Chính trị - Xã hội

Chống xâm hại tình dục trẻ em - Kỳ cuối: Hành trình tìm công lý

07:34, 26/05/2016 (GMT+7)

Định kiến với nạn nhân bị xâm hại khiến nạn nhân và gia đình cảm thấy xấu hổ, im lặng chấp nhận và không dám tố cáo. Ngoài ra, làm sao để trẻ em tự bảo vệ được mình trước nguy cơ bị xâm hại tình dục (XHTD) cũng là vấn đề được đặt ra.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, ghi lại lời kể của một người đi kiện.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, ghi lại lời kể của một người đi kiện.

Ròng rã đi kiện

Một ngày đầu tháng 4-2016, chị Đinh T.T. (SN 1970, trú huyện Hòa Vang) đến Báo Đà Nẵng bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Chị T. muốn tố cáo người mà chị nghi đã XHTD đứa con gái đầu lòng mới học lớp hai của mình, không ai khác chính là chồng chị - cha ruột của cháu bé.

Vợ chồng chị T. vốn không sống gần nhau, chồng chị sống cùng cha mẹ ở xã Hòa Nhơn, còn chị đi giúp việc cho một gia đình ở quận Hải Châu, mỗi tháng chỉ về nhà một lần. Đứa con gái lớn (SN 2008) của hai vợ chồng sống cùng nhà nội để tiện việc đi học.

Tháng 4-2015, trong một lần về thăm nhà, chị T. phát hiện quần nhỏ của con gái mình có dính vệt máu đậm đen, đã khô. Nghĩ con… “ị đùn”, chị đem chiếc quần đi giặt. Tuy vậy, thấy không an tâm, chị đưa con đi khám ở Bệnh viện Hòa Vang, bàng hoàng khi nghe kết luận của bệnh viện và con kể lại rồi đưa con đến trình báo với Công an huyện Hòa Vang. Tối hôm đó, chị về nhà chồng thì được khuyên nhủ rằng “hãy quên chuyện đó đi, bây giờ hai vợ chồng về với nhau chí thú làm ăn, nuôi dạy con cái”. Chị T. cho biết: “Lúc đó, tôi vẫn còn thương chồng nên chấp nhận”.

Ở với nhau được vài tháng, vợ chồng chị bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn quanh chuyện cơm - áo - gạo - tiền. Lúc đó, người mẹ này mới nhớ lại chuyện cũ và… quyết làm cho ra lẽ. Chị T. cho biết, lần này, khi biết tin chị quyết định kiện chồng mình, một cán bộ Hội Phụ nữ địa phương khuyên: “Thôi, bây giờ đừng làm lớn chuyện, coi chừng không còn đường về” (!?).

Theo chị T., nhờ sự động viên của trưởng thôn, chị tiếp tục gửi đơn lên Công an huyện. Khi phóng viên tìm hiểu sự việc, liên hệ với trưởng thôn (theo số điện thoại do chính chị T. cung cấp), được biết: “Chuyện XHTD đó không xảy ra. Chị T. không biết có động cơ chi mà đi kiện tùm lum như rứa” (!?).

Về việc này, ông Nguyễn Phi Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, đã trao đổi với Viện KSND huyện Hòa Vang và cho biết hai nguyên nhân dẫn đến việc không khởi tố: thứ nhất, sự việc đã xảy ra quá lâu, chiếc quần “vật chứng” của cháu bé đã được giặt, bản thân cháu cũng đã tắm rửa nhiều lần nên không còn bằng chứng để giám định; thứ hai, trong quá trình điều tra, cha cháu một mực phủ nhận toàn bộ lời khai của cháu nên không có chứng cứ để khởi tố vụ án. Tất cả bằng chứng chỉ là lời khai của đứa bé lớp 2, nỗi lo lắng xin mẹ được ra khỏi nhà nội và được ở cùng mẹ…

Chứng cứ yếu     

Thượng tá Đặng Ngọc Việt, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố cho biết, vướng mắc lớn nhất trong việc điều tra các vụ XHTD trẻ em là chứng cứ yếu. Nhiều vụ XHTD trẻ em trong gia đình thường để rất lâu sau mới khai báo, chủ yếu vì tâm lý sợ điều tiếng cho gia đình. Vì vậy, đến khi khai báo, chứng cứ gần như không còn gì ngoại trừ lời khai.

Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho hay, sai lầm phổ biến của nhiều bậc cha mẹ là nghĩ rằng “con mình quá nhỏ, nếu để yên lặng sống như bình thường thì con sẽ quên mau, còn nếu “làm lớn chuyện” thì lớn lên con sẽ… không có mặt mũi nào”. Bác sĩ Trung khẳng định ở độ tuổi nhỏ đến mấy, những sự việc như vậy đều có thể hằn sâu vào tiềm thức của trẻ và không có chuyện “để yên sống như bình thường” thì trẻ sẽ quên.

