Chính trị - Xã hội
Bảo đảm thực sự là ngày hội về quyền làm chủ của nhân dân
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước (ngày 22-5), trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và tổ chức bộ máy Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đối với thành phố Đà Nẵng, ngoài những thuận lợi và khó khăn chung của cả nước thì cuộc bầu cử lần này thành phố có những đặc điểm riêng, vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương của thành phố phải nỗ lực phấn đấu để bảo đảm cho công tác chuẩn bị bầu cử được thành công, đó là:
Là một trong 10 địa phương (cấp tỉnh) được Trung ương chọn làm thí điểm xây dựng chính quyền đô thị, vì thế đã 7 năm nay (từ năm 2009) thành phố không có HĐND cấp quận, huyện và phường. Nay tái lập lại theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì phải làm lại từ đầu cả về biên chế bộ máy, trụ sở làm việc, kinh phí… Ngay trong công tác chuẩn bị cơ cấu nhân sự để Mặt trận mỗi cấp hiệp thương giới thiệu ứng cử viên thì Thường trực HĐND thành phố phải chuẩn bị cho cả quận, huyện và phường.
Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước có mô hình tổ dân phố nhỏ (từ 25-40 hộ - theo tinh thần Chỉ thị số 21/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy), trong khi đó quy định chung của cả nước phải có ít nhất 80 hộ trở lên.
Điều này ban đầu nhìn nhận thì có vẻ thuận lợi trong việc huy động nhân dân đi dự họp, nhưng trên thực tế, các cuộc sinh hoạt định kỳ của tổ dân phố thường mời đại diện hộ gia đình tham dự (tổ khá nhất dự họp từ 70-80% số hộ tức khoảng 20 người); nay yêu cầu phải có quá nửa cử tri tham dự đối với tổ dân phố có dưới 100 cử tri và phải có 55 cử tri đối với tổ dân phố có trên 100 cử tri thì mới đủ điều kiện để họp lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri đối với ứng cử viên cho nên rất nhiều khó khăn cho công tác huy động cử tri trên địa bàn tổ dân phố đến dự họp. Thực tế này buộc bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận và tổ trưởng dân phố khá vất vả cho việc huy động cử tri dự họp.
Vượt qua 2 đặc điểm cũng là những khó khăn riêng trên, cho đến nay dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, các Ủy ban Bầu cử và ban, tổ bầu cử từ thành phố đến cơ sở đã phối hợp với các ngành, nhất là với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã thực hiện chu đáo các bước chuẩn bị theo đúng với luật định, cụ thể: Đã thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử chung của thành phố và thành lập Ủy ban Bầu cử Quốc hội và HĐND từ thành phố đến cơ sở.
Theo đó, cấp thành phố đã thành lập Ủy ban Bầu cử chung, 2 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và 15 Ban bầu cử đại biểu HĐND thành phố; 84 Ban bầu cử HĐND cấp quận, huyện và 493 Ban bầu cử HĐND cấp phường, xã. Các Ban bầu cử đã tiến hành họp phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, UBND các quận, huyện đã ban hành quyết định phê chuẩn 538 khu vực bỏ phiếu tương ứng với 538 tổ bầu cử.
Ủy ban Mặt trận thành phố, quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố đã tổ chức thành công 2 lần hội nghị hiệp thương và đã thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị giới thiệu người ứng cử và kêu gọi công dân có đủ điều kiện tham gia tự ứng cử. Quá trình tổ chức hội nghị hiệp thương và quy trình giới thiệu ứng cử viên được các cấp Mặt trận thực hiện nghiêm túc, đúng luật; qua đó đã giới thiệu được:
Ứng cử viên đại biểu Quốc hội: có 13 ứng cử viên trong đó có 3 người tự ứng cử (chưa kể 2 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về); có 7 nữ chiếm tỷ lệ 54%; 2 người ngoài Đảng (15,4%) và 5 trẻ (38,5%) .
Ứng cử viên HĐND thành phố: có 98 ứng cử viên, trong đó có 33 nữ (gần 35%); 15 ngoài Đảng (15,3%) và 14 trẻ (14,2%). Có 5 người tự ứng cử đại biểu HĐND thành phố.
Hầu hết ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố đều có trình độ đại học, trong đó có hơn 50% trên đại học.
Ứng cử viên HĐND quận, huyện: có 449 ứng cử viên, trong đó có 183 nữ (40,76%); 45 người ngoài Đảng (10,02%) và 92 trẻ (20,49%). Ứng cử viên có trình độ đại học và trên đại học của cấp quận, huyện chiếm 89,5%.
Ứng cử viên HĐND phường, xã: có 2.781 ứng cử viên (1 người tự ứng cử), trong đó có 1.105 nữ (39,73%); 612 người ngoài Đảng (22,01%) và 707 trẻ (25,42%). Ứng cử viên HĐND cấp phường, xã tỷ lệ có trình độ đại học và trên đại học là 49,37%.
Để có được những kết quả ban đầu trên, cả hệ thống Mặt trận trong toàn thành phố đã vào cuộc một cách chủ động, tích cực, hiệu quả, đúng luật với tinh thần trách nhiệm rất cao, nhất là các đồng chí cán bộ Mặt trận ở cơ sở. Trong đợt lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với ứng cử viên vừa qua, nhiều phường có trên 100 ứng cử viên Quốc hội và HĐND các cấp, vì thế các Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường gần như lăn lộn cả ngày đêm mới bảo đảm yêu cầu về số lượng cử tri tham dự, về chất lượng các cuộc họp, nhất là sức ép về thời gian.
Chặng đường tiếp theo của công tác chuẩn bị bầu cử đòi hỏi Ủy ban Mặt trận các cấp cần tập trung thực hiện là tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba xem xét lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn để thống nhất danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trên địa bàn thành phố; sau đó tổ chức cho các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, vận động bầu cử một cách công khai, dân chủ và công bằng nhất.
Đi đối với công tác tuyên truyền vận động bầu cử, giới thiệu ứng cử viên, Mặt trận các cấp cần thực hiện tốt công tác giám sát để cuộc bầu cử được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời vận động cử tri tham gia bầu cử đông đủ, đúng quy định để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thực sự là ngày hội về quyền làm chủ của nhân dân thành phố.
Nguyễn Đăng Hải
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố,
Ủy viên Ủy ban Bầu cử thành phố