Chính trị - Xã hội

Bất cập quản lý chung cư

07:59, 09/08/2016 (GMT+7)

Bài 1: Vạn sự... khởi đầu

Năm 2004, Công ty Quản lý nhà chung cư (QLNCC) được thành lập, tiếp quản các khu chung cư (KCC) do các ban quản lý, các công ty Nhà nước (thực hiện các dự án đền bù, giải tỏa) bàn giao lại. Do Công ty QLNCC là đơn vị thành lập sau và tiếp nhận công tác quản lý nhà chung cư (NCC) nên một số bất cập tồn tại từ trước đó vẫn tiếp tục kéo dài không hồi kết.

Do “lịch sử” để lại, Công ty QLNCC không ký được hợp đồng thuê nhà đối với 560 căn hộ chung cư do thành phố quản lý bị sang nhượng nhiều lần.  Trong ảnh: Chung cư Hòa Minh nơi có những căn hộ “không chính chủ” sang tay đến cả chục lần. Ảnh: SƠN HUY
Do “lịch sử” để lại, Công ty QLNCC không ký được hợp đồng thuê nhà đối với 560 căn hộ chung cư do thành phố quản lý bị sang nhượng nhiều lần. Trong ảnh: Chung cư Hòa Minh nơi có những căn hộ “không chính chủ” sang tay đến cả chục lần. Ảnh: SƠN HUY

Chung cư chật chội, xuống cấp

Có mặt tại KCC Hòa Minh thuộc khu dân cư Hòa Phú 4 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), đứng trong từng căn hộ rộng chưa đến 30m2, chúng tôi mới cảm nhận hết cái bức bối, chật chội giữa mùa hè nắng nóng. Ông Phan Văn Ngọc, Nhà trưởng nhà F, Tổ trưởng Tổ 108 phường Hòa Minh, cho biết không chỉ diện tích chật hẹp, mà số nhân khẩu trong mỗi căn hộ ngày càng đông nên cuộc sống của người dân trong KCC rất bức bách bởi nhà chật, con đông, việc làm thiếu ổn định.

Bên cạnh đó, chất lượng NCC đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, việc sửa chữa từ đơn vị quản lý là rất hạn hữu. KCC Hòa Minh phần lớn là các hộ dân nằm trong diện giải tỏa dự án tuyến đường Liên Chiểu - Thuận Phước.

Qua hơn 10 năm từ ngày được bố trí, hầu hết các hộ chính chủ ban đầu đã sang nhượng cho người khác. Công ty QLNCC cho biết, KCC Hòa Minh hiện có 132 hộ ở không chính chủ, không có hợp đồng thuê nhà, chỉ theo dạng “ở tạm”. Trong khi đó, theo Công an phường Hòa Minh, riêng KCC này có 134 hộ không đủ điều kiện để cấp sổ tạm trú, kéo theo hệ lụy là 30 thanh-thiếu niên từ 14 đến 25 tuổi không thể làm chứng minh nhân dân.

Giống với KCC Hòa Minh, KCC Thuận Phước có 8 block nhà, mỗi block có 36 căn hộ. Theo báo cáo của Công ty QLNCC, KCC này hiện có 100 hộ chưa làm  hợp đồng với đơn vị quản lý, đứng thứ hai sau KCC Hòa Minh. “Đa phần các hộ chưa ký hợp đồng với công ty ở KCC Hòa Minh và Thuận Phước là do họ sang nhượng căn hộ chung cư qua nhiều chủ (có căn hộ qua 7-8 lần sang nhượng), dẫn đến không còn giấy tờ gốc bố trí lần đầu, hoặc có hộ cố tình chây lỳ không ký hợp đồng với công ty. Công ty cũng không thể thu tiền thuê nhà, không can thiệp buộc họ trả lại căn hộ theo quy định vì thiếu chế tài”, ông Võ Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Quản lý chung cư, Công ty QLNCC cho biết.

