Chính trị - Xã hội

Đối thoại đầu tuần

Tất cả đã sẵn sàng

07:35, 16/05/2016 (GMT+7)

Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 - ngày hội lớn của toàn dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã sẵn sàng.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Nho Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố khẳng định: Mỗi cử tri nhận thức đầy đủ, phát huy tinh thần dân chủ, quyền và trách nhiệm của mình chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của cuộc bầu cử.

Ông Nguyễn Nho Trung (giữa) giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại Trường Cao đẳng nghề số 5. 			Ảnh: SƠN TRUNG
Ông Nguyễn Nho Trung (giữa) giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại Trường Cao đẳng nghề số 5. Ảnh: SƠN TRUNG

* Cuối tuần này, ngày 22-5, cử tri thành phố sẽ cùng cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Thưa ông, công tác chuẩn bị của thành phố Đà Nẵng như thế nào?

- Như chúng ta đã biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là ngày hội lớn của toàn dân. Vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn thành phố từ cấp xã, phường, quận, huyện đến cấp thành phố đã được tổ chức thực hiện khẩn trương, chặt chẽ, đúng tiến độ và đúng quy định của pháp luật.  

Đến thời điểm này, thành phố Đà Nẵng sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị cho ngày hội bầu cử, các nội dung trọng tâm đã cơ bản hoàn thành. Ủy ban Bầu cử (UBBC) các cấp đã hoàn thành việc biên soạn, in ấn và niêm yết các tài liệu phục vụ bầu cử, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ bầu cử. Công tác tuyên truyền bầu cử được thực hiện thường xuyên, đều đặn với tần suất cao trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tuyên truyền trực tiếp tại các tổ dân phố, đến từng khu dân cư.

Theo kế hoạch, Tiểu ban An ninh trật tự đã được thành lập và tích cực triển khai bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; công tác tập huấn cho các UBBC, Ban bầu cử và 538 tổ bầu cử cũng được tổ chức bài bản với các hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Hơn nữa, công tác kiểm tra, giám sát chuẩn bị phục vụ bầu cử tại các địa phương luôn được thực hiện thường xuyên.

Từ nay đến ngày bầu cử 22-5, UBBC  thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác chuẩn bị bầu cử, nhất là đối với các ban bầu cử, tổ bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng và dân chủ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử trong những ngày sắp tới cũng như thực sự bảo đảm tình hình an ninh trật tự trước, trong và sau ngày bầu cử, nhất là tại từng khu vực bỏ phiếu trên toàn địa bàn thành phố.

* Công tác chuẩn bị của thành phố đã sẵn sàng. Vậy cử tri có trách nhiệm như thế nào đối với cuộc bầu cử này?

- Cuộc bầu cử lần này là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Với ý nghĩa như vậy, cử tri thành phố nói riêng có trách nhiệm tham gia tích cực đi bầu cử thực hiện quyền làm chủ của mình. Cử tri cần phải tham gia các hội nghị mạn đàm, nghiên cứu tiểu sử ứng cử viên và định hướng cơ cấu, thành phần đại diện các tầng lớp nhân dân trong cơ quan dân cử các cấp, cân nhắc, thận trọng khi quyết định bỏ phiếu bầu cử để chọn được những đại biểu cơ quan dân cử có đủ tài, đức, tâm, tầm, đáp ứng được ý chí, nguyện vọng của mình và trước yêu cầu phát triển đất nước cũng như yêu cầu phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố an bình, đáng sống. Sự phát triển của đất nước, của thành phố hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định sáng suốt của cử tri thông qua cuộc bầu cử lần này.

* Khi quyết định “chọn mặt gửi vàng” bỏ phiếu bầu, cử tri phải thực hiện đúng những nguyên tắc nào?

- Cử tri bỏ phiếu bầu cử theo nguyên tắc quy định tại Điều 69 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp. Việc bầu cử phải tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Khi thực hiện quyền bầu cử của mình, cử tri phải là người trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Như tôi đã nói, chất lượng đại biểu cơ quan dân cử các cấp, tốc độ phát triển của đất nước, của thành phố, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân xuất phát từ sự phát huy quyền dân chủ trực tiếp, sự cân nhắc thấu đáo “chọn mặt gửi vàng” ở mỗi lá phiếu đầy trách nhiệm của cử tri.

* Cảm ơn ông!

Phân công lãnh đạo thành phố chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị công tác bầu cử

Nhằm kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, giám sát phục vụ tốt công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, UBND thành phố vừa có văn bản phân công nhiệm vụ cho các Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại các quận, huyện.

Cụ thể, phân công Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng phụ trách địa bàn quận Hải Châu và huyện Hoàng Sa. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phụ trách địa bàn quận Thanh Khê và quận Sơn Trà. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết phụ trách địa bàn quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phụ trách địa bàn quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn.

Cổng thông tin điện tử thành phố

NGUYÊN TẮC BỎ PHIẾU

1. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.

2. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 69, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

3. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

4. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

5. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử.

6. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

7. Khi cử tri bỏ phiếu xong, tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

8. Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

(trích Điều 69, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND)

SƠN TRUNG thực hiện

.