Chính trị - Xã hội
Quan tâm cán bộ Đoàn để giữ nhiệt huyết thanh niên
“Có những đồng chí mặc dù đã giữ những vị trí chủ chốt ở tổ chức Đoàn nhưng chỉ nghĩ sau này sẽ giữ vị trí lãnh đạo nào, ở cơ quan, đơn vị nào, chứ không nghĩ mình được giao nhiệm vụ thế này thì đã hoạt động hiệu quả chưa, có làm hết trách nhiệm chưa. Điều này là có, chứ không phải không và không phải chúng tôi không phát hiện được. Ở vị trí nào cũng phải làm tốt việc của mình”.
Đoàn viên, thanh niên quận Thanh Khê tham gia trại huấn luyện kỹ năng thanh niên do Quận Đoàn Thanh Khê tổ chức vào cuối tháng 2-2016. |
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Trần Đình Hồng nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp bàn về công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đoàn các cấp vào năm 2017 giữa Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ với Ban Thường vụ Thành Đoàn vào chiều 10-3.
“Đỏ mắt” tìm cán bộ Đoàn
Anh Nguyễn Bá Cảnh, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, đội ngũ cán bộ Đoàn từ cấp thành phố đến cấp xã, phường hiện nay đang rơi vào tình trạng thiếu hụt. “Bí thư Đoàn khu dân cư nhiều khi đỏ mắt mới tìm ra, huống chi đối với đội ngũ cán bộ Đoàn xã, phường”, anh Cảnh nói.
Đội ngũ cán bộ Đoàn chuyên trách từ cấp phường đến cấp thành phố hiện có tổng cộng 208 người. Ở cấp thành phố, ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Đoàn tính đến thời điểm này là 48 người, khuyết 15 người. Về độ tuổi, hiện nay, đội ngũ Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành Đoàn có 8 người đã quá tuổi Đoàn. Trong đó, có 3 người công tác tại cơ quan chuyên trách Thành Đoàn, 4 người công tác tại các cơ sở Đoàn và các đơn vị khác theo cơ cấu đề án nhân sự nhiệm kỳ 2012-2017.
Tổng số cán bộ Đoàn chuyên trách tại các quận, huyện Đoàn hiện nay là 39 người. Qua quá trình tổng hợp, tính đến thời điểm hiện tại có 1 trường hợp quá tuổi Đoàn và 5 trường hợp quá tuổi tái cử nhiệm kỳ 2017-2022.
Ở cấp phường, xã hiện có tổng số 112 cán bộ Đoàn. Trong đó, cán bộ chuyên trách Bí thư Đoàn xã, phường là 56 người. Có 3 trường hợp cán bộ Đoàn phường, xã quá tuổi Đoàn hoặc 11 trường hợp quá tuổi tái cử nhiệm kỳ 2017-2022 nhưng chưa được luân chuyển công tác.
“Đầu vào” vững chắc, “đầu ra” an toàn
Vấn đề “đầu vào”, “đầu ra” cho Bí thư Đoàn cấp phường, xã được các đại biểu đặc biệt quan tâm với những góp ý sôi nổi, thiết thực. Trong đó, những vấn đề mà bài viết “Nghỉ hưu ở tuổi 35” phản ánh, đăng trên Báo Đà Nẵng số ra ngày 18-2-2016 được nhiều đại biểu đề cập.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng thừa nhận: “Riêng vấn đề “đầu ra” cho cán bộ Đoàn, có nơi rất quan tâm, có nơi còn lơ là…”.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thương cũng đồng tình: “Đầu vào” vững chắc thì “đầu ra” mới an toàn. Tuy nhiên, nhiều anh học đại học chính quy lại không hăng hái với Đoàn, mấy anh học không chính quy thì lại lăn lộn tốt với phong trào. Nhân đây, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đúng mức, trong quá trình lựa chọn, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ phải có cán bộ Đoàn. Vừa qua, đôi lúc chúng ta còn nặng về cơ cấu, nặng về bằng cấp, “thả” chỗ ni, “bốc” chỗ kia làm mất đi nhiệt huyết của thanh niên”.
