Chính trị - Xã hội

Tái lập HĐND huyện, quận, phường

Bài cuối: Yêu cầu bức thiết từ cuộc sống

08:26, 02/04/2016 (GMT+7)

Đà Nẵng là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội (khóa XII) ngày 15-11-2008, có hiệu lực từ ngày 1-4-2009. Tuy nhiên, theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016), tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phải gồm có HĐND và UBND. Đây là cơ sở để xây dựng nền hành chính thông suốt, thật sự của dân, do dân và vì dân.

Cử tri phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn phát biểu tại buổi tiếp xúc với các đại biểu HĐND thành phố. 						          Ảnh: Đặng Nở
Cử tri phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn phát biểu tại buổi tiếp xúc với các đại biểu HĐND thành phố. Ảnh: Đặng Nở

Bảo đảm sự quản lý thống nhất

Bà Nguyễn Thị Thừa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu cho rằng, việc tái lập HĐND huyện, quận, phường là việc làm cần thiết nhằm tăng cường vai trò giám sát đối với hoạt động của UBND huyện, quận, phường. Qua đó, góp phần nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, chăm lo đời sống và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, tạo tiếng nói chung và đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngoài vai trò giám sát, HĐND quận tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính là thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hằng năm của quận trước khi trình UBND thành phố phê duyệt; quyết định dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách quận; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND cùng cấp...

Ông Nguyễn Đăng Trình, cử tri quận Cẩm Lệ nhìn nhận: “Như vậy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quyết định các vấn đề của địa phương.

Chính vì vậy, việc tái lập HĐND huyện, quận, phường là phù hợp với những nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, tính thông suốt của nền hành chính quốc gia”.

Trên thực tế, từ năm 2009, Đà Nẵng là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Bộ máy gọn lại, giảm họp, tiết kiệm ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Thành phố vẫn giữ được tốc độ phát triển trên nhiều mặt; hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước vẫn đảm bảo.

Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Minh, Bí thư Chi bộ 13, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, việc tái lập HĐND huyện, quận, phường vẫn thật sự cần thiết. Theo ông Minh, các vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội địa phương, dự toán ngân sách của địa phương, nếu không do đại biểu HĐND và người dân tại địa phương đó quyết định, mà do đại biểu của cả thành phố quyết định thì sẽ không tránh khỏi thiếu sâu sát, thiếu tính khả thi.

Ông Minh nhấn mạnh, nếu không có giám sát của HĐND cấp huyện, quận, phường, có thể không tránh khỏi tình trạng xa rời dân. Chính quyền địa phương chỉ còn là cơ quan hành chính, do vậy, tính chất chính quyền của dân ở địa phương bị suy giảm, dẫn đến dễ phát sinh tiêu cực hơn, không vì lợi ích của nhân dân địa phương.

Thêm cơ chế để phát huy quyền làm chủ của dân

Là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, hoạt động giám sát của HĐND mang tính quyền lực Nhà nước, là công cụ đặc thù nhằm đánh giá hiệu quả và năng lực hoạt động của chính quyền địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà, việc tái lập HĐND huyện, quận, phường sẽ tạo thêm một cơ chế để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, thông qua HĐND phản ánh những vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, trên cơ sở đó UBND tổ chức thực hiện.

Đồng thời, cử tri địa phương có thêm một cơ chế để thực hiện việc giám sát chính quyền, đặc biệt là giám sát về hoạt động thu, chi ngân sách, triển khai các dự án, công tác cán bộ, góp phần chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện tiêu cực, vi phạm hoạt động của chính quyền.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Cửu, chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND huyện, quận, phường cần được đổi mới và nâng lên, đặc biệt là nắm bắt ý kiến phản ánh, đề xuất của nhân dân, giám sát thực tiễn và phải có bản lĩnh, trách nhiệm để chất vấn, đề xuất. Chính vì vậy, trong cơ cấu ứng viên bầu đại biểu HĐND huyện, quận, phường năm nay, khối chính quyền ít hơn nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đây là một chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cho rằng, việc tái lập HĐND huyện, quận, phường sẽ tạo điều kiện cho những người yếm thế trong xã hội, những người dân còn hạn chế về trình độ có thể nói lên tiếng nói của mình thông qua việc tiếp xúc với các đại biểu HĐND huyện, quận, phường.

Với chức năng giám sát của mình, các đại biểu sẽ sâu sát hơn, thường xuyên gần gũi với người dân để có ý kiến kịp thời với cấp trên về các vấn đề người dân bức xúc. Bên cạnh đó, HĐND huyện, quận, phường sẽ làm đối trọng với cơ quan chính quyền cùng cấp và giám sát chính quyền nhằm tránh sự lộng hành và lạm quyền của cán bộ, công chức ở cơ sở.

Hiện nay, việc tái lập HĐND huyện, quận, phường và tăng cường chất lượng cũng như hiệu quả giám sát của HĐND đang được các địa phương quan tâm, nhất là trong việc lựa chọn người ứng cử đại biểu HĐND có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và trách nhiệm để thực hiện chức năng giám sát.

Yêu cầu đặt ra là HĐND huyện, quận, phường phải quy tụ được những đại biểu biết vận dụng đúng năng lực của mình trong thực tiễn để chỉ rõ cái đúng, cái tích cực nhưng đồng thời cũng nhìn thấy những hạn chế, tồn tại để đề xuất, kiến nghị biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Có như thế, HĐND huyện, quận, phường mới thực sự phát huy hiệu quả là cơ quan dân cử, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri ở địa phương.

ĐẶNG NỞ - ĐOÀN LƯƠNG

.