Chính trị - Xã hội

Năm 2015 có mức tăng trưởng GDP cao nhất kể từ thời điểm 2008

18:45, 21/03/2016 (GMT+7)

Sáng 21-3, tiếp tục phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm

Theo Báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm, trong đó năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%, đều vượt mục tiêu đề ra.

Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt hơn với chính sách tài khóa. Đã cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 11,75 năm 2010 xuống còn 0,6% vào năm 2015. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng khoảng 50% so với cuối năm 2011, dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế yếu kém trong thực hiện Kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm qua như​ việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững.

Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP.

Tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%, từ các mức tương ứng của năm 2011 là 50%, 39,3% và 37,9% .

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,9%/năm, thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt mục tiêu đề ra (6,5-7%). Khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực còn lớn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp QH. Ảnh: Vietnamnet

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới đạt 6,5-7%/năm

Trên cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, dự báo tình hình, Chính phủ đề xuất trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 với các chỉ tiêu như​ tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD; bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4%.

Các nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn tới vẫn bám sát đột phá lớn đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 là​ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Tập trung nghiên cứu, xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản nước ta có hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.

Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại.

Đánh giá kết quả 5 năm trên cơ sở Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất Chính phủ sớm xây dựng chương trình, các đề án cụ thể hóa những vấn đề mới về kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và tận dụng thời cơ, thuận lợi khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như gia nhập Cộng đồng kinh tế các nước Đông Nam Á, ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương...

Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình

Chính phủ đánh giá trong 5 năm qua có nhiều điểm phức tạp trong tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực tác động bất lợi đến nước ta. 

Trong đó, sự căng thẳng trên Biển Đông đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, VN phải dành nhiều nguồn lực để bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền đất nước.

5 năm qua, sự kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại đã đạt được kết quả tích cực trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh chính trị, ổn định xã hội của đất nước; vận động và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với lợi ích chính đáng của nước ta trong vấn đề Biển Đông, nhưng tiềm lực quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng được yêu cầu, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn.

Trong 5 năm tới, Chính phủ xác định phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.

Cùng với đó là tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước.

"Tăng cường nắm tình hình, dự báo an ninh chiến lược không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Xây dựng đường lối quân sự của Đảng, chiến lược quốc phòng, an ninh trong tình hình mới", Phó Thủ tướng nói.

"Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để duy trì môi trường hòa bình, củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, khẩn trương hoàn thành phân định biên giới. Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ phù hợp với điều kiện của VN".

Chính phủ cũng xác định tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Các thể chế đối ngoại đa phương cần chú trọng là ASEAN, LHQ, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực.

BT

.