Chính trị - Xã hội

Thực hiện đề án giảm nghèo

Không gục ngã trước số phận

08:49, 15/04/2016 (GMT+7)

Từ những phương tiện sinh kế do Thành Đoàn Đà Nẵng hỗ trợ, hàng trăm hộ nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thành Đoàn Đà Nẵng trao phương tiện sinh kế cho các hộ nghèo trên địa bàn quận Hải Châu vào tháng 6-2015.
Thành Đoàn Đà Nẵng trao phương tiện sinh kế cho các hộ nghèo trên địa bàn quận Hải Châu vào tháng 6-2015.

“Biết mấy cho vừa, biết mấy cho đủ”

Tổ 36C phường Thuận Phước (quận Hải Châu) không lạ gì hoàn cảnh của chị Cay Thị Mùi (48 tuổi). Hôn nhân đổ vỡ, một mình chị nuôi con nhỏ suốt 14 năm nay, đó cũng là khoảng thời gian chị phải gồng gánh thêm việc chăm sóc hai người anh trai, một bị tâm thần, một bị trầm cảm. Nhà có 8 anh em nhưng chỉ có chị Mùi chịu được tính khí thất thường của hai người anh, dù lắm khi chị bị chửi, đánh đập vô cớ.

Hỏi chị một tháng thu nhập bao nhiêu từ tiền gia công quần áo và giúp việc nhà, chị lắc đầu và nói: “Tôi chẳng nhớ nữa, lấy chỗ này bù qua chỗ kia”.

Từ khi được Thành Đoàn Đà Nẵng hỗ trợ chiếc máy may và máy vắt sổ vào năm ngoái, chị Mùi có thêm công việc gia công quần áo ở nhà. Ai gọi dọn dẹp nhà cửa, chị cũng đi, nhưng chỉ dám làm trong 2 tiếng đồng hồ vì sợ anh trai ở nhà nghịch điện, lửa. Vất vả là vậy nhưng ai bảo chị gửi anh vào cơ sở dành cho những người tâm thần thì chị đều phản đối vì “tội lắm, sao gửi anh đi cho đành được”.

Với anh Trương Đình Dũng (48 tuổi, tổ 135, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) là trường hợp khác. Từ lúc được Thành Đoàn hỗ trợ chiếc xe máy 17 triệu đồng để chạy thồ, anh luôn giữ gìn, lau chùi xe cẩn thận, còn vợ anh như được tiếp thêm niềm tin trong cuộc chiến đấu với căn bệnh ung thư vú.

Tài sản tích lũy của gia đình bao nhiêu năm đều dùng chữa bệnh cho chị Mỹ Lệ, vợ anh Dũng. Chuyện trò với tôi, anh cứ nhìn vào điện thoại với hy vọng có cuộc gọi đi làm bởi cả ngày anh mới chỉ đi được một cuốc xe thồ, giá 30.000 đồng.

Ngày chạy xe nhiều nhất, anh cũng chỉ được 70.000 đồng. Mới đây, vợ chồng anh đành “bóp bụng” bỏ ra 15 triệu đồng cho con trai đang học năm nhất đại học bị cận thị nặng phẫu thuật mắt. Dẫu khó khăn nhưng lúc nào anh cũng tự nhủ “đến đâu hay đó, biết mấy cho vừa, biết mấy cho đủ”. Nói rồi, anh cười xuề xòa, khoe “mình nghèo, sống tốt nên được mọi người thương yêu, giúp đỡ”.

Sống là sẻ chia

Chuyện của chị Mùi, anh Dũng là hai trong hàng trăm câu chuyện được lưu trong danh sách dài dằng dặc những trường hợp đã được Thành Đoàn Đà Nẵng hỗ trợ trong những năm qua.

Mỗi năm, Thành Đoàn đều chỉ đạo Quận Đoàn Hải Châu phối hợp với ngành LĐ-TB&XH quận triển khai công tác khảo sát, đánh giá hộ nghèo và học sinh bỏ học để xác định địa chỉ, danh tính, hoàn cảnh gia đình, đồng thời tìm hiểu nguyện vọng để có hướng giúp đỡ phù hợp. Có hộ được hỗ trợ tiền cho những trường hợp nguy cấp, có hộ được hỗ trợ xe máy, máy may, dụng cụ sửa xe, máy khoan, máy cắt gạch…

Từ năm 2009 đến nay, Thành Đoàn Đà Nẵng đã hỗ trợ gần 2.000 lượt đối tượng hộ nghèo trên địa bàn quận Hải Châu với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ đồng. Giai đoạn 2013-2015, Đoàn Thanh niên thành phố nhận quản lý vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh thành phố với tổng số dư nợ 160 tỷ đồng; tổ chức, hướng dẫn, tín chấp cho gần 9.000 hộ vay vốn. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, tạo điều kiện cho con cái ăn học, có việc làm ổn định.

Anh Trần Vũ Duy Mẫn, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: “Bên cạnh việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, chúng tôi luôn chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn bởi đây là những lao động chính trong gia đình. Bằng việc phối hợp với tổ chức Reach, chúng tôi đã đào tạo nghề theo định hướng thị trường cho các em với những nghề: bán hàng, chăm sóc khách hàng, thiết kế đồ họa, buồng phòng, phục vụ quầy bar - nhà hàng - khách sạn… Hầu hết các em ra trường đều tìm được việc làm”.

Bài và ảnh: BÌNH AN

.