Chính trị - Xã hội
Sốt xuất huyết tăng, nhưng không nóng
Ngày 16-8, Viện Pasteur Nha Trang phối hợp với ngành Y tế Đà Nẵng kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
Đội Y tế dự phòng quận Sơn Trà phun hóa chất dập một ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn phường Thọ Quang. |
Đây là hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế giao về việc tăng cường kiểm tra, triển khai công tác phòng, chống dịch sốt xuyết huyết (SXH) đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Dù chưa vào mùa cao điểm nhưng theo đánh giá, dịch SXH tại Đà Nẵng vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.
Tăng nhưng không “nóng”
Theo Trung tâm Y tế dự phòng, đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố ghi nhận hơn 2.200 ca mắc SXH, không có trường hợp tử vong. Trong đó, một số địa phương có số người mắc SXH cao như Thanh Khê (347 ca), Hải Châu (378 ca), Sơn Trà (393 ca). Trung bình mỗi tuần các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tiếp nhận 40-50 ca mắc SXH.
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn SXH, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tập trung vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom chai lọ, các vật dụng chứa nước, chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy, không làm nơi trú ngụ cho muỗi vằn sinh sản; đồng thời tiến hành phun hóa chất. Ngoài ra, ngành Y tế thành phố chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương trong việc giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch để đưa ra biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị, bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong…
Tại các điểm có người mắc bệnh SXH, ngành Y tế khoanh vùng, phun hóa chất diệt muỗi, tẩm màn, diệt lăng quăng, kiên quyết không để lây lan bùng phát thành dịch. “Đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương điều tra tình hình dịch bệnh, kịp thời phun hóa chất và diệt lăng quăng, bọ gậy tại 55 tổ dân phố trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và 70 tổ dân phố có nguy cơ bùng phát dịch thuộc 2 phường Mân Thái và Thọ Quang, quận Sơn Trà. So với năm trước, số ca mắc SXH có tăng nhưng không nóng. Nguyên nhân tăng một phần do số ca mắc SXH cuối năm 2015 được cộng dồn, điều trị sang đầu 2016”, bác sĩ Thạnh cho biết.
Thay đổi phương thức giám sát
Tiến sĩ Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế Đà Nẵng trong công tác phòng, chống dịch SXH thời gian qua. Theo ông Mai, dịch SXH đang diễn biến ngày càng phức tạp, không theo một chu trình, biên độ cụ thể như những năm trước đây. Do đó, khả năng bùng phát dịch xảy ra rất lớn, đặc biệt là mùa mưa sắp đến gần. Tính đến thời điểm này, khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã ghi nhận trên 13.000 ca mắc SXH, trong đó 1 ca tử vong. Riêng tại Đà Nẵng, trong 7 tháng đầu năm 2016 đã có gần 1.800 trẻ em bị SXH phải nhập viện điều trị.
Ông Mai nhận định, các ổ dịch SXH tại Đà Nẵng đã được phát hiện đều là những ổ dịch nhỏ, lẻ, không đáng ngại nếu được xử lý sớm và đúng cách.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn công tác Viện Pasteur Nha Trang, ý thức của người dân địa phương trong việc tham gia phòng, chống dịch SXH vẫn chưa cao. Ghi nhận trong buổi sáng 16-8, khi Đội Y tế dự phòng quận Sơn Trà phun hóa chất tại 1 trong 4 ổ dịch trên địa bàn phường Thọ Quang, vẫn còn tình trạng người dân cố tình lảng tránh, đóng kín cửa, thậm chí phản đối việc phun hóa chất vào nhà. “Phòng chống dịch SXH là nhiệm vụ của toàn dân, không riêng ngành nào, cấp nào, nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho công việc khống chế, dập tắt dịch.
Lâu nay, chúng ta thường giám sát dịch SXH thông qua hệ thống bệnh viện, bằng phần mềm thống kê số ca bệnh mắc. Trên thực tế, việc giám sát dịch SXH phải bắt nguồn từ cộng đồng, nghĩa là mỗi người dân phải không ngừng nâng cao vai trò của mình, tích cực chủ động, tự giác trong việc phòng, chống dịch SXH”, ông Mai nhấn mạnh.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG