Phóng sự - Ký sự

Đời vạn lặn

07:55, 11/06/2016 (GMT+7)

Cuộc sống của họ gắn liền với vị mặn chát nơi đáy biển, đối mặt với nhiều hiểm nguy và phải thật hết sức bình tĩnh khi xảy ra sự cố. Hàng trăm người dân tại các phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), Nại Hiên Đông, Thọ Quang (quận Sơn Trà) vẫn ngày đêm mò mẫm nơi đáy biển để mưu sinh.

Thành quả của người lặn biển sau hàng giờ mò mẫm dưới đáy biển mưu sinh.
Thành quả của người lặn biển sau hàng giờ mò mẫm dưới đáy biển mưu sinh.

Cái giật dây sinh tử

Chiếc ghe nhỏ của ngư dân Huỳnh Văn Phước (phường Xuân Hà) chở theo 5 thợ lặn xuất phát tại bãi đậu tàu thuyền tạm ven bờ từ 5 giờ sáng, hướng vịnh biển Đà Nẵng thẳng tiến. Gió nhẹ, trời trong xanh không một gợn mây, báo hiệu sẽ có một ngày làm việc thuận lợi, hy vọng thu về hàng trăm ký chíp chíp. Dụng cụ hành nghề của những người thợ lặn khá đơn giản. Ngoài bộ đồ lặn để giữ ấm thân nhiệt và kính bảo hộ là chiếc túi cước lớn để đựng chíp chíp.

Để “đáp” nhanh và ổn định dưới đáy biển, người thợ lặn không quên quấn quanh mình sợi xích chì nặng chừng 15kg. Trên ghe, chiếc bình nén khí được nối với 4-5 ống dây thở, đảm bảo cung cấp ôxy cho các thợ lặn hàng giờ dưới nước. “Mạng sống của mấy anh em phụ thuộc vào thằng Hùng hết cả”, miệng cười nói, ông Phước vừa đưa ánh mắt về chàng trai trẻ đang ngồi ở cuối ghe, đang cố kiểm tra lần cuối những đường ống thở dài hàng trăm mét được nối với máy nén khí.

Nguyễn Văn Hùng năm nay 22 tuổi, nhưng theo chân những thợ lặn mưu sinh đã được 6 năm. Chưa đủ sức khỏe, kinh nghiệm để tham gia trực tiếp việc lặn, Hùng được giao nhiệm vụ ở trên ghe theo dõi hoạt động của chiếc máy nén khí và hỗ trợ cho các bạn lặn khi cần thiết. “Chiếc bình nén khí sẽ cung cấp ôxy cho các thợ lặn thông qua đường ống thở được ngậm nơi miệng. Đường ống này dài 200-300 mét tùy thuộc vào khu vực, độ sâu mình lặn. Điều đó cũng có nghĩa mức độ rủi ro, tắc đường ống thở là rất cao”, ông Phước cho biết.

Chỉ một cái gấp khúc, một vài đoạn gỗ mục trôi tự do trên biển, thậm chí vướng vào lưới đánh cá của ngư dân trong vùng thì lập tức tính mạng của người thợ lặn sẽ bị đe dọa. “Mỗi người thợ lặn gắn kết với người trên ghe bằng ống thở và một sợi dây quấn quanh người. Khi có sự cố hoặc cần chuyển chíp chíp lên ghe chỉ cần giật giật dây theo ám hiệu, lập tức người ở bên trên sẽ kéo lên”, Hùng chia sẻ. Cánh thợ lặn vẫn thường ví von công việc này bằng cái tên “cái giật dây sinh tử” bởi sự an toàn tính mạng của người thợ lặn được tính bằng giây. “Mỗi thợ lặn đều vác trên mình sợi dây xích bằng chì khá nặng để chìm sâu xuống nước. Nếu không nhờ sự hỗ trợ bên trên dùng dây kéo thì việc ngoi lên mặt nước là việc làm rất khó khăn, mất sức rất nhiều. Thậm chí, nếu người ở trên không hiểu ý hoặc không nhận biết được ám hiệu qua việc giật dây thì mình sẽ mất mạng”, thợ lặn Trần Văn Hậu (trú phường Thọ Quang) chia sẻ.

Sau khi ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ, bữa ăn vội diễn ra chóng vánh ngay trên sàn chiếc ghe nhỏ. Người mang theo cơm, kẻ ổ bánh mì, gói xôi ăn kèm với cá kho. Nghỉ ngơi chừng 30 phút, không ai bảo ai, tất cả lại lặng lẽ mặc đồ lặn, ngậm ống thở và lao nhanh xuống nước. Thợ lặn Lê Văn Khuyên (trú phường Xuân Hà) cho biết, thu nhập nghề này rất vô chừng, có khi cả triệu bạc mỗi ngày nhưng cũng có lúc chỉ 70.000-80.000 đồng, không đủ chi phí bỏ ra. Vào mùa chíp chíp sinh sôi, mùa biển động, giá rét, những người thợ lặn lại tìm đủ nghề từ phụ hồ, vá xe, đan lưới… để duy trì cuộc sống. Thỉnh thoảng, họ được thuê để trục vớt chiếc tàu đắm, gỗ ngâm, làm bờ kè chắn sóng. Tất cả đều vui vẻ nhận lời, như một việc phụ để mưu sinh, duy trì cuộc sống.

