Chính trị - Xã hội

Trường Sa xanh giữa đất trời

08:04, 10/03/2016 (GMT+7)

Bài cuối: Điểm tựa vững chắc giữa trùng khơi

Hành trình đến với quần đảo Trường Sa, chúng tôi đi thăm nhiều điểm đảo, có những đảo được ở lại nhưng cũng có nơi chỉ ghé qua trong chốc lát hoặc đứng nhìn từ tàu HQ 561. Qua tiếp xúc với những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, cùng những cảm nhận của riêng mình, ấn tượng trong tôi chính là sức sống mãnh liệt, là sự thay da, đổi thịt từng ngày của huyện đảo Trường Sa.

Quần đảo Trường Sa là chỗ dựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. TRONG ẢNH: Một góc đảo Trường Sa Đông.
Quần đảo Trường Sa là chỗ dựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. TRONG ẢNH: Một góc đảo Trường Sa Đông.

Nâng cao đời sống cho quân và dân trên đảo

Thượng tá Phạm Văn Hòa, nguyên Đảo trưởng đảo Trường Sa, chia sẻ: Ngày trước, trong điều kiện khó khăn, lính đảo thiếu thốn mọi thứ. Nhưng giờ đây, “Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì cả nước”, cuộc sống ở huyện đảo Trường Sa đã thay da, đổi thịt từng ngày”.

Những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh như sân bay, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, bệnh viện, trường học... được xây dựng kiên cố.

Bên cạnh đó, các công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà truyền thống, nhà khách, chùa chiền... trở thành nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, giáo dục truyền thống cho quân và dân thị trấn Trường Sa. Hiện 100% hộ dân và các đơn vị bộ đội đã được trang bị tivi, hệ thống thu tín hiệu vệ tinh, hệ thống âm thanh kỹ thuật số hiện đại, đáp ứng nhu cầu giải trí của quân và dân nơi đây.

Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân và dân trên quần đảo Trường Sa luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân Việt Nam và người bị nạn trên vùng biển quản lý, tô thắm hình ảnh Bộ đội cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân trong lòng nhân dân.

Những năm gần đây, trước diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn khó lường trên các vùng biển đảo, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, ý chí kiên cường của lính đảo Trường Sa ngày càng cao.

Trung tá Đỗ Thế Tuyển, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, cho biết: Quân và dân thị trấn Trường Sa tiếp tục phát huy thành tích đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá của Quân đội, Quân chủng, Vùng 4 và Lữ đoàn; tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, tiếp tục giúp đỡ ngư dân, cứu hộ cứu nạn, đề ra những nội dung, việc làm thiết thực, cụ thể cho từng cá nhân, tập thể.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng đảo Trường Sa thật sự mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân, xứng đáng là trung tâm của huyện đảo Trường Sa.

“Phao cứu sinh” giữa muôn trùng sóng gió

Trên hành trình đến với Trường Sa, chúng tôi đến thăm Trung tâm dịch vụ hậu cần (DVHC) nghề cá ở đảo Đá Tây. Ông Chu Minh Sơn, Trưởng ban quản lý Trung tâm vui mừng cho biết: Trong những năm qua, công tác DVHC nghề cá tại đảo Đá Tây từng bước hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa.

Lúc đoàn chúng tôi đến thăm Trung tâm DVHC, tàu PY- 91025TS cũng đã vào âu thuyền để trao đổi hàng hóa. Ông Nguyễn Tấn Đạt, thuyền viên trên tàu cho biết: Từ ngày có Trung tâm DVHC nghề cá ở đảo Đá Tây, mỗi chuyến vươn khơi, chúng tôi tiết kiệm từ 50-70 triệu đồng.

Trước đây, khi đầy cá, tàu phải chạy từ 5-7 ngày vào đất liền bán cá và mua dầu, lương thực để tiếp tục vươn khơi. Nhưng khi có Trung tâm DVHC nghề cá, chúng tôi đến bán tại trung tâm và mua lương thực cũng như được cung cấp nước ngọt miễn phí. Nhờ vậy vừa tiết kiệm thời gian, vừa bớt chi phí xăng dầu, không bỏ lỡ những mùa cá.

Đại úy Lâm Thế Phong, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A chia sẻ: Cùng với lực lượng hải quân, cán bộ, nhân viên Trung tâm DVHC nghề cá đã có nhiều nỗ lực giúp ngư dân yên tâm bám biển. Vào mùa đánh bắt, đảo Đá Tây như thành phố về đêm, tàu thuyền mua bán, trao đổi hàng hóa ngay trên biển, cờ Tổ quốc rợp trời tung bay trên lòng hồ.

Hoạt động của Trung tâm thực sự là phao cứu sinh, là điểm tựa đáng tin cậy cho ngư dân giữa muôn trùng sóng gió. Trung tâm đang góp phần cùng với Hải quân Việt Nam hỗ trợ đắc lực để tàu thuyền ngư dân vươn khơi, khẳng định chủ quyền trên vùng Biển Đông của Tổ quốc.

Khi tàu HQ 561 hoàn thành nhiệm vụ quay trở về đất liền, ngoái đầu nhìn những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên bầu trời trong xanh và lộng gió giữa biển khơi, chúng tôi càng tự hào hơn về đất nước, con người Việt Nam đã không ngại gian khó để đấu tranh và gìn giữ độc lập, chủ quyền Tổ quốc. Cũng chính hành trình này đã cho chúng tôi cảm nhận rõ hơn về biển đảo bao la của Tổ quốc, thấu hiểu hơn về giá trị chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Trung tâm DVHC nghề cá ở đảo Đá Tây ra đời năm 2005, hiện nay có 8 tàu làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo và luân phiên trực canh trong lòng hồ đảo Đá Tây, sẵn sàng nhận lệnh tuần tra, cứu hộ hàng hải, đồng thời làm nhiệm vụ thu mua hải sản, bán hàng lưu động trên biển; dẫn luồng vào lòng hồ, cứu hộ cứu nạn khi tàu ngư dân gặp nạn.

Năm 2015, Trung tâm đã dẫn luồng gần 890 lượt tàu vào lòng hồ đảo trú ẩn khi mưa bão; trong đó có 427 lượt tàu vào đảo cung ứng hàng hóa, nhiên liệu; cung cấp hơn 1.500m3 nước ngọt miễn phí và hơn 200 nghìn lít dầu bằng giá bán tại đất liền cùng thời điểm.

Ngoài ra, Trung tâm cũng cung ứng trên 23 tấn lương thực, thực phẩm, sửa chữa thành công 18 tàu hỏng máy và cứu hộ hàng hải thành công 2 tàu hỏng máy trôi dạt trên biển, đưa 6 chuyến tàu để vận chuyển bệnh nhân đến Trường Sa và Trường Sa Đông cấp cứu.

Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ

.