Chính trị - Xã hội
Chia sẻ của các tân Bộ trưởng sau khi nhậm chức
Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã trao đổi nhanh với báo chí về cảm nghĩ cũng như trách nhiệm, giải pháp sẽ thực hiện trong quản lý, điều hành thời gian tới.
Vinh dự và trách nhiệm
Tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn |
Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình sau khi được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn nói: “Đây là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Con đường phía trước với trọng trách mới, tôi sẽ cùng tập thể, lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông làm thế nào để thực tốt nhiệm vụ của ngành. Đảm nhận cương vị mới này, tôi thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn để hoàn thành sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó”.
Tân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. |
Trong khi đó, tân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói: “Đây là một niềm vinh dự của bản thân nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề, trước hết đối với Bộ, với ngành và mở rộng hơn là đối với đất nước, nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân”.
Nhiệm kỳ còn lại của Quốc hội khóa XIII chỉ còn 3 tháng, với tư cách người đứng đầu ngành tư pháp, tân Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, sẽ tập trung hoàn thành phần việc còn lại của nhiệm kỳ cũng như nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2016 mà người tiền nhiệm để lại.
“Với tư cách thành viên Chính phủ, tôi sẽ cùng các thành viên khác của Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ thực hiện chương trình công tác nhiệm kỳ của Chính phủ cho đến ngày cuối cùng của nhiệm kỳ. Sắp tới chúng ta sẽ thực hiện cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, trong phạm vi, nhiệm vụ của ngành tư pháp, chúng tôi sẽ tập trung phổ biến tuyên truyền về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Những phát sinh trong khuôn khổ của ngành sẽ được tập trung xử lý”- ông Long nói.
Đề ra 3 nhiệm vụ ngay sau khi nhậm chức
Bên cạnh niềm vui và vinh dự, tân Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công thương xác định nhiệm vụ phải thực hiện trong năm 2016 hết sức nặng nề, phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực còn chưa thuận lợi cho hoạt động thúc đẩy sản xuất cũng như thương mại.
Tân Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh |
“Vì vậy giai đoạn còn lại của năm 2016, nhiệm vụ của Bộ Công thương là phải tập trung quyết liệt để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng vĩ mô như đã đặt ra với Quốc hội, trong đó các chỉ tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng như của thương mại phải đạt được mức độ khả quan để đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội”- ông Tuấn Anh nêu rõ.
Nhiệm vụ thứ hai mà Bộ Công thương đặt ra là tập trung thể chế hóa các cam kết hội nhập của Việt Nam. “Các cam kết hội nhập đã bước vào giai đoạn mới, quyết liệt và ở diện rộng và sâu. Vì vậy hàng loạt cam kết hội nhập của chúng ta bắt đầu phải được triển khai ngay trong năm 2016. Thể chế hóa sớm để hoàn thiện khung pháp lý cũng như môi trường để thúc đẩy các hoạt động hội nhập của doanh nghiệp, nền kinh tế và cũng như của cả xã hội của chúng ta”- ông Tuấn Anh nói.
Nhiệm vụ thứ ba mà Tân Bộ trưởng Công thương đặc biệt nhấn mạnh chính là những vấn đề tồn đọng, đang bộc lộ ra những tồn tại trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công thương đã được dư luận xã hội, báo chí, đại biểu Quốc hội và cử tri nêu lên trong thời gian qua.
"Những việc đó cũng cần được khẩn trương nghiên cứu, rà soát lại khung pháp lý để hoàn thiện. Đồng thời phải có biện pháp để khắc phục những tồn tại này, đáp ứng yêu cầu chung của cử tri, nhân dân cả nước cũng như đại biểu Quốc hội”- ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Theo Dân trí