Cũng theo bác sĩ Trung, tâm lý thường thấy ở nạn nhân của các vụ XHTD trẻ em là tự các em cảm thấy có lỗi. Các em thấy “mất tất cả”, thậm chí cảm thấy “nhơ nhuốc”. Chính vì điều này nên nhiều nạn nhân chọn cách im lặng, không khai báo và cũng không điều trị tâm lý. Vì vậy, nhiều em có thể mắc chứng rối loạn tâm lý sau sang chấn. Một số trẻ thậm chí thể hiện tâm lý bình thường sau XHTD nhưng rất có thể đó chỉ là “trạng thái giả”. Chỉ cần một điều gì khơi dậy ký ức thì các em có thể sẽ bị xúc động lại.

Bác sĩ Trung cũng cho biết, ở Đà Nẵng chưa có chương trình hồi phục tâm lý cho nạn nhân và gia đình nạn nhân sau XHTD. Tuy vậy, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đang có các phương pháp tâm lý như định hướng hiện tại và tương lai cho nạn nhân, hoặc để nạn nhân tiếp xúc lại với ký ức cũ một cách có kiểm soát và để nạn nhân quen dần. “Điều quan trọng là không thể để nỗi đau bị đè nén mãi, các nạn nhân cần có người để chia sẻ”, bác sĩ Trung nói.

Sắp tới, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố sẽ khởi động Dự án “Phòng chống mua bán và XHTD trẻ em tại cộng đồng”. Theo đó, các em nhỏ đang phải đối mặt với nguy cơ bị XHTD sẽ được đưa vào một mô hình bảo vệ, giáo dục bởi cán bộ Hội và các tình nguyện viên. Toàn bộ học sinh tham gia dự án sẽ được nâng cao nhận thức giúp các em hiểu và tự đề phòng, tự bảo vệ mình trước nguy cơ của nạn buôn bán và XHTD. Có thể trong thời gian tới, Hội sẽ mở văn phòng tư vấn cho các trường hợp bị XHTD và tích cực truyền thông để các em hiểu rằng, luôn có những địa chỉ để các em dựa vào…

Luật sư Đỗ Pháp, người đã có rất nhiều kinh nghiệm xử lý các vụ án XHTD trẻ em, cho biết chỉ khi các cơ quan chức năng cùng thể hiện trách nhiệm tối đa, phối hợp nhịp nhàng với nhau mới có thể ngăn chặn được vấn nạn này. Đối với các gia đình có con, em trong nhà là nạn nhân của XHTD trẻ em, “điều quan trọng là phải biết rằng mình không bao giờ đơn độc”, ông Pháp nói.

Bảo vệ chứng cứ

Bác sĩ Trịnh Thanh Diễm, Trung tâm Giám định pháp y thành phố Đà Nẵng cho biết, các vụ xâm hại tình dục (XHTD) thường có nhiều loại bằng chứng. Bằng chứng đầu tiên là tình hình vụ việc dựa trên lời khai của những người liên quan, được cơ quan điều tra phối hợp với Trung tâm Giám định pháp y làm rõ. Trung tâm này sẽ tiếp tục xem xét các tổn thương. Một chứng cứ khác đến từ xét nghiệm ADN của thủ phạm.

Bác sĩ Diễm nhấn mạnh, khi một đứa trẻ có dấu hiệu bị XHTD, cần nhanh chóng đưa đến cơ quan điều tra; không rửa, không giặt đồ làm mất chứng cứ. Rất nhiều trường hợp các cháu bé sau khi bị XHTD được tắm rửa sạch sẽ rồi mới đưa đi trình báo. Điều này làm mất đi chứng cứ quan trọng.

Theo thông tin từ TAND thành phố Đà Nẵng, trong 3 năm (từ ngày 1-10-2012 đến 31-10-2015), TAND các quận, huyện trên địa bàn và TAND thành phố đã xét xử 42 vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em (phân thành 3 loại tội phạm, bao gồm: hiếp dâm, dâm ô và giao cấu). Tất cả vụ án đều được xét xử kín. Trong số các bị cáo, có 3 người dưới 18 tuổi (trong đó 2 người dưới 16 tuổi) và 21 người từ 18-30 tuổi. 41/45 bị cáo (trên 90%) chịu án tù giam tối đa 20 năm, 3 bị cáo còn lại hưởng án treo.

Bài và ảnh: KHANG NINH

.