Chính trị - Xã hội
Gian nan "cõng chữ" lên non
Giữa cái nắng 40, 41 độ hừng hực lửa, cộng thêm bụi đỏ của những chiếc xe ben chở đất, đá làm đường La Sơn - Túy Loan, quãng đường đi dạy học của các thầy cô Trường tiểu học Hòa Bắc càng trở nên dài hơn. Những con chữ được “gieo” giữa núi rừng Hòa Bắc thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của những thầy cô hy sinh thầm lặng và đong đầy tình người.
Lớp 5/3 của cô Trần Thị Ngọc Diệp ở điểm trường Nam Mỹ chỉ có 7 học sinh, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG |
Tai nạn là chuyện thường
Để có mặt trước 7 giờ 15 tại điểm trường Nam Mỹ (thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), cô Trần Thị Ngọc Diệp phải đi từ nhà ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) lúc 6 giờ sáng. Dù gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng mỗi ngày cô Diệp phải chạy xe máy 60-70 cây số. Cô nào có con nhỏ thì một ngày đi về 4 lần, tức gấp đôi quãng đường của cô Diệp. Đó là chưa kể những lúc xe hỏng hoặc bị tai nạn dọc đường.
“Tôi đi làm 7 năm thì đã thay 2 chiếc xe máy. Còn xích, phanh, dĩa, lốp... thay không biết bao nhiêu mà kể. Nhiều thầy cô ở đây vay mượn tiền mua xe chưa trả nợ xong thì xe đã bị hỏng. Chuyện xe hỏng lốp, té gãy xương dọc đường hầu như thầy cô nào cũng trải qua. Tội nhất là các cô giáo trẻ, ngày nào cũng đi cả một đoạn đường dài, có cô bị hỏng thai, dù lấy chồng nhiều năm vẫn chưa có con”, cô Diệp nói trong rưng rưng nước mắt. Dường như sợ tôi không tin, cô Diệp kể ra một loạt dẫn chứng: “Hiện cô Hoa bị tai nạn đang phải đóng đinh ở xương tay, cô Hạnh nằm cấp cứu do ngã xe… Té ngã nặng thì nằm viện cả tháng, còn té ngã nhẹ cũng phải xin nghỉ mấy tuần mới đi làm lại được”.
Khi bị hỏng xe dọc đường, các cô phải kêu cứu thầy hiệu trưởng để nhờ thầy phân công người đứng lớp. Mỗi lần gọi người sửa xe mất 2-3 tiếng chờ họ đem xe bò đến chở. Nếu không tìm được người dạy thay, thầy hiệu trưởng phải trực tiếp ra đứng lớp. Đó là chưa kể vào mùa mưa lũ, nước tạt không thấy đường, có khi phải dắt bộ.
Cô Nguyễn Thị Đông (nhà ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Mỗi hôm mưa to, đất đá đổ xuống rất nguy hiểm. Về tới nhà mới biết mình còn sống. Trước đây, chưa có cầu Hòa Liên, nhiều cô còn phải ôm phao qua sông.
Bây giờ làm đường La Sơn - Túy Loan, đường sá xuống cấp nên đi lại càng vất vả. Mùa mưa, đất đỏ bazan đổ xuống càng trơn trượt, mùa hè ngập đầy bụi đỏ. Đặc biệt, cống đôi ở thôn Nam Mỹ vào mùa mưa nước chảy xiết. Những lúc nước lũ về dâng cao, các thầy cô phải thuê người đi tăng-bo mới dám vượt qua”.
Hơn 15 năm lên đây dạy học, thầy Nguyễn Đức Kha (ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) mỗi ngày đi hơn 100 cây số, trong đó hơn hai năm đi xe đạp. Lương thấp, thầy Kha vay tiền mua một chiếc xe máy cũ để đi dạy.
