Chính trị - Xã hội
Hợp tác trong ASEM cần động lực mới
Trước những đổi thay sâu sắc của thế giới, cùng với những thách thức toàn cầu ngày càng nhiều và phức tạp, ASEM cần động lực mới cho phát triển với nội hàm hợp tác sâu rộng hơn và đa ngành.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu bật vấn đề này tại Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện trong thế kỷ 21” tổ chức ngày 20-4 tại Hà Nội.
ASEM cần tăng cường hợp tác, kết nối trong bối cảnh mới
Phó Thủ tướng đánh giá ASEM đã phát triển vượt kỳ vọng ban đầu, khẳng định là cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển.
Được thành lập vào tháng 3/1996, ASEM đã và đang là nhân tố quan trọng góp phần định hình cục diện thế giới trong thế kỷ 21, đồng thời đang chuyển mình với những nội hàm hợp tác và liên kết sâu rộng, từng bước mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên trong nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phục hồi kinh tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ý thức về một Cộng đồng ASEM với 53 thành viên ngày càng rõ nét bởi sự gia tăng mẫu số chung lợi ích vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng ở hai châu lục.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều thay đổi sâu sắc, thách thức toàn cầu ngày càng nhiều và phức tạp hơn, Phó Thủ tướng cho rằng ASEM cần gia tăng hợp tác, kết nối, tìm kiếm và thúc đẩy động lực mới cho phát triển với nội hàm hợp tác sâu rộng hơn và mang tính đa ngành.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận, xác định rõ các ưu tiên trong nội hàm hợp tác để nâng cao tính thiết thực, hiệu quả và chiều sâu của hợp tác ASEM.
Phó Thủ tướng gợi ý cần coi những thách thức về hòa bình, an ninh là cơ hội để tăng cường đối thoại, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực và nguyên tắc ứng xử chung, đề cao thực thi luật pháp quốc tế.
Trong hợp tác kinh tế, cần đặt ưu tiên cao cho nỗ lực cải cách cơ cấu kinh tế trong từng quốc gia, thúc đẩy liên kết khu vực, kết nối, tăng trưởng sáng tạo và bao trùm.
Phó Thủ tướng mong muốn ASEM xác định ưu tiên hợp tác và chương trình hành động cụ thể, khả thi cho từng giai đoạn. Đồng thời, cần gắn kết các sáng kiến, dự án trong từng nhóm hợp tác chuyên ngành và phối hợp giữa các nhóm hợp tác...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh mọi sáng kiến và cơ chế hợp tác của ASEM cần lấy con người làm trung tâm, tăng cường sự tham gia và mang lại lợi ích thiết thực của người dân, trong đó ưu tiên các biện pháp thúc đẩy đóng góp của thanh niên, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Thủ tướng tin tưởng, sức sáng tạo mạnh mẽ của họ sẽ giúp khởi xướng các ý tưởng mới, góp phần đưa hợp tác ASEM đi vào cuộc sống.
Các đại biểu dự Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện trong thế kỷ 21”. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Việt Nam cam kết đồng hành với các thành viên ASEM
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, hợp tác ASEM luôn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
ASEM là nơi hội tụ 19 trong số 26 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam; chiếm tới 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng giá trị thương mại quốc tế; 80% lượng khách du lịch đến Việt Nam.
Với 14 trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán với các đối tác ASEM, Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 60 đối tác, trong đó có 47 thành viên ASEM.
Việt Nam cùng các thành viên ASEAN thúc đẩy các hiệp định đối tác và hợp tác với Liên minh châu Âu, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU, hoàn tất cam kết của các FTA của ASEAN với các đối tác, thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EU… Đây vừa là thành tựu, vừa là nền tảng căn bản để Việt Nam nâng tầm đóng góp hơn nữa vào liên kết Á-Âu.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian 5-10 năm tới có ý nghĩa then chốt đối với quá trình phát triển và vị thế quốc tế của Việt Nam khi đăng cai Năm APEC 2017, nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018 và các cam kết FTA thế hệ mới, đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Điều đó khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đối ngoại đa phương toàn diện - một trong những trụ cột lớn của đối ngoại Việt Nam.
Việt Nam cam kết cùng đồng hành với các thành viên ASEM để nâng tầm hợp tác ASEM, góp phần thiết thực xây dựng một Cộng đồng ASEM lấy con người làm trung tâm, năng động, gắn kết và tự cường.
Theo Chinhphu.vn