Chính trị - Xã hội
Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia
Chính sách, pháp luật về BHYT ngày càng hoàn thiện theo hướng mở rộng quyền lợi cho người tham gia. Người có BHYT có cơ hội lựa chọn những cơ sở y tế chất lượng cao, phục vụ tốt khi đến khám và điều trị. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Giám đốc BHXH Đà Nẵng, bác sĩ chuyên khoa II Đinh Văn Hiệp cho biết, trong lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, chính sách về BHYT có những thay đổi ngày càng có lợi cho người tham gia BHYT.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, Đà Nẵng đang dẫn đầu cả nước đạt tỷ lệ 96,3% toàn dân số tham gia BHYT. TRONG ẢNH: Đối thoại chính sách BHXH, BHYT với nông dân. |
* Thưa ông, năm 2016, chính sách về BHYT tiếp tục có những thay đổi cụ thể nào có lợi cho người tham gia?
- Năm 2016, chính sách về BHYT tiếp tục có những thay đổi mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT. Thứ nhất, từ ngày 1-1-2016, mở thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Nghĩa là người bệnh có thể đi khám ban đầu ở bất kỳ cơ sở y tế tuyến xã, huyện nào trên cùng địa bàn tỉnh mà không bị coi là trái tuyến. Ví dụ: Một người đăng ký KCB ban đầu tại Trạm y tế phường Vĩnh Trung có thể đi KCB ở bất cứ Trạm y tế phường, xã hoặc Trung tâm y tế quận, huyện nào trên địa bàn thành phố mà không bị coi là trái tuyến. Người có BHYT có thể đến KCB ở tuyến huyện ngoài địa bàn thành phố.
Thứ hai, là giá dịch vụ y tế tăng 30% theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC. Chúng ta cần phải hiểu là phần chi trả của BHYT cho người bệnh trước ngày 1-3-2016 mới chỉ chi trực tiếp cho người bệnh. Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định giá dịch vụ y tế cấu thành gồm 3 phần (chi cho người bệnh, phụ cấp đặc thù và tiền lương của nhân viên y tế) được áp dụng đối với cơ sở y tế công lập. Đối với hệ thống y tế tư nhân thực hiện giá dịch vụ y tế từ ngày 1-3-2016.
Thứ ba, người có BHYT được KCB tại các cơ sở KCB có hợp đồng KCB BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ được hưởng quyền lợi BHYT.
* Việc mở thông tuyến KCB đến cấp huyện và cấu thành đủ 3 phần của giá dịch vụ y tế mà Quỹ BHYT phải chi trả có ý nghĩa gì đối với người tham gia BHYT?
- Việc mở thông tuyến tạo cơ hội cho người bệnh được lựa chọn cơ sở y tế có chất lượng cao và phục vụ tốt. Do vậy, sẽ tạo ra sự “cạnh tranh” giữa các cơ sở y tế cùng tuyến, buộc họ phải đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để thu hút, giữ người bệnh. Nói cách khác, người tham gia BHYT thoải mái lựa chọn nơi KCB cùng tuyến, nơi nào tốt nhất thì đến. Như vậy, người tham gia BHYT là người hưởng lợi từ việc thông tuyến. Từ năm 2021, sẽ mở thông tuyến tỉnh và nâng mức hưởng đối với người bệnh tự đi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và Trung ương.
Việc tăng giá dịch vụ là do trước đây, khi chưa tính đủ chi phí vào giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì BHYT sẽ chi trả cho bệnh viện, người bệnh không phải chi tiền túi. Như vậy, việc tăng giá dịch vụ y tế không tác động đến người có BHYT, chỉ tác động đến Quỹ BHYT.
* Tình hình thực hiện lộ trình BHYT toàn dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 21-NĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020” đến nay đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
- Sau gần 4 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có thể nói, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã ngày càng quan tâm hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghị quyết này. Nhờ đó, nhận thức về việc tham gia BHYT đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực trong các chủ sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Kết quả, đến cuối tháng 5-2016, thành phố Đà Nẵng có 990.573 người/tổng dân số 1.029.000 người dân tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 96,3%. Đây là năm thứ tư Đà Nẵng duy trì tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân cao hơn mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW (đến năm 2020, có 80% dân số tham gia BHYT).
Có thể nói, trong điều kiện kinh tế-xã hội địa phương còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, một bộ phận người lao động tự do, nông dân, ngư dân mức sống còn thấp nhưng tỷ lệ 96,3% dân số của thành phố tham gia BHYT là một minh chứng đầy sức thuyết phục về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị thành phố, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội thành phố.
* Xin cảm ơn ông!
SƠN TRUNG thực hiện