếu sự hỗ trợ đắc lực của đồng minh Hoa Kỳ, song quân lực của chính quyền Sài Gòn tại miền Trung-Tây Nguyên không hề yếu, nhất là tại căn cứ hải - lục - không quân khổng lồ Đà Nẵng. Theo đánh giá của họ, “ta chưa đủ sức đánh vào các thành phố và thị xã lớn, nếu có đánh cũng không giữ được. Chúng dự đoán ta sẽ tấn công giải phóng từng khu vực, giành thắng lợi từng bước, tạo thế mạnh thi hành Hiệp định Paris”(2).
Đúng như kế hoạch của ta, khi mất Buôn Ma Thuột, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trấn an dư luận rằng: “Riêng tại Cao Nguyên, nơi mà chúng ta phải chiến đấu trong thế 1 chống lại 4, Quân lực Việt Nam Cộng hòa buộc phải tái phối trí để bảo toàn lực lượng và tạo điều kiện chiến đấu tự vệ hữu hiệu hơn trong giai đoạn này.
Vì vậy, Quân lực ta sẽ không cố thủ tại thị xã Kon Tum và Pleiku. Còn tại các mặt trận khác, từ Trị Thiên qua vùng duyên hải Quân khu 2, đến Quân khu 3 và Quân khu 4, chúng ta nhất quyết bảo vệ lãnh thổ đến cùng”(3).
Trong khi đó, ta nhận định đối với một căn cứ liên hợp lớn nhất miền Trung và có vị trí chiến lược như Đà Nẵng thì địch “có thể bỏ Sài Gòn và toàn bộ miền Nam chứ không bỏ Đà Nẵng; chúng sẽ giữ Đà Nẵng như một Gu-an-ta-ma-nô ở Cu Ba để quấy rối ta lâu dài”(4).
Trước tình hình căn cứ Đà Nẵng bị ta uy hiếp nghiêm trọng, Nguyễn Văn Thiệu đã có nhiều bài nói chuyện và công điện kêu gọi phải “tử thủ”, chiến đấu tới cùng để bảo vệ Đà Nẵng. “Tất cả các tỉnh, những phần đất hiện còn đến ngày hôm nay 25-3-1975 phải được tử thủ bảo vệ đến cùng.
Tại mọi nơi phải nỗ lực tiêu diệt tối đa địch, chận đứng đà tiến quân của địch, củng cố phòng thủ, vận dụng mọi sáng kiến và phương tiện để phản công”(5). Ngày 26-3, Nguyễn Văn Thiệu liên tiếp ra Nhật lệnh và Công điện kêu gọi binh sĩ các đơn vị phải giữ vững tinh thần chiến đấu trong giờ phút khó khăn này: “Chiến trận đã đến hồi quyết định.
Anh em đang đánh một trận đánh quyết định của lịch sử. Sau lưng các anh em có niềm tin yêu của toàn dân, có sự hỗ trợ tối đa của hậu phương lớn mạnh”(6). Đồng thời, “Tại Quân khu 1, Cộng sản cũng đã tấn công chiếm thêm của chúng ta 2 tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi.
Cũng trong lúc đó, Cộng sản uy hiếp nặng nề thị xã Huế và tấn công mạnh vùng phía nam Thừa Thiên, cắt đứt quốc lộ 1A, cô lập Huế-Đà Nẵng. Để tránh các đại đơn vị của ta khỏi bị bao vây và bị tiêu diệt lần hồi bởi một quân số địch đông gấp bội trong lúc chúng ta không có phương tiện hỗ trợ đầy đủ tại một chiến trường không thuận lợi cho ta và trong bối cảnh khó khăn của toàn vùng, cho nên vị Tư lệnh chiến trường buộc lòng phải về tử thủ Đà Nẵng và Quảng Nam”(7). Và, đến chiều ngày 26-3, Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Vùng I chiến thuật theo lệnh của Nguyễn Văn Thiệu vẫn tuyên bố “tử thủ” Đà Nẵng đến cùng.
“Nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi!”
Về phía ta, đêm 18-3, Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công đánh cho Bộ Chính trị một bức mật điện: “Có hiện tượng địch rút Huế, lực lượng tổng dự bị cũng rút, đề nghị Bộ Chính trị điều quân tấn công giải phóng Đà Nẵng. Còn phía trong (các tỉnh đồng bằng), chúng tôi sẽ làm theo điện vừa báo cáo các anh”(8).
Khoảng 2 giờ sáng ngày 19-3, đồng chí Lê Duẩn, thay mặt Bộ Chính trị cho biết: “Nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi”(9). Ngày 20-3, đồng chí Võ Chí Công điện cho Bộ Chính trị: “Đề nghị bao vây tấn công Đà Nẵng bằng lực lượng tại chỗ và Trung ương tăng cường cho 1F (lữ đoàn - TG), Đà Nẵng là thành phố quan trọng thứ hai ở miền Nam, căn cứ liên hiệp quân sự hiện đại và mạnh vào bậc nhất”(10).