Thấu hiểu nỗi khổ của thầy Kha, thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc hai lần đích thân viết đơn cứu xét gửi lên Giám đốc Sở GD&ĐT và Chủ tịch UBND thành phố xin được chuyển công tác về trường gần nhà nhưng các quận khác không nhận vì… hết chỉ tiêu!
Đoạn cống đôi ở thôn Nam Mỹ là nỗi lo sợ của các thầy cô bởi ngập bụi vào mùa nắng và ngập nước vào mùa mưa. |
Chăm học trò như con mình
Hiện nay, Trường tiểu học Hòa Bắc có một điểm trường chính ở thôn Phò Nam và 4 điểm trường phụ ở các thôn Nam Yên, Nam Mỹ, Giàn Bí, Tà Lang. Mỗi điểm trường cách xa nhau khoảng 3 cây số, nằm biệt lập giữa núi đồi nên những lúc nồi cơm điện bị hỏng, đường ống dẫn nước bị tắc hoặc nước đục thì các thầy cô phải chịu đói, chịu khát.
Đặc biệt, nhiều học sinh nhà ở xa phải bới cơm mang theo. “Nếu ba mẹ đi rừng có thứ về bán thì các em được ăn cơm với đậu khuôn, cá, trứng chiên. Còn những lúc mưa lũ thì hộp cơm chỉ toàn rau dền và lá sắn xào, có khi các cô phải nấu mì tôm cho các em”, cô Diệp xúc động kể. Riêng lớp 5/3 do cô Diệp chủ nhiệm chỉ có 7 học sinh thì có đến 3 em không có cha. “Đồng bào ở đây không làm gì ra tiền. Nhiều khi các em đi học không có dép. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, các cô phải đi vận động quyên góp áo quần, thậm chí tự mua vải cắt may cho các em”, cô Diệp giải thích thêm.
Trong ánh mắt đầy ưu tư, cô Nguyễn Thị Đông cho biết: “Học trò ở đây ngoan nhưng tiếp thu bài chậm. Phần nhiều các em ít được ba mẹ quan tâm. Mấy khu vực ở các điểm trường, ba mẹ ít chữ nên giao hết cho thầy cô. Mình chưa có con nên xem các em như con. Buổi trưa ở lại có thời gian thì kèm thêm cho các em chậm tiến. Dù dạy không lấy tiền nhưng các em vẫn lười học, các cô phải đem bánh kẹo lên khuyến khích, động viên”.
Hiện nhà trường có 87 em người dân tộc Cơtu và Khơme thì tất cả đều thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. Đến tháng 9 hằng năm, học sinh dân tộc thiểu số mới có chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước 130.000 đồng/em/tháng nhưng nhà trường cho các em ứng trước để mua sắm áo quần, sách vở.
Ngoài ra, trường còn có 16 học sinh khuyết tật học hòa nhập nên các thầy cô càng vất vả hơn. “Dạy các em khuyết tật, các thầy cô phải có phương pháp riêng. Khoảng 35-40 phút trong một tiết phải dành thời gian quan tâm học sinh khuyết tật. Tùy theo đối tượng mà có phương pháp cụ thể”, cô Phạm Thị Thu chia sẻ.
Mơ một ngôi trường bán trú
Chia tay cô Diệp, cô Thu khi giờ học vừa kết thúc, lại đúng lúc nồi cơm điện bị hỏng. Cô Diệp nói trong lo âu: “Mỗi lần nồi cơm hỏng, mất nước thì các cô không biết xoay xở ra sao. Ở đây tìm cho ra chỗ ăn rất khó vì không có quán cơm”. Chuyện ăn đã khổ mà chuyện nghỉ trưa còn khổ hơn. Các cô phải xin nghỉ nhờ buổi trưa tại nhà học trò gần trường, còn học sinh ở xa phải ở lại trong một căn phòng trống hoác, nền nhà phủ đầy bụi đất.