Theo quy định, Bí thư Đoàn phường, xã khi hết thời gian công tác (35 tuổi) sẽ được xem xét luân chuyển qua 21 chức danh cán bộ xã, phường chuyên trách với điều kiện phải có bằng đại học chính quy tương xứng với vị trí đó.
Tuy nhiên, thực tế, từng có rất nhiều cán bộ Đoàn có bằng đại học chính quy nhưng không nhiệt huyết với phong trào, thiếu kỹ năng, xây dựng kế hoạch hoạt động nằm trong “vùng an toàn”, năm trước thế nào thì năm sau như vậy để giữ vững thành tích.
Bí thư Quận Đoàn Hải Châu Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu: “Theo tôi tìm hiểu, hầu hết 56 phường, xã đều bỏ ngỏ “đầu ra” cho cán bộ Đoàn cho nên khi tính toán đầu ra hơi khó. Theo tôi, nên có quy hoạch với Bí thư và Phó Bí thư Đoàn phường, xã để họ có động lực phấn đấu”.
Để có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý cho cán bộ Đoàn phường, xã, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng yêu cầu Bí thư quận, huyện Đoàn phải chủ động đăng ký làm việc với cấp ủy để lo cho các Bí thư, Phó Bí thư Đoàn.
Ông Trần Đình Hồng nhấn mạnh: “Đánh giá năng lực phải qua thực tiễn công việc chứ đừng dựa vào bằng cấp. Có vận dụng các quy định nhưng vận dụng có mức độ thôi”. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cũng hứa rằng, sắp tới sẽ mở lớp trung cấp lý luận chính trị riêng cho cán bộ Đoàn.
Hoạt động Đoàn đừng hành chính quá
Đề cập các hoạt động của Đoàn thanh niên, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng đặt câu hỏi cho lãnh đạo Thành Đoàn: “Các hoạt động Đoàn đã hấp dẫn thanh niên? Ra quân Tháng thanh niên quay phim, chụp ảnh, trồng cây rầm rộ vậy nhưng đã thực chất chưa?”. Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Bá Cảnh thừa nhận: “Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho thanh niên không phải là chuyện một sớm một chiều có thể tốt lên được và chúng tôi thừa nhận làm chưa hết trách nhiệm”.
So với các tỉnh, thành phố khác, phong trào Đoàn của Đà Nẵng không phải là yếu kém. Thực chất, có nhiều hoạt động Đoàn xây dựng được “thương hiệu” riêng như phong trào hiến máu nhân đạo. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là hầu hết cán bộ Đoàn đều chưa qua đào tạo. “Chúng ta chưa có kế hoạch đào tạo công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên một cách bài bản, tự Thành Đoàn phải đặt ra kế hoạch đào tạo cho đội ngũ cán bộ của mình”, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Ngô Xuân Thắng đánh giá.
Theo ông Ngô Xuân Thắng, kỹ năng công tác thanh niên không chỉ là hát, múa mà còn đòi hỏi kỹ năng nói, kỹ năng soạn thảo văn bản, xây dựng kế hoạch, kỹ năng thuyết phục lãnh đạo, cũng như là sự gần gũi, cùng nhịp thở với thanh niên. “Chúng ta mới chỉ là cán bộ Đoàn chứ chưa là thủ lĩnh thanh niên. Tôi có cảm giác cán bộ Đoàn hiện nay ngồi máy tính hơi nhiều, chịu khó xuống cơ sở đi”, ông Thắng nói.
Tại cuộc họp, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng đề nghị Thành Đoàn Đà Nẵng cần tích cực đổi mới phong trào, “đừng hành chính quá” để theo kịp thời cuộc cũng như tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Đồng thời, mạnh dạn giao việc cho thanh niên, tạo điều kiện cho anh em phát huy hết năng lực, sở trường của mình.
"Đánh giá năng lực phải qua thực tiễn công việc chứ đừng dựa vào bằng cấp" Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng |
Bài và ảnh: BÌNH AN