Theo bà Lê Thị Thuận, Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, hiện KCC Thuận Phước đã bị xuống cấp nghiêm trọng. KCC này ngay từ khâu thiết kế ban đầu cũng không phù hợp, hiện thiếu rất nhiều hạng mục để hoàn thiện cơ sở hạ tầng của một khu dân cư, như: diện tích nhà quá chật (28m2), không có bãi đậu, đỗ xe, không có nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống ống thoát nước thải quá nhỏ. “Chúng tôi đã kiến nghị cho giải tỏa KCC này nhiều lần, song đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Chung cư xuống cấp, người dân tự ý sửa chữa căn hộ chung cư.

Ngay hệ thống thoát nước thải sau lưng chung cư bị hư hỏng, kiến nghị lên đơn vị quản lý sửa chữa, nhưng chờ lâu quá, chúng tôi đành kiến nghị lên quận xin kinh phí và tự chính quyền sửa chữa để bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị cho địa phương. Tình trạng sang nhượng căn hộ chung cư ở KCC này diễn ra phức tạp, tuy nhiên, trách nhiệm quản lý không thuộc địa phương mà là của Công ty QLNCC”, bà Thuận nói.

560 căn hộ chung cư không chính chủ

Công ty QLNCC cho biết, hiện toàn thành phố có 560 căn hộ chung cư có người ở không chính chủ, chưa ký hợp đồng với công ty. Đối với các hộ này, công ty không thể thu tiền thuê nhà, có trường hợp đã “ở tạm” hơn 10 năm. Theo ông Nguyễn Hữu Chát, Phó Giám đốc Công ty QLNCC, 560 căn hộ này phần lớn đều rơi vào trường hợp thuộc hộ giải tỏa, do các ban, các công ty quản lý thực hiện công tác đền bù, giải tỏa bố trí, sau đó bàn giao lại cho công ty quản lý.

Có trường hợp bố trí ở lâu dài, có trường hợp bố trí ở tạm (chờ bàn giao đất), sau đó người dân không chịu trả lại. “Trường hợp 7 hộ ở KCC Trần Cao Vân là điển hình. 7 hộ dân này đều do Công ty Vật liệu xây dựng, xây lắp và kinh doanh nhà bố trí tạm để bàn giao đất thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Điện Biên Phủ. Sau khi tiếp nhận quản lý KCC Trần Cao Vân, đa số các hộ này đã nhận đất tái định cư (hiện chỉ còn hộ Nguyễn Xuân Vinh chưa nhận đất), nhưng không có hộ nào trả lại NCC, mà họ ở lỳ, không hợp đồng, không trả tiền thuê nhà”, ông Chát bức xúc nói.

Việc không thể ký hợp đồng thuê nhà đối với hơn 560 căn hộ chung cư nói trên không chỉ gây thất thoát lớn nguồn thu tiền thuê nhà cho thành phố mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy trong công tác quản lý NCC cũng như quản lý nhân hộ khẩu đối với chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, theo Công ty QLNCC, hiện nay đối tượng cán bộ, công chức thuê NCC ở, đến khi không còn sử dụng vẫn không chịu trả nhà là có, nhưng chưa có con số thống kê cụ thể. “Sắp tới, chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ tình hình sử dụng nhà chung cư để có báo cụ thể theo chỉ đạo của Sở Xây dựng.

Do thẩm quyền chỉ quản lý sử dụng nói riêng, nên một số bất cập trong công tác quản lý NCC nói chung vẫn tồn tại do thiếu chế tài, do lịch sử tiếp nhận quản lý…”, ông Chát cho biết thêm.

Theo báo cáo của Công ty QLNCC, hiện toàn thành phố có 8.992 căn hộ chung cư, đã bố trí 8.603 căn, trong đó có 4.181 căn hộ bố trí cho đối tượng thuộc diện đền bù giải tỏa; hộ chính chủ, không thu tiền thuê nhà là 1.546 hộ; hộ giải tỏa cho chuyển đổi tên là 2.075 căn. Trong 2 năm 2014 và 2015, có 52 trường hợp sang nhượng căn hộ chung cư trái phép được phát hiện (đã thu hồi). Phát sinh các trường hợp vi phạm này một phần do chủ trương của thành phố cho phép chuyển đổi tên hợp đồng thuê căn hộ chung cư.

ĐOÀN SƠN-TRỌNG HUY

.