Chính trị - Xã hội
Triển khai Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính
Ngày 10-6, Bộ Tư pháp phối hợp Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai Bộ Luật Dân sự (BLDS), Bộ Luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) - những luật được Quốc hội khóa XIII thông qua trong năm 2015.
Các đại biểu đã nghe trình bày về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng BLDS, BLTTDS và LTTHC; nghe giới thiệu những nội dung mới của các luật này. Theo đó, BLDS được sửa đổi, bổ sung lần này gồm 6 phần, 27 chương, 689 điều, bảo đảm phát huy được 3 vai trò cơ bản: Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân; hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. BLDS là công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
BLTTDS năm 2015 gồm 42 chương, 517 điều được sửa đổi, bổ sung với mục tiêu cải cách thủ tục tố tụng dân sự theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng kịp thời; thực hiện mô hình tố tụng “xét hỏi kết hợp với tranh tụng” xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
BLTTHC năm 2015 gồm 23 chương, 372 điều được sửa đổi, bổ sung trên quan điểm: Mở rộng quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính, đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân với cơ quan công quyền trước tòa án; bảo đảm tranh tụng trong xét xử để tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý, góp phần tích cực vào việc bảo vệ và khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính; bảo đảm bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành.
S.TRUNG