Để gấp rút triển khai kế hoạch tiến công giải phóng Đà Nẵng, ngày 21-3, Khu ủy 5 triệu tập phiên họp khẩn cấp. Bí thư Khu ủy Võ Chí Công chỉ đạo phải: “Thọc thẳng, địch tan rã Đà Nẵng rồi”(11), yêu cầu Đặc khu Quảng Đà (nơi có trọng điểm là thành phố Đà Nẵng) phải tự giải phóng với ba biện pháp: “[1] Quân dân Quảng Đà giải phóng không có lực lượng bên ngoài; [2] Có lực lượng của Quân khu tham gia; [3] Nếu có thời gian thì quân chủ lực sẽ tham gia. Trong đó phải ưu tiên biện pháp thứ nhất. Bởi sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, địch ở Tam Kỳ, Thừa Thiên-Huế đang dao động mạnh thì nhất định mình giải phóng được Đà Nẵng, dự kiến trong thời gian 15 ngày hay mười mấy ngày gì đó, Khu 5 sẽ được giải phóng hoàn toàn”(12).
Cũng cần thấy rằng, phản ánh tình hình khủng hoảng tại Đà Nẵng lúc bấy giờ, hãng tin UPI đưa tin: “Một bức tranh về tình hình quân sự đang xấu đi ghê gớm ở miền Nam Việt Nam. Tại thành phố Đà Nẵng, chỉ được một Sư đoàn 1 và một Tiểu đoàn quân biệt động bảo vệ... Không còn có dấu hiệu nào cho thấy có bao nhiêu tỉnh mà quân chính phủ dự định bỏ (sau khi thất thủ Tây Nguyên) và bao nhiêu tỉnh đang mất, vì ở đâu cũng bị không khí hoảng sợ bao trùm...”.
Hãng tin AFP dẫn lời của viên tướng Mỹ - Robert Thomson (cựu cố vấn về chiến tranh Việt Nam cho Nhà Trắng): “Tôi tin chắc rằng, toàn bộ Nam Việt Nam sẽ sụp đổ và sự rút lui của Mỹ ở Đông Dương là sự rút lui lớn nhất mà thế giới được chứng kiến, kể từ khi Napoléon rút khỏi Mátxcơva”. Ngày 27-3-1975, ký giả Daul Vogle của UPI trong một bản tin về Đà Nẵng nói rằng: “Tại thành phố này chẳng còn tìm đâu ra thấy nụ cười”(13).
Từ tình thế trên, cho thấy nhận định “Thọc thẳng” của đồng chí Võ Chí Công trong hoàn cảnh Đà Nẵng vẫn còn hàng vạn quân ngụy, với lực lượng khí cụ chiến tranh hiện đại và hùng hậu chỉ đứng sau Sài Gòn và chúng đang ráo riết “tử thủ”, mới thấy ý kiến của ông là táo bạo.
VÕ HÀ
(1) Dẫn theo hồi ký của đồng chí Hoàng Minh Thắng.
(2) Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng: “Báo cáo về Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Quảng Nam-Đà Nẵng mùa xuân năm 1975”, Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.
(3) Bài nói chuyện của Nguyễn Văn Thiệu ngày 20-3-1975, Phông tư liệu ĐII-CH, Hồ sơ 1321, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.
(4) Đặng Minh Phương: “Ấn tượng sâu sắc qua những bước ngoặc”, trong: Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Nam, tr.461.
(5) Công điện kêu gọi “tử thủ” của Nguyễn Văn Thiệu ngày 24, 25-3-1975, Phông ĐII-CH, Hồ sơ 572, Trung tâm Lưu trữ quốc gia, thành phố Hồ Chí Minh.
(6) Nhật lệnh của Nguyễn Văn Thiệu ngày 26-3-1975, Phông ĐII-CH, Hồ sơ 572, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.
(7) Diễn văn của Nguyễn Văn Thiệu ngày 26-3-1975, Phông PTTg, Hồ sơ 18618, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.
(8) Mật điện của Võ Chí Công gửi Bộ Chính trị ngày 18-3-1975, Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.
(9) Nhiều tác giả: “Lê Duẩn một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam”, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2002, tr.50.
(10) Mật điện của Võ Chí Công gửi Bộ Chính trị ngày 20-3-1975, Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.
(11) Trương Công Huấn: “Anh Võ Chí Công với phong trào cách mạng ở Quảng Nam và Khu 5”, trong: Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng, tr.370.
(12) Phan Hoan: “Cảm nhận về đồng chí Võ Chí Công trong mỗi hoàn cảnh lịch sử”, trong: Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng”, tr.376.
(13) “Quang cảnh thị xã Đà Nẵng tràn ngập đông đảo tệ nạn”, Báo Chính Luận, ngày 28-3-1975.