Chính trị - Xã hội

BẾ MẠC HỘI NGHỊ LẦN THỨ 3 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Hoàn thành các nội dung quan trọng

09:07, 08/07/2016 (GMT+7)

Chiều 7-7, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoàn thành chương trình đề ra sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị.

Lễ bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 		Ảnh: TTXVN
Lễ bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: TTXVN

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, làm rõ thêm một số vấn đề để thống nhất trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện.

Một là, hội nghị đã thảo luận và nhất trí thông qua về nguyên tắc nội dung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; coi đây là những văn bản rất quan trọng cụ thể hóa Điều lệ Đảng, tạo cơ sở để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Phát huy vai trò là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội; chịu trách nhiệm trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về tình hình mọi mặt của Đảng và của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định trách nhiệm và quyền hạn của mình về những vấn đề lớn và quan trọng của đất nước, của Đảng và Nhà nước, bao gồm: Quyết định những vấn đề về chiến lược và chủ trương, chính sách lớn về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 5 năm và hằng năm; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại; công tác xây dựng Đảng, công tác quần chúng, nhằm thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng; những chủ trương, quan điểm chỉ đạo phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và xã hội; chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; định hướng lớn về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...

So với khóa XI, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa này đã được sửa đổi, bổ sung một số điểm mới, cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư... Đặc biệt, Quy chế lần này bổ sung thêm nhiều điểm mới quan trọng về trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị về định hướng, quan điểm, mục tiêu và một số giải pháp lớn về phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống trên một số lĩnh vực cụ thể.

Đồng thời bổ sung một số điểm mới về việc chuẩn bị tiến hành Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư; lãnh đạo, chỉ đạo đối với cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội; chế độ sơ kết, tổng kết, tự phê bình và phê bình, chế độ đi công tác cơ sở...

Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa này cũng đã kế thừa về cơ bản nội dung Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điểm về trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó có việc kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; bổ sung nội dung mới về quan hệ công tác với các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và các ban chỉ đạo của Trung ương.

“Thực hiện tốt các quy chế này sẽ góp phần phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tập thể lãnh đạo, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị; tăng cường sức mạnh tập thể, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Hai là, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành Quy định thi hành Điều lệ Đảng, Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Trung ương thống nhất việc bổ sung, hướng dẫn cụ thể, rõ hơn về các vấn đề như: Về thẩm quyền thi hành kỷ luật của chi bộ; về sinh hoạt định kỳ của Đảng bộ cơ sở và chi bộ; về thời gian dự bị của đảng viên để tính tuổi đảng; về phân cấp trong xem xét, giải quyết khiếu nại; về điều kiện chỉ định đảng viên ngoài Đảng bộ tham gia cấp ủy; về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ bộ phận; về hình thức khen thưởng trong Đảng, về công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng, về nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra các cấp; về thi hành kỷ luật và biểu quyết kỷ luật, về khiếu nại kỷ luật Đảng...

Ba là, hội nghị đã nhất trí về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021. Ban Chấp hành Trung ương hoan nghênh Bộ Chính trị, sau khi bầu được Quốc hội khóa XIV (2016-2021), đã tích cực chuẩn bị các phương án nhân sự để trình hội nghị lần này. Trung ương đã thảo luận, góp nhiều ý kiến làm sâu sắc thêm và thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị về việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa mới bầu hoặc phê chuẩn theo quy định. Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2 khóa XII (họp tháng 3-2016) bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí tiếp tục đề xuất, giới thiệu; đồng thời đã ghi phiếu giới thiệu đối với các chức danh chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước để Bộ Chính trị chính thức giới thiệu đề nghị Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV theo quy định của pháp luật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, tình hình trong nước, bên cạnh mặt thời cơ, thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đạt được mức tăng trưởng khá, an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; tiếp tục có các chủ trương, biện pháp để chủ động, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Đảng và Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn và có những chuyển biến tích cực; một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã và đang được điều tra, xem xét sẽ được đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng pháp luật. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 với hơn 99% số cử tri cả nước đi bầu. Sau khi bầu xong, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc kiện toàn các chức danh của HĐND, UBND các cấp.

Về thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị ưu tiên cho những vấn đề cần tháo gỡ giải quyết, như: Tập trung sức phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; chủ động giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Chú trọng công tác tư tưởng, tuyên truyền, báo chí, thông tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội; kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, phản bác những luận điệu sai trái. Tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng, trước hết là trong Ban Chấp hành Trung ương, trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Mỗi đồng chí Trung ương phải gương mẫu giữ gìn phẩm chất, đạo đức, thật sự học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và tác phong của Bác Hồ; sửa đổi lề lối, phong cách công tác, sinh hoạt.

B.T tổng hợp

.