Gác lại sau lưng những khó khăn, thiếu thốn về điều kiện vật chất và đời sống, nhà trường vẫn luôn bảo đảm chất lượng dạy học. Cô Nguyễn Thị Đông cho biết, dù có nỗi buồn riêng nhưng không vì thế mà các thầy cô không chăm lo tốt cho các em. Cô Phạm Thị Thu là giáo viên duy nhất của thành phố không thuộc trường chuyên biệt nhưng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thành tích dạy trẻ khuyết tật.
Nhiều thầy cô đã nỗ lực vươn lên dạy giỏi và đoạt các giải thưởng cấp huyện, thành phố. Trong năm học này, giáo viên của trường đoạt giải nhất, nhì về thiết kế bài giảng E-learning cấp thành phố như các thầy cô: Nguyễn Thọ, Lê Thị Thanh Xuân, Nghiêm Thị Bông, Nguyễn Đức Kha, Phan Minh Nguyên… “Ở tuổi mình, tiếp cận công nghệ thông tin thật khó. Từ một người không biết gì về máy tính, đến nay không chỉ sử dụng thành thạo mà còn đoạt giải thiết kế bài giảng E-learning. Mình phải cố gắng để làm gương cho lớp trẻ và nâng cao chất lượng dạy học”, thầy Nguyễn Thọ khẳng định.
Nhìn ánh mắt long lanh của thầy Thọ khi nói về giải thưởng tin học cấp huyện, giải tiếng Anh qua mạng cấp quốc gia… của các em Nguyễn Thị Ly Ly, Tạ Tuấn Kiệt, Trần Trung Hậu mới thấy được tâm huyết của các thầy cô nơi đây. Đó là phần thưởng xứng đáng giúp các thầy cô vượt qua khó khăn để “thắp” lên những con chữ nhọc nhằn giữa núi đồi còn nhiều thiếu thốn.
Rồi mai này các em sẽ trưởng thành và tiếp nối các thầy cô về đây dạy chữ cho đồng bào miền núi. Tôi chợt nhớ thầy Trương Văn Hiệu, người dân tộc Cơtu, nói với thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thọ rằng, “ngày xưa ba mẹ em còn không biết viết tên con mình, nhưng nhờ các thầy cô mà chúng em được trở thành thầy cô dạy chữ lại cho các em đồng bào dân tộc mình”.
Con đường buổi trưa nắng càng gay gắt. Chiếc xe lao nhanh xuống những con dốc ngoằn nghèo đầy ổ gà ổ voi, trong mắt tôi vẫn đong đầy hình ảnh của các thầy cô Trường tiểu học Hòa Bắc gian khổ mà đầy tình thương. Tôi mong rằng, ước mơ có một ngôi trường bán trú của các cô trò nơi đây sẽ sớm thành hiện thực để họ yên tâm nghỉ ngơi sau giờ học ban trưa và mong các cấp lãnh đạo thành phố quan tâm luân chuyển trường cho các thầy cô sau khi hoàn thành thời gian công tác để không ai buồn lòng mỗi khi có người xin về được trung tâm thành phố.
Thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc: Không nên cắt tiền trợ cấp diện thu hút Hiện Trường tiểu học Hòa Bắc có 19 lớp với 39 giáo viên và 307 học sinh. Từ ngày 11-9-2015, thành phố có chủ trương cắt trợ cấp diện thu hút cho một số xã miền núi khó khăn của huyện Hòa Vang nên đời sống của các thầy cô gặp nhiều khó khăn. Đa số các thầy cô vay tiền mua xe máy để đi dạy học thì nay vẫn chưa trả hết nợ. Đặc biệt, các nhân viên của trường chỉ thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. So với các xã khác, điều kiện cơ sở vật chất và đi lại của các thầy cô Trường tiểu học Hòa Bắc vất vả hơn nhiều nên nhà trường đề nghị thành phố không nên cắt trợ cấp diện thu hút hoặc có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các thầy cô nơi đây; đồng thời tạo điều kiện cho các thầy cô được luân chuyển trường sau 5 năm theo quy định để họ yên tâm công tác. |
ĐOÀN LƯƠNG