Chính trị - Xã hội

Chuyện tổ, chuyện thôn

"Lệ làng" ở tổ dân phố

08:03, 20/04/2016 (GMT+7)

Khi văn hóa làng đang dần lùi xa bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, lối sống thị thành tạo nên lớp thị dân mới. “Lệ làng”, do đó đã gần như không còn là biểu tượng “luật pháp” mang tính ràng buộc cao. Nhưng ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà đang thực hiện một bản quy ước rất bài bản, gợi nhắc bản “lệ làng” ngày xưa vẫn thường dùng để quy định, quản lý làng xã một cách quy củ, nghiêm ngặt.

Tổ dân phố (TDP) 161 phường An Hải Bắc là một điển hình của việc thực hiện bản quy ước đó. Ông Mai Văn Gấm, tổ trưởng TDP 161, cho hay, bản quy ước gồm các nội dung: Quy định về chuẩn mực xử sự có văn hóa với từng cá nhân, hộ gia đình và khu dân cư; xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa; phát triển văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể thao; việc cưới, việc tang, tổ chức các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố; công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng cháy chữa cháy, bảo vệ các công trình công cộng, môi trường, chống dịch bệnh. Bên cạnh việc tuyên dương khen thưởng, trong bản quy ước quy định rõ việc xử lý đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm… Những quy định này áp dụng cho 228 TDP ở phường An Hải Bắc.

“Điều quan trọng là thực hiện nghiêm, có trách nhiệm với bản quy ước cũng như tuyên truyền cho người dân nắm rõ, thực hiện bản quy ước ấy có hiệu quả, tích cực nhất”, ông Gấm bộc bạch về chuyện áp dụng hiệu quả bản quy ước vào TDP 161.

Ông ví dụ, hằng năm, cứ đến dịp lễ hội Trung thu, TDP tổ chức liên hoan và phát quà cho các cháu học sinh đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện. Tại các buổi liên hoan đó, trước khi trao quà, tổ trưởng đọc cho các cháu nghe thư chúc mừng của Chủ tịch nước nhân dịp Trung thu, hiểu và thực hiện cho tốt. Đây là một cách tuyên truyền đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao, từ đó ý thức học tập được nâng lên.

Những phần quà thiết thực cùng với lời nhắn nhủ, tác động từ người lớn kết hợp lại tạo nên sức truyền cảm cho các cháu... Chính cách làm tưởng đơn giản, nhưng được duy trì thường xuyên từ năm 2012 đến nay đã mang lại hiệu quả đáng kể. Năm học vừa qua, trong số 33 học sinh các cấp của tổ có 16 em đạt học sinh giỏi các cấp, 3/3 em đậu đại học tại các trường có chất lượng cao.

Để cụ thể hóa tiêu chí nhằm đánh giá chất lượng “Văn hóa tiêu biểu” ở KDC, tổ triển khai hưởng ứng và thực hiện tốt “Tháng an toàn giao thông” với nội dung “4 có”, “3 không”. Về “4 có”: có phương tiện tham gia giao thông tình trạng kỹ thuật tốt, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, có đội mũ bảo hiểm, có văn hóa khi tham gia giao thông. Về “3 không”: không uống rượu bia khi tham gia giao thông, không chạy quá tốc độ và chở người quá quy định, không vi phạm luật giao thông đường bộ. Người dân từ đó dễ nhớ, dễ thực hiện. Hình thức đó được vận dụng hiệu quả vào việc thực hiện Chỉ thị 21-CT/TU về 4 nhiệm vụ trọng tâm ở TDP và Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”.

Hiệu quả của các làm sáng tạo, linh hoạt của TDP 161 được thể hiện rõ qua những thành tích đạt được trong thời gian qua. Năm 2015, TDP 161 được UBND quận Sơn Trà tặng giấy khen với thành tích xây dựng “TDP văn hóa tiêu biểu” giai đoạn 2000-2014; giấy khen về thành tích 3 năm liền đạt “TDP tiêu biểu” (2012-2014)...

Đặc biệt, chính sự đoàn kết, tương thân tương ái, sống có trách nhiệm với nhau của mỗi người dân trong tổ… theo truyền thống hương ước và nét đẹp của phố phường văn minh, hiện đại chính là phần thưởng lớn nhất dành cho người dân TDP 161 của phường An Hải Bắc trong quá trình đô thị hóa của Đà Nẵng hôm nay…

TRỌNG HUY

.