Chính trị - Xã hội

Chống ô nhiễm tại các lô đất trống

09:24, 25/05/2016 (GMT+7)

Quận Thanh Khê đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hàng trăm lô đất trống. Xử lý ô nhiễm ở những khu vực này được UBND quận đưa vào một trong nhóm các hành vi cần giải quyết dứt điểm.

Quận Thanh Khê tổ chức nhiều đợt ra quân, xử lý ô nhiễm môi trường tại các lô đất trống.
Quận Thanh Khê tổ chức nhiều đợt ra quân, xử lý ô nhiễm môi trường tại các lô đất trống.

Dọn sạch hơn 2.000m3 xà bần, rác thải

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Thanh Khê, địa bàn quận có tổng cộng 545 lô đất trống (trong đó, số lô đất trống thành phố quản lý là 137 lô), tập trung nhiều ở các phường Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Xuân Hà, An Khê. Các lô đất trống hoang phế, cỏ dại um tùm, nước thải tù đọng, thậm chí trở thành điểm tập kết rác trong các khu dân cư. “Các chủ đất mua đất xong rồi để đó nhiều năm liền. Người dân lợi dụng khoảng trống này đổ đất đá, xà bần, rác gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị”, ông Trần Trung Nam, Phó phòng TN&MT quận cho hay.

Trước thực trạng đó, năm 2015, UBND quận chỉ đạo Phòng TN&MT, UBND 10 phường ra quân dọn xà bần, phát quang cỏ dại tại các lô đất trống đang bị ô nhiễm nặng, nằm trên các tuyến đường chính như Nguyễn Tất Thành, Yên Khê, Lý Triện, Nguyễn Phước Thái, Lê Thị Tính... Tổng khối lượng đất, đá, xà bần, rác thải thu gom và vận chuyển năm 2015 khoảng 2.110m3, tại 69 lô và khu đất Bệnh viện Bưu điện III.

Sau khi tổng dọn vệ sinh các lô đất trống và rào chắn, đặt biển báo cấm, UBND quận giao UBND các phường, tổ trưởng dân phố, cấp ủy chi bộ khu dân cư có trách nhiệm quản lý, không để tái ô nhiễm; có thể sử dụng các lô đất này vào mục đích tạm thời như kinh doanh quán nước, sửa xe máy, đặt để chậu hoa cảnh, trồng rau.

Chỉ tay về lô đất trên đường Nguyễn Tất Thành vừa được dọn dẹp, rào chắn bằng gai thép, anh Hồ Lê Minh Quý, cán bộ địa chính phường Xuân Hà nói: “Lô đất này bỏ trống từ năm 2004, không xác định được chủ sở hữu. Trước đây đã từng được xây tường chắn, nhưng người dân thiếu ý thức, đập phá để tạo lối đi và đổ rác, xà bần. Bây giờ sạch sẽ, tươm tất, có tường, rào chắn, hy vọng không tái ô nhiễm”. Trong khi đó, người dân tại khu vực đình làng An Khê chia sẻ, nhìn từng luống rau xanh mướt được trồng tại lô đất trống cuối đường Nguyễn Công Hãng, không ai nghĩ trước đây, nơi này ô nhiễm đến mức nhiều người phải bức xúc lên tiếng.

Chống tái ô nhiễm

Giải quyết ô nhiễm ở các khu đất trống là thách thức của toàn quận, song chống tái ô nhiễm lại càng khó khăn hơn. Ông Trần Trung Nam cho rằng, bên cạnh việc ra quân dọn dẹp từng đợt, cần thực hiện Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp với tần suất nhiều hơn; tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương không nên xem công tác bảo đảm vệ sinh môi trường là việc riêng của ngành TN&MT.

Năm 2016, quận Thanh Khê giao kế hoạch cụ thể cho từng đơn vị phối hợp Phòng TN&MT thực hiện quản lý hiệu quả các lô đất trống trên địa bàn quận. Cụ thể, giao UBND 10 phường rà soát, thống kê và có trách nhiệm quản lý; đội kiểm tra quy tắc đô thị tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi đổ rác, xà bần không đúng nơi quy định. “UBND quận còn yêu cầu Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp quận Thanh Khê, khi kiểm tra thực tế lô đất trống nào bị ô nhiễm thì cho tạm ngưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và nhượng quyền sử dụng đất đối với các chủ lô đất đó đến khi xử lý xong ô nhiễm. Chủ lô đất khi đi liên hệ thủ tục đất đai sẽ được yêu cầu cam kết có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường tại lô đất đó”, ông Nam nói thêm.

Bài và ảnh: HÀ THU

.