.

Sáng gương biệt động năm xưa

.

Đêm đêm, nhìn cầu Sông Hàn lung linh trong ánh điện, mấy ai biết tác giả công trình điện chiếu sáng trên cây cầu quay này là một chiến sĩ biệt động năm xưa.

Ông Trần Quang Tuấn (giữa) tại Đại hội Hội Doanh nhân Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Trần Quang Tuấn (giữa) tại Đại hội Hội Doanh nhân Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông là Trần Quang Tuấn, hiện ở phường Chính Gián (quận Thanh Khê), 12 tuổi đã làm giao liên hợp pháp, 15 tuổi trở thành chiến sĩ biệt động của đơn vị Q91, hoạt động tại nội thành Đà Nẵng.

Giả bán kem vẽ sơ đồ căn cứ địch

Lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng trên quê hương Điện Hòa (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Trần Quang Tuấn sớm nung nấu ý chí diệt thù cứu nước và đã cùng đơn vị lập nhiều chiến công vang dội.

Hồi đó, Ban chỉ huy thường giao ông làm nhiệm vụ trinh sát và vẽ sơ đồ mục tiêu. Nhiều lần ông giả làm đứa bé bán kem sà vào mời mấy lính gác Đài Phát thanh ngụy ở đường Quang Trung. Từ chỗ làm quen với các lính gác, thường xuyên vào bán kem cho binh lính địch tại các bốt gác, ông quan sát được bên trong Đài Phát thanh ngụy. Về nhà, ông vẽ lại chi tiết cơ sở này, chi tiết nào chưa nhớ thì hôm sau quan sát tiếp… Từ những sơ đồ đó, đơn vị biệt động Q91 đã tổ chức luyện tập và tập kích Đài Phát thanh, Quân vụ thị trấn…, gây kinh hoàng cho Mỹ-ngụy.

Đầu năm 1968, trong khi đang liên lạc với một gia đình cơ sở tại Đà Nẵng, ông Tuấn bị sa vào tay giặc. Hơn 7 năm trong tù ngục đối phương, chịu đựng biết bao đòn roi tra tấn, người chiến sĩ biệt động kiên cường vẫn không một lời khai báo và luôn hăng hái trong cuộc đấu tranh biến nhà lao đế quốc thành trường học cách mạng.

Tài năng và lòng nhân ái

Quê hương sạch bóng quân thù, ông Tuấn thi đỗ vào khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1981, ông đảm đương nhiều cương vị quan trọng trong ngành Điện lực và ngành Công nghiệp tàu thủy. Tiếp đó, ông đầu tư kinh doanh du lịch và một số lĩnh vực khác, bền bỉ vươn lên. Ông được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương MTTQ Việt Nam liên tục 3 khóa V, VI, VII và hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh (CCB) thành phố Đà Nẵng.  

Trở thành doanh nhân thành đạt, CCB Trần Quang Tuấn tận tình cưu mang, giúp đỡ người nghèo, đối tượng chính sách và những đồng đội năm xưa còn khó khăn. Trên cương vị Giám đốc Công ty Điện chiếu sáng Đà Nẵng, ông nhận phụng dưỡng 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ kinh phí xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Từ năm 2010 đến nay, ông cùng Ban chấp hành Hội Doanh nhân CCB thành phố vận động các doanh nghiệp thành viên ủng hộ các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo, khuyến học ở Đà Nẵng và Quảng Nam hơn 8 tỷ đồng. Gia đình ông luôn đi đầu trong việc đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, các hoạt động văn nghệ-thể thao ở địa phương và đã ủng hộ 200 triệu đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam.

Mới đây, CCB Trần Quang Tuấn trở về xóm Vạn Buồng (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thăm hỏi, tặng quà các gia đình từng nuôi giấu, che chở ông cùng đồng đội hồi ông công tác tại đơn vị B153 của Thành ủy Đà Nẵng trong thời kỳ chống Mỹ. Tâm sự với chúng tôi, ông đọc 2 câu thơ của nhà thơ Phan Duy Nhân “Đường ta đi tới còn muôn dặm/ Mãi mãi không quên xóm Vạn Buồng”, như gửi gắm tấm lòng và niềm tri ân đối với đồng bào nơi căn cứ cách mạng năm xưa.

 Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.