Chính trị - Xã hội

Cử tri trẻ trách nhiệm với lá phiếu

07:51, 16/05/2016 (GMT+7)

Trong số cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của thành phố Đà Nẵng có khá đông cử tri trẻ là học sinh, sinh viên (HS-SV). Trong đó, có những cử tri tuổi 18 lần đầu tiên cầm lá phiếu trên tay để thực hiện quyền công dân của mình.

Cách thức tuyên truyền sinh động, tươi vui trên trang Facebook của Cổng thông tin Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Cách thức tuyên truyền sinh động, tươi vui trên trang Facebook của Cổng thông tin Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Phong phú hình thức vận động, tuyên truyền

Thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã cùng chia sẻ những hình ảnh thú vị về lời kêu gọi đi bầu cử từ trang Facebook của Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Với lối vẽ hình minh họa theo phong cách hoạt hình sinh động cùng các câu khẩu hiệu dí dỏm, như: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày bầu cử cùng nhau ta về”; “Tớ đi phượt nhưng tới lượt sẽ về bầu”; “Tớ là sinh viên/Tạm gác việc riêng/Ưu tiên đi bầu”; “Cử tri trẻ hãy cầm thẻ đi bầu”; “Mười tám lả lướt, sải bước đi bầu”… đã nhận được sự hưởng ứng hồ hởi của các bạn trẻ.

Đặc biệt, xuyên suốt các bức tranh luôn là câu khẩu hiệu: “Hãy là cử tri trẻ có trách nhiệm”. Để hỗ trợ HS-SV hiểu rõ hơn về ý nghĩa, vai trò cũng như quy chế bầu cử, nhà trường và các cấp chính quyền thành phố cũng đã triển khai nhiều cách làm thiết thực nhằm tuyên truyền về vấn đề này.

Thầy Nguyễn Thái Trung, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), cho biết nhà trường đã triển khai thông tin về bầu cử qua nhiều kênh khác nhau, như: thư điện tử, trang thông tin điện tử của trường, thông tin về lớp trưởng, giáo viên chủ nhiệm, trưởng khoa… Bên cạnh đó, lồng ghép trong những buổi sinh hoạt lớp định kỳ, giáo viên chủ nhiệm các lớp và lớp trưởng sẽ tuyên truyền cho SV hiểu rõ về quyền lợi của mỗi công dân, ý nghĩa quan trọng của việc bầu cử cũng như cách thức bầu cử…

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng có nhiều cách làm riêng, phong phú. Thầy Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Bách khoa chia sẻ, thời gian qua, nhà trường đã tích cực phối hợp với địa phương thống kê nơi bầu cử của SV (tạm trú và thường trú), lập danh sách cử tri SV nội trú bầu cử tại nơi tạm trú (tổ bầu cử KTX), chuẩn bị công tác tại điểm bầu cử KTX (danh sách đại biểu, danh sách cử tri) và tuyên truyền cho SV nội trú tìm hiểu về thông tin các đại biểu nơi mình sẽ bầu.

Bên cạnh đó, nhà trường còn thông tin thường xuyên trên các trang thông tin điện tử của trường về thông tin bầu cử, luật về bầu cử; triển khai tuyên truyền công tác bầu cử qua kênh giáo viên chủ nhiệm về từng SV trong mỗi lớp thông qua các buổi sinh hoạt lớp; cử SV tham gia các buổi gặp mặt đại biểu ở phường và quận; tuyên truyền về công tác bầu cử đến các CLB, đội, nhóm ở trường; tuyên truyền về công tác bầu cử tại KTX thông qua chương trình phát thanh “Hộp thư âm nhạc” cuối tuần…

Tìm hiểu kỹ càng, lựa chọn cẩn trọng

Không riêng nhà trường, các cấp chính quyền cũng nỗ lực tuyên truyền, vận động cử tri trẻ tại địa phương. Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga (tổ trưởng tổ 112, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) cho hay, địa phương hiện có 25 cử tri trẻ, gồm 1 HS và 24 SV đang thường trú, tạm trú tại phường.

“Đa số cử tri là SV đều đang tạm trú tại địa phương nhưng thay đổi liên tục về nơi ở nên rất khó quản lý. Vì vậy, để đảm bảo việc lập danh sách cử tri chính xác, chúng tôi phải đi đến từng phòng trọ để lấy thông tin. Thông qua đó, chúng tôi cũng phối hợp tuyên truyền về thông tin bầu cử cho các cử tri là SV…”.

SV Đinh Thị Duyên (SN 1997, khoa Nhật - Hàn, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) tâm sự: “Lần đầu tiên được đi bầu cử, tâm trạng của em rất hồi hộp. Mặc dù đã nghe giáo viên chủ nhiệm và lớp trưởng thông tin về cuộc bầu cử nhưng có nhiều vấn đề em vẫn chưa nắm bắt rõ lắm, như: quy trình bầu cử, thông tin của các ứng cử viên…”. Vì vậy, thể hiện trách nhiệm với lá phiếu của mình, Duyên đã tự tìm hiểu thêm về luật bầu cử trên các phương tiện truyền thông; rủ bạn bè đến điểm bầu cử để nắm thêm thông tin về các ứng cử viên.

Anh Nguyễn Văn Thiện (SN 1995, sinh viên Trường ĐH Duy Tân) bày tỏ quyết tâm: “Sau khi tham dự buổi tiếp xúc cử tri tại địa phương, ba mẹ em thường xuyên trao đổi với nhau vấn đề này trong các bữa cơm gia đình. Qua đó, em hiểu rõ hơn về cách thức bầu cử, tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Khi cầm lá phiếu bầu cử trên tay, em sẽ cân nhắc, lựa chọn cẩn trọng ứng cử viên có tài, có tâm, xứng đáng là người đại diện nói lên tiếng nói của nhân dân để bầu. Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng em nghĩ chúng em vẫn phải có trách nhiệm với quyết định của mình”.

NAM BÌNH

.