Người thợ lặn luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập. 		Ảnh: PHAN CHUNG
Người thợ lặn luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập. Ảnh: PHAN CHUNG

Nghĩa tình vạn lặn

Mấy hôm nay, ông Nguyễn Tư (Hội trưởng Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông) đang ngược xuôi vận động, gom góp để hỗ trợ cho gia đình một người bạn lặn vừa tử vong nơi cửa biển, cách chân cầu Thuận Phước chỉ vài trăm mét. Nạn nhân là anh S. (trú phường Thọ Quang), tử vong để lại vợ và hai con nhỏ. Anh S. vốn làm nghề tài xế nhưng công việc ít, thu nhập không ổn định nên anh quyết định bỏ nghề về theo các bạn lặn ở địa phương làm ăn. Sau những tháng ngày phụ việc, anh quyết định xuống nước, đối mặt với những hiểm nguy đã được cảnh báo để mưu sinh. “Khi bạn lặn trên ghe kéo lên thì thấy anh ấy đang lịm đi. Mọi người cố hô hấp nhân tạo, sơ cứu mọi cách, sau đó có chở bác sĩ ra tới nơi để cứu chữa nhưng tiếc rằng không kịp”, ông Tư nhớ lại. Chia sẻ trước khó khăn, mất mát của người ở lại, những người thợ lặn đã cùng nhau kêu gọi, vận động để hỗ trợ gia đình nạn nhân. Số tiền 13 triệu đồng anh em thợ lặn trong vùng góp được dù không thể bù đắp được đau thương, mất mát mà gia đình nạn nhân đang gánh chịu nhưng thể hiện cái tình của những người đồng cảnh ngộ, đang ngày đêm mò mẫm dưới đáy biển để duy trì cuộc sống trên bờ, rằng trong cơn hoạn nạn vẫn còn có nhau.

Tham gia nghề lặn biển đã hơn 20 năm, ông Tư không nhớ nổi mình đã chứng kiến bao nhiêu cái chết của đồng nghiệp. “Việc lặn biển không hề đơn giản, nó yêu cầu độ chính xác tuyệt đối. Đặc biệt, khi có sự cố xảy ra phải thật sự bình tĩnh để xử lý. Dưới đáy biển sâu, chỉ có mình mới tự cứu được mình”, ông Tư cho biết. Rất nhiều người đã mạnh dạn theo bước cha anh tiếp tục hành nghề lặn biển nhưng rồi cũng phải bỏ giữa chừng vì sự hiểm nguy mà mình đối mặt trong lần đầu tiên xuống nước. Cũng có người suốt đời chịu cảnh thương tật, teo chân, tay, hậu quả của việc lặn biển hằng ngày. Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng trên thực tế, theo ông Nguyễn Tư, hiện vẫn có khoảng 400 người ngày ngày lao mình xuống đáy biển để mưu sinh.

Ở đâu đó trong quan niệm của một vài vùng biển, những ngư dân và người thân của họ vẫn rất kiêng kỵ việc cứu người gặp nạn sông nước. Nói về câu chuyện này, ông Nguyễn Tư gạt phăng: “Quan niệm đâu không biết chứ thấy người ta chết mà không cứu thì lương tâm mình sẽ dằn vặt cả đời. Việc đúng, việc nghĩa thì nên cố gắng làm khi còn có thể, bởi có cần đến mình thì người ta mới nhờ cậy. Làm sao mình có thể vô cảm trước bất hạnh của người khác được”. Đó cũng là lý do mà hơn 100 thợ lặn lập tức đã được huy động và tích cực tham gia việc tìm kiếm, cứu nạn vụ chìm tàu Thảo Vân 2 vừa rồi. Gạt bỏ những quan niệm tín ngưỡng, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, những người thợ lặn đã ngày đêm sát cánh cùng chính quyền thành phố để cứu vớt những nạn nhân xấu số.

“Điều trăn trở nhất của anh em thợ lặn hiện nay đó chính là lượng người ở các địa phương khác đổ về Đà Nẵng hành nghề quá nhiều, chừng 500 người. Họ đến rồi đi theo mùa vụ, không gắn bó lâu dài nên thường mang theo một số dụng cụ để khai thác tận diệt. Những việc làm này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh trưởng của các loài nghêu, chíp chíp. Mình làm nghề truyền từ đời này sang đời khác nên luôn có ý thức giữ gìn, duy trì môi trường sống của các loài này. Nếu tận diệt thì mai sau con cháu mình lấy cái gì để sống”, ông Nguyễn Tư trăn trở.

PHAN CHUNG

.