.
KỶ NIỆM NGÀY VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN VIỆT NAM (10-8)

Ngôi nhà cổ tích của nạn nhân da cam

.

Những đứa trẻ mang trong mình chất độc màu da cam gọi nơi ấy là ngôi nhà cổ tích. Cổ tích, bởi ở đó các em được chăm sóc trong vòng tay yêu thương của cộng đồng và biết mình vẫn còn có ích...

Ông Nguyễn Hữu Hùng bên hai đứa con bệnh tật.  			    Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Ông Nguyễn Hữu Hùng bên hai đứa con bệnh tật. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Ngôi nhà đặc biệt ấy là Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ bất hạnh ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng.

Thăm hai con đang được chăm sóc tại khu nhà nội trú của Trung tâm, ông Nguyễn Hữu Hùng (63 tuổi, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) không giấu được xúc động. Bàn tay gầy guộc của người cha già run run nắm lấy tay các con. Con gái ông, chị Nguyễn Thị Hạnh năm nay đã 35 tuổi nhưng vẫn ngô nghê như một đứa trẻ, lúc khóc lúc cười... Nằm bên cạnh Hạnh là cô em Nguyễn Thị Hậu năm nay cũng đã 30 tuổi nhưng thân hình dặt dẹo, co quắp. Ông Hùng có 5 người con thì 2 người là Hạnh và Hậu bị di chứng chất độc da cam, 3 người con còn lại lành lặn nhưng con của họ lại bị liệt, co cơ...

Vợ mất hơn 10 năm nay, ông Hùng chủ yếu ở nhà chăm sóc các con và cháu bị bệnh. “Vất vả quá cô ơi. Di chứng chất độc da cam thật khủng khiếp. Không chỉ con mà cháu của tôi cũng ảnh hưởng. Giờ phải gửi hai đứa con vào Trung tâm nhờ các cô chăm sóc hộ”, ông Hùng nói. Bị cụt một tay do tai nạn lao động và sức khỏe yếu nên ông Hùng chỉ sống dựa vào tiền trợ cấp được hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Ông cho biết, trước đây mấy cha con sống tằn tiện, chi tiêu rất chật vật, thiếu trước hụt sau. Vào đây, hai con được Trung tâm lo toàn bộ và nhờ ăn uống điều độ, đầy đủ nên Hạnh và Hậu lên cân và có da có thịt hơn.

Cạnh giường các con ông Hùng là em Ngô Thùy Linh (14 tuổi, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Lau mặt cho đứa con gái bất hạnh, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (35 tuổi) nói trong nước mắt: “Bé Linh bị di chứng chất độc da cam từ người ông nên bé bị u máu và bại não, chân tay không cử động được”. Vợ chồng chị Oanh đều là lao động phổ thông nên thu nhập bữa có bữa không. Hoàn cảnh khó khăn nên chị đưa con vào đây nhờ các cô chăm sóc. Nhiều lúc nhớ con quá không chịu được, người mẹ tranh thủ mượn xe đi hàng chục cây số lên Trung tâm chỉ để được nhìn thấy con ăn, thấy con cười, dù là nụ cười vô hồn và ngơ ngác.

Theo thống kê của Trung tâm, từ tháng 6 năm 2015 đến nay, ngoài hơn 60 em ở bán trú để học nghề, Trung tâm còn nhận nuôi dưỡng 12 em là nạn nhân chất độc da cam bị bệnh nặng. Tất cả kinh phí đều do các nhà hảo tâm hỗ trợ. Khu nhà nội trú có diện tích 220m2, với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng do ông Harold Chan Soo York, doanh nhân Singapore tài trợ xây dựng. Ngoài chăm sóc các nạn nhân da cam 24/24 giờ, các bệnh nhân nơi đây còn được hỗ trợ về y tế, sức khỏe, dinh dưỡng, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng hoàn toàn miễn phí nên nhiều em tiến bộ rõ rệt. Chẳng hạn như bé Nguyễn Hoài Niên (10 tuổi, ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bị bại não, lúc mới vào đây người mềm oặt nên em chỉ nằm một chỗ. Sau nhiều tháng tập luyện, giờ Niên đã có thể ngồi vững và nhận biết được xung quanh. Hay như chị Trần Thị Phi Nga (36 tuổi, ở quận Cẩm Lệ) khi mới vào đây chân yếu không đi lại được nhưng nay đã có thể tự đi với công cụ hỗ trợ. Chị còn mong muốn có thể được học nghề để nuôi sống bản thân.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Vang, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, riêng tiền ăn cho các em một ngày là 45.000 đồng/người. Ngoài cơm, cháo, các em còn được chăm lo về sữa, thuốc bổ, bỉm vệ sinh với tổng chi phí hơn 1,8 triệu đồng/em/tháng. Tất cả đều do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng vận động tài trợ.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.