Chính trị - Xã hội

Liên kết tạo việc làm cho người khuyết tật

07:57, 05/08/2016 (GMT+7)

Liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) sau khi học nghề là cách làm hiệu quả mà Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng đang triển khai giúp cho hàng trăm em có việc làm ổn định.

Lớp học nghề cho người khuyết tật do Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng tổ chức.     Ảnh: KIM NGÂN
Lớp học nghề cho người khuyết tật do Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: KIM NGÂN

Từ khi sinh ra, Bùi Sánh Phương (24 tuổi, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) không biết mặt bố. Mẹ em sau khi sinh đứa con bị thiểu năng trí tuệ thì cũng bị bệnh tâm thần, không thể tiếp tục nuôi dưỡng con. Phương, cậu bé thiểu năng bất hạnh ấy được đưa đến Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai (quận Ngũ Hành Sơn), trước đây thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng và được các cán bộ nơi đây chăm sóc.

Tuy nhiên, vì chậm phát triển trí tuệ nên Phương không thể đi học ở các trường phổ thông như các bạn cùng trang lứa, do đó Phương được Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề nhận vào lớp học làm bánh với thời hạn 4 tháng. Không ngờ, công việc làm bánh cuốn hút Phương đến mức thầy cô và các bạn cũng ngạc nhiên trước những chiếc bánh ngon, đẹp mắt từ đôi tay khéo léo và chăm chỉ của chàng trai đặc biệt này. Sau khi hoàn thành khóa học, Phương được nhận ngay vào cơ sở làm bánh Đồng Tiến (ở quận Liên Chiểu) với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng và được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng.

Còn Nguyễn Đại Dương (24 tuổi, quê ở Quảng Nam), từ khi sinh ra đã bị liệt 2 chân. Em được một gia đình tại Đà Nẵng nhận nuôi. Sau đó, Dương được học lớp thêu tranh do Trung tâm tổ chức và vào làm việc tại Công ty thêu Thanh Ngọc Minh. Không chỉ tiến bộ từng ngày, bây giờ Dương còn trở thành thầy dạy nghề thêu tranh cho các em nhỏ tại đây với thu nhập ổn định, đủ sống. “Em cứ tưởng cuộc đời mình bỏ đi rồi vì bị liệt đâu có làm được việc gì, nhưng các thầy cô đã dạy cho em thấy không có con đường cùng. Em còn có đôi tay và có thể nuôi sống bản thân”, Dương thổ lộ.

Chỉ riêng trong năm 2015, Trung tâm đã tổ chức 10 lớp dạy nghề gồm: 2 lớp may, 1 lớp thêu thủ công, 2 lớp trang trí hoa voan, 2 lớp thủ công mỹ nghệ (kết cườm), 2 lớp chế biến hương và 1 lớp chế biến thực phẩm cho 58 NKT còn khả năng lao động.

Ông Vũ Hoàng Thương, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hầu hết các học viên sau khi hoàn thành khóa học đều có việc làm. “Chúng tôi đã liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp như: Công ty thêu Thanh Ngọc Minh, Cơ sở bánh mì Đồng Tiến, Công ty may Tâm Ánh Minh… trong việc đào tạo và giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động. Nhờ vậy, không những tay nghề của các học viên được nâng cao mà cơ hội việc làm cũng rộng mở hơn sau khi kết thúc khóa học”, ông Thương nói.

Bà Nguyễn Thị Liền, Giám đốc Công ty thêu Thanh Ngọc Minh (quận Sơn Trà) cho biết, nhờ liên kết với Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng, đơn vị đã tuyển dụng được hàng chục NKT có tay nghề khá. “Việc liên kết giữa các trung tâm dạy nghề và doanh nghiệp là thực sự cần thiết và điều quan trọng nhất là tạo việc làm cho NKT. Chúng tôi cũng mong muốn thành phố hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật”, bà Liền chia sẻ. Theo bà Liền, nên có chính sách hỗ trợ tập huấn cho NKT về kỹ năng chọn nghề phù hợp, kỹ năng hướng nghiệp trước hoặc sau khi học nghề, nhằm giúp NKT dễ dàng tiếp cận với nghề phù hợp.

Ông Vũ Hoàng Thương cho biết, hiện nay, việc liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dù được đẩy mạnh nhưng chưa nhiều và chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu khả năng làm việc của NKT. Nhìn chung, sản phẩm làm ra tiêu thụ với giá thành chưa cao nên thu nhập cho người khuyết tật sau khóa học còn thấp, với mức khoảng 2 triệu đồng/người.

Cũng theo ông Thương, mức hỗ trợ cho học viên NKT học nghề hiện nay là 15.000 đồng/ngày thực học thì quá thấp và cần có sự điều chỉnh tăng thêm; đồng thời có mức hỗ trợ phù hợp theo từng dạng khuyết tật. “Cần có chính sách hỗ trợ công cụ ban đầu cho NKT sau khi tự tìm việc làm, nhận hàng gia công. Đồng thời, cũng cần có chính sách hỗ trợ quản lý, theo dõi, tìm hiểu quá trình của học viên sau khi đào tạo trong thời gian nhất định, nhằm bảo đảm quá trình quản lý NKT sau khi làm việc hoặc chuyển đổi nghề phù hợp”, ông Thương nói.

KIM NGÂN

.