Chính trị - Xã hội
Đau đáu những ngày ở Hoàng Sa
Ông Tạ Hồng Tấn, 84 tuổi (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) từng là quan trắc viên tại Trạm Khí tượng Hoàng Sa. Nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về Hoàng Sa vẫn nguyên vẹn trong ông.
Trong khó khăn, bệnh tật, ông Tấn vẫn đau đáu nhớ về Hoàng Sa. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Ánh mắt chất chứa ưu tư khi một phần lãnh thổ của Tổ quốc vẫn còn bị Trung Quốc đánh chiếm trái phép, vị nhân chứng Hoàng Sa bùi ngùi kể, thời trẻ, ông theo học chuyên ngành khí tượng ở Mỹ và có 2 năm làm việc tại một trạm khí tượng trên đất Hoa Kỳ. Từ năm 1959, ông làm quan trắc viên tại Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ và nhiều lần thực hiện nhiệm vụ luân phiên tại Trạm Khí tượng Hoàng Sa (mỗi lần 3 tháng).
Lần đầu tiên, ông Tấn ra Hoàng Sa sau Tết Nguyên đán 1962. Ông cùng 4 đồng sự xuất phát tại Cảng Tiên Sa trên tàu hải quân của chính quyền Sài Gòn. Tàu chạy liên tục hơn một ngày đêm thì đến Hoàng Sa. 5 anh em đưa hành lý, lương thực và các loại thực phẩm khô xuống ca-nô vào bờ, nhận bàn giao công việc từ 5 anh em đã hoàn thành đợt công tác.
Ở Hoàng Sa, mỗi ngày ông Tấn cùng các cộng sự tiến hành đo khí tượng 8 lần, mỗi lần cách nhau 3 giờ. Sau khi khởi động máy, quan trắc viên nhìn bảng đồng hồ theo dõi các chỉ số thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mây, khí áp rồi thả bong bóng lên không trung và điều chỉnh máy hướng theo bong bóng là xác định được hướng gió, tốc độ gió... Trạm trưởng ghi chép cẩn thận rồi chuyển thông tin cho nhân viên vô tuyến điện báo về Trung tâm Khí tượng thủy văn tại Đà Nẵng.
Những tháng ngày ở Hoàng Sa đã in sâu trong lòng ông Tấn biết bao kỷ niệm về bãi cát vàng trên Biển Đông của Tổ quốc. Ông Tấn còn nhớ rõ trên đảo có một tấm bia chủ quyền Việt Nam được xây vào thời Nhà Nguyễn, mặt bia có khắc năm dựng bia là 1816. Phía bắc đảo có ngọn hải đăng để dẫn đường cho tàu thuyền. Ở phía tây đảo có khoảng vài chục ngôi mộ của những người ra đi khi làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa, trong đó có binh sĩ Pháp.
Trong ký ức người nhân viên khí tượng năm xưa còn in đậm màu xanh sẫm của nước biển Hoàng Sa. Ngoài giờ trực, anh em rủ nhau đi câu cá, bắt ốc, hái rau câu… Ông Tấn thích nhất là câu cá chình. Loại cá này nặng đến 3 - 4kg/con, khi cắn câu vùng vẫy rất mạnh, phải nới dây câu cho chúng vùng vẫy đến khi đuối sức thì mới kéo lên được. Cá, mực, rau câu ăn không hết, anh em phơi khô mang về cho gia đình. “Ai cũng thích bắt những con ốc có vỏ đẹp, cọ rửa sạch sẽ, chờ khi về đất liền làm quà tặng người thân, bạn bè”, ông Tấn nói.
Người nhân chứng già ngậm ngùi kể lại sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm đầu năm 1974. Lần đó, khi ông Tấn và các đồng sự đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa thì bị lính Trung Quốc tràn lên chiếm đảo, bắt tất cả nhân viên khí tượng và anh em binh sĩ Sài Gòn ở Hoàng Sa chở về Trung Quốc, giam giữ. Gần một tháng sau, anh em mới được trả tự do và được máy bay chở về sân bay Tân Sơn Nhất. Chính quyền Sài Gòn làm lễ long trọng đón anh em bị bắt trở về. Buổi lễ có rất đông người dự và nhiều băng-rôn phản đối Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Mọi người hô vang các khẩu hiệu lên án hành động xâm lược của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các bài phát biểu tại buổi lễ cùng thể hiện quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Kể đến đây, ông Tấn bồi hồi: “Một phần lãnh thổ của Việt Nam nơi tôi đã nhiều lần làm nhiệm vụ đo đạc khí tượng tại đó, vậy mà Trung Quốc ngang nhiên gọi là “Tây Sa” của họ và chiếm đóng trái phép đã 42 năm nay!”.
LÊ VĂN THƠM