Chính trị - Xã hội

Thực hiện đề án giảm nghèo

Căn nhà "cổ tích"

07:34, 26/05/2016 (GMT+7)

Ông Nguyễn Đức Bảy (51 tuổi, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cười sảng khoái: “Có cơm ăn, nhà cửa vững chãi, không nợ nần, đời ri đòi hỏi chi nữa!”. Bên cạnh ông, mẹ và vợ cùng cười hạnh phúc, giọt nước mắt mãn nguyện chực rơi trên đôi má lấm tấm vết nám của người đàn bà nghèo.

Bữa trưa đạm bạc nhưng ngập tràn niềm vui của gia đình ông Bảy.
Bữa trưa đạm bạc nhưng ngập tràn niềm vui của gia đình ông Bảy.

Lượm từng viên gạch làm nhà

Chỉ tay quanh bốn bức tường, ông Bảy khoe gạch làm nên căn nhà này đều là “gạch tình thương” do người quen san sẻ. Trước đó, vợ chồng ông cùng hai đứa con trai nương náu trong một cái chòi vách lá, tường phên, nằm trơ trọi, trống hoác giữa mảnh đất rộng.

Ông Bảy là thương binh hạng 4/4. Mẹ ông là Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Tiến (sinh năm 1933) của mảnh đất Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Cách đây 2 năm, ông Bảy được thành phố và quận Liên Chiểu hỗ trợ 40 triệu đồng sửa nhà.

Cầm tiền Nhà nước hỗ trợ, cộng thêm 40 triệu đồng vay được, mừng thì có mừng nhưng hai vợ chồng đều trằn trọc chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bạn bè, những người cùng làm thợ nề như ông Bảy thách đố ông làm được căn nhà với 80 triệu đồng. Vậy mà, căn nhà rộng 5,5m, dài 13,5m, khang trang, vững chãi dần tượng hình chỉ với số tiền ấy.

Có nghề thợ nề trong tay, ông Bảy và vợ-bà Tôn Nữ Thị Hồng (54 tuổi) tự mình xây nên ngôi nhà “cổ tích”. Hai vợ chồng làm quần quật từ tờ mờ sáng đến tận khuya trong ròng rã 3 tháng trời. Nghe ở đâu đập nhà, có gạch bỏ, xa mấy, có khi gần tận chân cầu Thuận Phước, vợ chồng ông cũng kéo xe bò tới xin. Bà Hồng nhớ lại: “Xây nhà cực đến nỗi hàng xóm thắc mắc không biết vợ chồng nhà này còn giờ giấc nào dành cho chuyện ăn uống, rứa mà vẫn vui. Ngày hoàn thành căn nhà, thằng con nằm giữa nhà, vừa cười vừa khóc vì quá mừng”.

An cư lạc nghiệp

Kể từ ngày có nhà, gia đình ông Bảy như bước sang trang mới, khi chỉ còn lo chú tâm làm ăn, không ngại mưa gió nữa. Ông Bảy vẫn làm thợ nề. Đang vào mùa xây dựng nên ông đi suốt. Bà Hồng cũng chuyển sang bán hàng ăn ở chợ tạm gần nhà, dù bữa đi, bữa nghỉ do sức khỏe yếu.

Niềm vui nối tiếp niềm vui khi đầu năm nay, gia đình ông Bảy chào đón nàng dâu mới. Bà Hồng ngẫm nghĩ: “Nếu không làm lại nhà, thiệt tình chắc chẳng đứa con gái mô dám lấy con trai mình khi thấy gia cảnh như vậy. Bọn tui cũng sắp có cháu bồng rồi”. Nói đoạn, bà Hồng chỉ vào bộ bàn ghế gỗ tinh tươm do mẹ chồng bà vừa tặng và chiếc ti-vi mới là món quà của thành phố. Với gia đình ông Bảy lúc này, nỗi lo cơm áo, gạo tiền còn thường trực bởi nghề nghiệp bấp bênh, nhưng trong lòng họ, có được nơi an cư thì lạc nghiệp cũng dễ dàng hơn.

Bài và ảnh: BÌNH AN

.